‘Độ lớn’ của gói hỗ trợ

H.Vũ (thực hiện) 06/12/2021 08:00

Chính phủ sẽ trình Quốc hội Đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời Chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Vấn đề đang được đặt ra là: “Độ lớn” của gói hỗ trợ là bao nhiêu? Theo ông Trần Anh Tuấn, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, gói hỗ trợ phải ở mức 8 - 10% GDP. 

PV: Thưa ông, hiện có rất nhiều ý kiến khác nhau về gói hỗ trợ để vực dậy nền kinh tế. Quan điểm của ông, gói này cần có độ lớn bao nhiêu?

Ông Trần Anh Tuấn: Ở các nước, gói hỗ trợ về tài chính tiền tệ cỡ 10% GDP. Còn chúng ta cũng phải ở mức 8-10% GDP. Mức độ phải như vậy mới tạo thành đòn bẩy hỗ trợ. Nếu thấp quá sẽ yếu và không đạt hiệu quả. Xin nhấn mạnh rằng cơ sở mức 8-10% GDP không chỉ là kinh nghiệm mà còn là thực tế các nước đã thực hiện và đem lại hiệu quả. Nhiều nước còn vay nợ để có nguồn tài chính tiền tệ đủ lớn thực hiện sự hỗ trợ.

Nếu ở mức 8-10% GDP, từ tình hình thực tế tại Việt Nam, nguồn nào để đáp ứng ở mức đó, thưa ông?

-Hiện tại nợ công của Chính phủ còn dư địa khá lớn. Còn nếu thận trọng chúng ta có thể đi từng bước trong mỗi giai đoạn. Ví dụ bước đầu đưa ra những đối tượng nào sẽ được hỗ trợ trước để “kích thích” hoạt động của họ. Sau đó sẽ đến hỗ trợ đối tượng nào tiếp theo? Nghĩa là phải xác định được đối tượng ưu tiên cho từng giai đoạn. Nếu chúng ta không huy động được nguồn lực đủ lớn để hỗ trợ thì có thể phân ra theo từng giai đoạn thực hiện, qua đó mới giúp tăng trưởng và phát triển.

Ngay lúc này, việc hỗ trợ cho doanh nghiệp phải nhanh?

-Tôi đồng tình với quan điểm đó. Khi doanh nghiệp đã yếu rồi, rất khó có thể vực họ lên. Chính sách hỗ trợ lúc đó sẽ không có tác dụng, không đem lại nhiều ý nghĩa. Do đó việc triển khai hỗ trợ cần hết sức kịp thời và nhanh chóng. Phải tính toán lộ trình, các doanh nghiệp yếu phải được hỗ trợ trước. Sau đó huy động thêm nguồn lực, có bước tiếp theo để hỗ trợ cho các doanh nghiệp yếu ít hơn. Các nước họ hỗ trợ rất nhanh.

Nhiều doanh nghiệp hiện đang cạn kiệt nguồn lực về vốn, lao động, tiếp cận vốn vay mới, khó khăn trong chuyển đổi công nghệ. Trong bối cảnh dịch bệnh, các doanh nghiệp phải tự xoay sở để thay đổi công nghệ, chuyển đổi công nghệ sản xuất, phân phối. Rồi thay đổi phương thức kết nối với các mắt xích trong chuỗi phân phối gắn với hệ sinh thái. Hiện nay người tiêu dùng đang có xu hướng dịch chuyển sang sử dụng công nghệ, không tiếp xúc trực tiếp như trước đây. Khi dịch Covid-19 xảy ra, xu hướng này càng phát triển hơn. Khi người tiêu dùng thay đổi thì doanh nghiệp cũng phải chuyển đổi theo. Muốn vậy, cần nguồn lực để chuyển đổi.

Bên cạnh đó, người lao động cũng đang e dè, xem tình hình dịch bệnh như thế nào mới dám quay trở lại làm việc. Vì dịch bệnh, các lao động cũng đang nghĩ đến bảo vệ cho chính họ, cũng như chuyển đổi nghề nghiệp để đảm bảo thích nghi và an toàn cho họ. Cho nên cũng phải đảm bảo các điều kiện để người lao động đi làm trở lại.

Chúng ta có một lượng kiều bào rất lớn ở nước ngoài, vậy chúng ta có thể huy động nguồn lực rất lớn từ kiều bào, thưa ông?

-Hiện kiều bào cũng đang hỗ trợ cho trong nước rất lớn. Không chỉ tiền mà còn trang thiết bị y tế trong công tác phòng, chống dịch. Muốn tăng cường huy động nguồn lực từ kiều bào phải kèm theo những chính sách khác nhau. Chính sách huy động bằng tiền khác với chính sách huy động đầu tư. Ví như huy động nguồn lực kiều bào theo hướng kiều hối, hay chính sách tiếp nhận viện trợ theo Nghị định 80 thì thủ tục phải nhanh chóng, gọn nhẹ hơn. Nhất là cần làm việc trực tiếp với chuyên gia, nhà đầu tư kiều bào để vận động nguồn tài trợ của họ, từ kiều hối cho đến đầu tư.

Được biết, dự kiến gói hỗ trợ chỉ trong vòng 2 năm (2022 và 2023). Điều đó theo ông có hợp lý?

-Tôi nghĩ như vậy là hợp lý. Bởi nếu chúng ta quyết gói hỗ trợ từ 8-10% GDP thì đâu còn nhiều nguồn lực nữa. Ngân sách không thể nào huy động và hỗ trợ nhiều. Vì hỗ trợ về tài chính, cơ chế tín dụng thì các ngân hàng cũng phải giảm, giãn, hoãn, giữ nguyên nhóm nợ. Những nguồn lực đó, nền kinh tế cũng có sức chịu đựng nhất định. Cũng không thể nào dựa vào nguồn lực nhà nước để hỗ trợ mãi được. Vì thế bản thân mỗi doanh nghiệp cũng phải chủ động, tranh thủ gói hỗ trợ để phục hồi, phát huy và tận dụng cơ hội để xử lý những tình huống theo cơ chế nguyên tắc thị trường. Bây giờ đâu có thể trông chờ mãi. Hỗ trợ phải gắn với mức độ và thời gian và với nguồn lực. Chính sách tài khóa chỉ nên diễn ra từ 1-2 năm. Tất cả các nước trên thế giới đều như vậy cả. Chúng ta cũng phải như vậy.

Trân trọng cảm ơn ông!

“Khi doanh nghiệp đã yếu rồi, rất khó có thể vực họ lên. Chính sách hỗ trợ lúc đó sẽ không có tác dụng, không đem lại nhiều ý nghĩa. Do đó việc triển khai hỗ trợ cần hết sức kịp thời và nhanh chóng”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ‘Độ lớn’ của gói hỗ trợ