Để dễ dàng thăng tiến trên quan lộ, nhiều người vốn trình độ năng lực có hạn đã mua bằng cấp để làm “đẹp hồ sơ”.
Hầu hết bằng cấp mua là đồ rởm, nhưng đôi khi lại là bằng cấp “xịn”, chỉ có điều học giả mà thôi. Phen này nhiều người sẽ ngã đau.
Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã ra thông báo đề nghị các cơ quan, đơn vị trên cả nước rà soát để phát hiện những trường hợp dùng bằng cử nhân ngôn ngữ tiếng Anh do Trường Đại học Đông Đô cấp trái quy định. Đây được xem là động thái tích cực của Bộ Công an sau khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải làm rõ những cán bộ, công chức, viên chức sử dụng bằng cấp, chứng chỉ không hợp pháp do Đại học Đông Đô cấp.
Trong số những người chỉ “đánh trống ghi tên” mà vẫn có văn bằng hai cử nhân ngôn ngữ tiếng Anh, nhiều người đã dùng nó để có học hàm, học vị, một số người dùng để thăng quan tiến chức trên con đường sự nghiệp. Tới đây, những người sử dụng loại văn bằng không hợp pháp này nhẹ sẽ bị thu hồi những gì đã đạt được nhờ sự gian dối, nặng hơn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi giả mạo.
Việc mất học vị tiến sĩ, học hàm giáo sư, phó giáo sư, mất chuyên viên cao cấp, thậm chí mất chức không có gì đáng tiếc, bởi những thứ đó có được đều nhờ việc xài bằng không hợp pháp. Song, nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì coi như sự nghiệp phấn đấu cả đời “đi tong”. Nếu may mắn không vướng vòng lao lý thì cũng là nỗi nhục nhã ê chề mà một người chỉ cần còn sót lại chút nhân cách cũng khó mà đối diện.
Làm sao có thể không cảm thấy “muối mặt” khi mà lâu nay vênh vác, khoe khắp nơi mình có học hàm, học vị cao, là chuyên viên cao cấp, giữ chức nọ chức kia, để rồi bây giờ trở về tay trắng vì lừa dối và xài bằng bất hợp pháp? Làm sao có thể không sượng sùng khi mà trước đây trót mắng cấp dưới là ngu si, dốt nát, là trình độ năng lực yếu kém? Giờ lòi ra cái đuôi chuột biết giấu mặt vào đâu cho đỡ ngượng?
Có thể, cũng sẽ có một vài người không bị mất chức, không bị thu hồi những thứ đã đạt được nhờ sử dụng văn bằng bất hợp pháp, vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu vậy sẽ không chỉ khiến đồng nghiệp ngay trong cơ quan cảm thấy bất phục, mà cả dư luận xã hội cũng bất an. Đơn giản là một người đã dám vứt bỏ liêm sỉ để dùng văn bằng bất hợp pháp với mục đích luồn lọt, thăng tiến, thì có việc gì mà họ không dám làm?
Khi đã phải sử dụng bằng bất hợp pháp có nghĩa họ cũng không có tài năng gì nổi trội, nếu không muốn nói là trình độ năng lực hạn chế. Vậy thì làm sao họ có đủ năng lực, trình độ để lãnh đạo, điều hành những người khác có năng lực trình độ vượt trội hơn hẳn? Trong trường hợp này, nếu chức càng to thì càng gây hại cho nhiều người, cản trở tiến trình phát triển của cơ quan, xã hội, rộng hơn là của cả đất nước.
Đó là còn chưa kể khi không có trình độ năng lực chuyên môn sẽ đưa ra những chỉ đạo, điều hành nửa vời, thiếu nhất quán, mang nặng cảm tính khiến cấp dưới không thể “tâm phục, khẩu phục”, làm sao có thể thi hành? Khi mà trong một cơ quan, cấp dưới không tôn trọng, nể phục cấp trên tất sẽ sinh biến, từ đó ắt sẽ loạn. Mất đoàn kết nội bộ từ đây mà ra chứ còn ở đâu nữa.
Với nội bộ cơ quan là vậy, với xã hội thì sao? Dư luận làm sao có thể yên tâm khi mà những cán bộ, công chức, viên chức có vị trí công tác ảnh hưởng đến nhiều người, một cộng đồng dân cư, rộng hơn là một xã, một huyện... lại là người không có trình độ gì ngoài khả năng gian dối xài văn bằng bất hợp pháp. Nếu những người này có quyền ra quyết định, hay chỉ đơn giản là tham mưu, làm sao quyết sách có thể đúng đắn đây?
Nếu thực sự có một số người xài văn bằng bất hợp pháp mà vẫn bình yên vô sự, không ai dám động tới thì quả là nguy to cho xã hội. Thực ra phải nói là hiểm họa thì đúng hơn, bởi hành vi gian dối của những người này không chỉ đơn giản là mất thêm một khoản tiền ngân sách để trả lương, thưởng, phụ cấp chức vụ... cho họ. Mà vấn đề ở chỗ họ sẽ tham mưu, hoặc đưa ra những quyết định sai lầm, ảnh hưởng tới nhiều người.
Vậy nên, việc Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) yêu cầu các cơ quan, đơn vị rà soát để phát hiện những người gian dối, sử dụng văn bằng bất hợp pháp đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của cả xã hội. Dư luận mong muốn cơ quan chức năng cần khui ra bằng hết những cán bộ, công chức, viên chức đang có hành vi gian dối, sử dụng văn bằng chứng chỉ giả, không chỉ của Đại học Đông Đô mà còn ở nhiều nguồn khác nữa.
Việc “chỉ mặt, đặt tên” những người sử dụng bằng cấp bất hợp pháp không chỉ đơn giản là làm trong sạch môi trường làm việc trong một cơ quan, tổ chức, rộng hơn là xã hội mà còn để tạo sự công bằng đối với những người có thực tài nhưng không được trọng dụng, bị “đánh bật ra từ vòng gửi xe” vì thiếu “quan hệ”. Một môi trường xã hội lành mạnh mới có thể phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Bởi lẽ, đồ thật mới có độ bền dài lâu, đồ giả rất dễ bể.