Theo các chuyên gia, điều quan trọng khi thu hút đầu tư hiện nay là hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng mềm - chất lượng nguồn nhân lực. Bởi vậy, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, Việt Nam cần chuẩn bị một lực lượng lao động đủ trình độ, năng lực để đáp ứng được yêu cầu mới.
Nhân lực chất lượng cao thiếu và yếu
Theo Bộ LĐTB&XH, nguồn nhân lực của đất nước được tăng cường về quy mô từ 50,4 triệu người (năm 2010) lên 56,2 triệu người (năm 2020). Về chất lượng, tỷ lệ lao động qua đào tạo cũng tăng từ 40% (năm 2010) lên khoảng 65% (năm 2020), trong đó có một số ngành đạt trình độ khu vực và quốc tế như y tế, cơ khí, công nghệ, xây dựng. Tuy nhiên đánh giá của các chuyên gia cho thấy, chất lượng nguồn nhân lực vẫn là điểm yếu cản trở sự phát triển và thu hút đầu tư.
Nói về điểm yếu chất lượng nguồn nhân lực, TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện chúng ta có khoảng 4,7 triệu lao động làm việc trực tiếp trong khu vực FDI. Tuy nhiên, 80% trong số đó chưa có chứng chỉ bằng cấp về đào tạo. Các doanh nghiệp FDI cũng cho biết, có đến 60% đơn vị rất khó tìm nguồn lao động chất lượng cao. Ngay cả doanh nghiệp Việt Nam, theo điều tra của VCCI, 50% doanh nghiệp (DN) cũng cho rằng khó tìm nhân lực chất lượng cao.
“Khi Tập đoàn Khoa học Kỹ thuật Hồng Hải (Foxconn) muốn mở rộng cơ sở 2 sản xuất máy tính bảng tại Bắc Ninh, họ không tìm ra nguồn nhân lực. Hiện tại Bắc Ninh, nguồn nhân lực tại khu công nghiệp là 300.000 lao động. Song Bắc Ninh chỉ cung cấp được 25%, 75% còn lại là lao động ở ngoại tỉnh, nên Foxconn lúc đó đã buộc phải chuyển sang Mỹ” – TS Phan Hữu Thắng cho biết.
Hiện Việt Nam có khoảng 4,7 triệu lao động làm việc trực tiếp trong khu vực FDI, trong đó 980.000 là chuyên gia nước ngoài. Tuy nhiên, điều tra cho thấy, 80% trong số lao động Việt Nam làm việc ở khu vực này chưa có chứng chỉ bằng cấp về đào tạo.
Theo bà Võ Thị Bích Thủy, Trưởng phòng Dịch vụ tư vấn và Tuyển dụng, Tập đoàn Manpower Group Việt Nam, qua khảo sát, các DN sản xuất hầu hết đang gặp vấn đề về nhân sự. Đặc biệt, nhiều đơn hàng đổ về nhưng DN lo không đủ nhân công để thực hiện. Nguồn lao động vốn đã thiếu nay càng thiếu hơn sau cú sốc Covid-19 lần thứ tư.
Cũng theo bà Thủy, không chỉ lo thiếu lao động, nhiều DN công nghiệp hỗ trợ cũng đang rất “khát” nhân lực có tay nghề, kỹ năng để nâng cao năng suất. Theo khảo sát của Falmi (Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh) trong quý III/2021, nhu cầu tuyển dụng lao động của DN công nghiệp hỗ trợ qua đào tạo chiếm hơn 85%, song nguồn cung lại có sự chênh lệch nghiêm trọng so với nhu cầu. Cụ thể, trong tổng số hơn 43.000 lao động đi tìm việc trong quý III/2021 thì số lượng lao động có trình độ nghề sơ cấp, trung cấp và cao đẳng chỉ chiếm hơn 38%.
Ông Lê Tuấn Anh, Trưởng phòng nhân sự Công ty Trà Cozy cho biết, DN này hiện có nhu cầu tuyển dụng hai vị trí là chuyên viên marketing và giám đốc marketing với mức lương lần lượt là từ 25 triệu đồng đến 60 triệu đồng.
“Tuy nhiên việc tuyển dụng thời điểm này khá khó khăn, trước hết do tình hình dịch bệnh nên người lao động không muốn thay đổi công việc, thêm nữa đang cận Tết nên họ cũng ngại chuyển việc. Bên cạnh đó, trên thị trường, các vị trí nhân sự trung và cao cấp gần như rất khó tuyển mà thường phải thông qua giới thiệu bằng những chính sách ưu đãi riêng thu hút nhân lực của công ty”, ông Tuấn Anh cho biết.
Đổi mới chính sách hỗ trợ
Vấn đề về chất lượng nguồn nhân lực nói chung và câu chuyện của Foxconn mà TS Phan Hữu Thắng đề cập nói riêng đã tồn tại nhiều năm nay ở Việt Nam, đặc biệt là trong quá trình thu hút FDI vào đầu tư tại Việt Nam.
Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, một trong những giải pháp để chủ động ứng phó với dịch bệnh là chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng, tạo nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế-xã hội.
Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đầu tư cho đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng; cần có những giải pháp cụ thể, thiết thực để phát triển nguồn nhân lực theo 2 nhánh cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, cả lao động trong nước và lao động xuất khẩu ra nước ngoài.
Theo ông Đỗ Ngọc An, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, trên bình diện quốc gia, Việt Nam mới đưa ra chiến lược, quy hoạch phát triển nhân lực nói chung và chưa có chiến lược, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Thực tế, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo vẫn còn lớn cộng thêm chất lượng đào tạo thấp, cơ cấu ngành nghề lại thiếu hợp lý. Điều này khiến cho xã hội một mặt thiếu lực lượng lao động có trình độ, năng lực, kỹ năng tay nghề cao, mặt khác lại thừa lao động thủ công, không qua đào tạo.
“Sự thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng cao đang trở thành trở ngại lớn cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Do vậy cần sớm có các giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” - ông An nhấn mạnh.
Nâng cao năng lực cho người lao động là yếu tố quyết định tới sức cạnh tranh của nền kinh tế. Vì vậy Chính phủ đã có chủ trương, chính sách hình thành lực lượng lao động có chất lượng cao nhằm tiếp cận, bắt kịp trình độ các nước ASEAN 4 và nhóm các nền kinh tế lớn. Chính phủ cũng có kế hoạch hình thành 80 trường đào tạo lao động chất lượng cao trong thời gian tới; thiết lập một số trung tâm vùng quốc gia có chức năng dẫn dắt, đào tạo nghề trong tương lai, tập trung đào tạo ngành nghề, lĩnh vực trọng điểm còn thiếu và đòi hỏi chất lượng cao.
Đề cập đến giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung nhìn nhận, Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào với 55 triệu người nhưng cùng lúc phải giải quyết 2 bài toán đó là giải quyết việc làm bền vững và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Do đó giải pháp căn cơ là nâng cao chất lượng dự báo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về nhu cầu nhân lực làm cơ sở để điều tiết và đào tạo, bồi dưỡng. Ngoài ra, thu hút tập trung nguồn lực, thúc đẩy đào tạo và đào tạo lại nâng cao kỹ năng tay nghề cho người lao động.
“Bộ sẽ đổi mới chính sách hỗ trợ cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và người lao động, đào tạo nâng cao chuyên môn, công việc và người lao động đáp ứng yêu cầu, trong đó có việc mở rộng đối tượng bao gồm cả người lao động thất nghiệp, lao động có nguy cơ thất nghiệp cao từ các nguồn kinh phí, quỹ hợp pháp và nguồn vốn sự nghiệp cho phép” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Ông Vũ Mạnh Tiêm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam): Doanh nghiệp chủ động tham gia đào tạo nguồn nhân lực
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã nhiều lần được các Nghị quyết của Đảng xác định là khâu đột phá nhưng sự đột phá còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu của công nghiệp hóa - hiện đại hóa, cũng như mong muốn của đất nước.
Qua kiểm tra tại các địa phương cho thấy, hiện đa số người sử dụng lao động chưa quan tâm nhiều đến việc thực hiện trách nhiệm đào tạo lại, đào tạo nâng cao tay nghề, thi nâng bậc nghề cho người lao động. Tỷ lệ công nhân học để nâng cao về trình độ học vấn cũng còn hạn chế, đặc biệt là công nhân tay nghề cao hiện rất hiếm. Có 7% là công nhân có trình độ bậc 6, bậc 7, còn 75% công nhân bậc 1, bậc 2 và 3. Bởi lẽ, nhiều DN cũng không muốn nâng cao tay nghề cho công nhân vì phải trả lương cao, do đó 5-7 năm không thi tay nghề.
Nhân lực là vấn đề sống còn đối với DN, do vậy các DN cũng cần phải “bắt tay” cùng với Nhà nước, các trường đào tạo nghề. Hiện nay Nhà nước cũng đã có những cơ chế về nguồn lực, cũng như tháo gỡ những rào cản về thủ tục, chính sách. Đây cũng là cơ hội để DN tạo được nguồn nhân lực chất lượng phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội: Đào tạo phải gắn liền với nhu cầu
Các số liệu khảo sát nghiên cứu về chất lượng nguồn nhân lực gần đây cho thấy, việc nâng cao năng suất lao động của Việt Nam thực sự rất cần thiết. Chúng ta cần chuẩn bị một lực lượng lao động đủ trình độ để có thể thực hiện được cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên để việc đào tạo, bồi dưỡng cũng như chuẩn bị nhân lực có kỹ năng phát huy được hiệu quả, gắn liền hơn với nhu cầu của thị trường lao động cần phải thay đổi các nhận thức về quy mô tuyển sinh, chất lượng hay hiệu quả đào tạo. Hệ thống các quy định pháp luật về giáo dục nghề nghiệp cũng cần thay đổi theo hướng từng bước được hoàn thiện. Các mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần phát triển rộng để đa dạng về loại hình cũng như trình độ đào tạo
Từ góc độ DN và nhà tuyển dụng, nên xem việc bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho người lao động là một khoản đầu tư thay vì coi là chi phí. Để việc đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức của người lao động hiệu quả, gắn liền với thực tiễn của DN, của nhà tuyển dụng thì cần có những can thiệp đồng bộ.
Ví dụ, tổ chức đào tạo tại DN hoặc kết hợp với cơ sở đào tạo. Từ phía Nhà nước cũng cần có những khuyến khích để thu hút các DN tham gia vào khâu đào tạo từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Lê Bảo (ghi)