Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng Chế Viết Sơn cho rằng, khảo sát sự hài lòng của người dân là việc làm thiết thực để nâng chất dịch vụ công. Tuy nhiên, cần đúc rút kinh nghiệm của quá trình khảo sát để ngày càng phục vụ người dân tốt hơn. Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo sự phục vụ của cơ quan công quyền.
Ông Chế Viết Sơn. Ảnh: Hoàng Long.
PV: Ông đánh giá thế nào về những con số được công bố trong báo cáo, liệu những con số này có sát thực tiễn?
Ông Chế Viết Sơn: Tôi cho rằng, trước hết phải hoan nghênh Bộ Nội vụ, UBTƯ MTTQ Việt Nam, TƯ Hội Cựu Chiến binh đã có nỗ lực rất lớn xây dựng bộ chỉ số tiến hành làm thí điểm và cho kết quả bước đầu. Tuy nhiên, để kết quả này thực sự khách quan có sức thuyết phục tôi nghĩ rằng chúng ta cần từng bước nghiên cứu sâu hơn, tiến hành tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề để bàn giải pháp cải thiện chất lượng hiệu quả của khảo sát mức độ hài lòng này. Làm sao để khảo sát mang tính đại diện cao, thể hiện sự trung thực, khách quan, phản ánh đúng thực trạng của nền hành chính Việt Nam hiện nay.
Trong 6 dịch vụ công được đưa ra khảo sát, 2 chỉ số cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cấp phép xây dựng người dân hài lòng thấp nhất, theo ông vì sao?
- Đất đai vốn là lĩnh vực tương đối phức tạp, nhạy cảm. Hiện nay hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai còn có sự đan xen, chồng chéo có những bất cập trong quá trình giải quyết đòi hỏi khá nhiều thời gian. Lĩnh vực xây dựng cũng vậy, liên quan trực tiếp đến những yêu cầu của đời sống người dân hàng ngày, đồng thời cũng liên quan đến đất đai. Ngoài ra còn là thái độ, cung cách, lề lối phục vụ của đội ngũ cán bộ công chức. Tôi nghĩ đây là lĩnh vực vốn có tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn khá cao hơn các lĩnh vực khác, vì vậy chúng ta cần quan tâm đến lĩnh vực này hơn nhằm cải thiện mức độ hài lòng của người dân.
Cũng liên quan đến kết quả khảo sát, liên quan đến chi phí ngoài quy định, mức phí sổ đỏ, xây dựng khảo sát nói rằng thấp nhất trong khi thủ tục kết hôn thì lại có sự “bôi trơn” nhiều hơn, điều này có mâu thuẫn với thực tế không vì theo các kết quả khảo sát của các tổ chức độc lập trước đó điều này hoàn toàn ngược lại?
- Tôi nghĩ rằng các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, những người thiết kế mẫu phiếu, giám sát, phân tích tổng hợp kết quả nên ngồi lại với nhau để tìm nguyên nhân khách quan, chủ quan để khắc phục. Tôi thấy những con số này chưa thuyết phục.
Những con số này có trở thành chỉ báo pháp lý để cơ quan công quyền phải chuyển động không thưa ông?
- Tôi nghĩ đây là kênh thông tin quan trọng giúp cơ quan nhà nước biết được công việc nào, lĩnh vực nào dân chưa hài lòng, tìm nguyên nhân để có giải pháp khắc phục. Có một thực tế, quá trình cải cách hành chính chậm nguyên nhân chính không nằm ở thủ tục hành chính mà là đạo đức công vụ. Thực tế, đội ngũ cán bộ của ta vừa thừa, vừa thiếu, vừa yếu. Trong cái thiếu đó có thiếu về kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm, đặc biệt là các kĩ năng mềm như kĩ năng giao tiếp ứng xử, kiến thức chuyên môn.
Dân đã bày tỏ tiếng lòng của mình nhưng cán bộ không chuyển liệu chúng ta có chế tài để xử lý cán bộ không thưa ông?
- Quan trọng là qua khảo sát phải tìm ra nguyên nhân nào dân không hài lòng. Nếu là nguyên nhân cơ sở vật chất mình xử lý vấn đề cơ sở vật chất. Liên quan đến nhân tố con người thì mình xử lý nhân tố con người. Con người thì có nguyên nhân về kiến thức, kĩ năng, tác phong lề lối làm việc hay thái độ giao tiếp ứng xử… tùy theo từng trường hợp cụ thể mà chúng ta có thể ứng xử bằng nhiều cách. Tuy nhiên, đòi hỏi cán bộ chuyển động trong một sớm một chiều cũng khó. Vì nhận thức là một quá trình muốn thay đổi phải có thời gian.
Theo ông cần cải tiến cách lấy ý kiến người dân thế nào để đánh giá sát thực tiễn?
- Theo tôi nên có tổ chức độc lập, có đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ khảo sát có kĩ năng, phương pháp thực hiện vấn đề này. Đặc biệt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ cần theo dõi, tổng hợp, thống kê danh sách những người đến giao dịch hành chính, phải lưu lại đầy đủ thông tin để khi mình phát phiếu thì phát đúng người, đúng việc, không đưa nhầm địa chỉ thì kết quả mới trung thực.
Trân trọng cảm ơn ông!