Độ trễ cao tốc

Minh Thủy 16/05/2023 06:00

Tập trung đầu tư, đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường cao tốc là chủ trương lớn. Nhiều khó khăn đã được tháo gỡ, trong đó có hai vướng mắc lớn nhất là công tác giải phóng mặt bằng và giải ngân vốn. Tuy nhiên, lại xuất hiện khó khăn khác ít ngờ tới là thiếu đất đá đắp nền để xây dựng cao tốc. Thực hư việc này ra sao?

Ở thời điểm này, nhiều tỉnh miền Trung đồng loạt triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông nhưng lại gặp khó khăn về đất đắp, nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ công trình trọng điểm quốc gia. Cụ thể, 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị hiện có 3 dự án thành phần gồm Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ với tổng chiều dài gần 130km; cần khoảng 9 triệu mét khối đất đắp, nhưng giá đất đắp hiện đã tăng 25% so với đầu năm 2023.

Tại tỉnh Phú Yên cũng đang xảy ra tình trạng thiếu đất đắp cục bộ ngay trong Dự án Cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong. Dự án này dài gần 50km. Ban điều hành Dự án đã nộp hồ sơ về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này xin cấp phép khai thác 5 mỏ nhưng chưa được cấp phép mỏ vật liệu nào.

Tại tỉnh Khánh Hòa, gần 50km của Dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang cũng đang gặp nhiều khó khăn về đất đắp. Đến nay, chủ đầu tư, đơn vị thi công mới thỏa thuận được 5 điểm mỏ, 18 điểm mỏ còn lại chưa tìm được tiếng nói chung với người sử dụng đất.

Ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, giá do Bộ duyệt là 92.000 đồng/m3 nhưng có tình trạng vào đến mỏ thì giá bán ra là 120.000 đồng/m3, lúc sau lại nâng giá lên 170.000 đồng/m3. “Giá vật liệu nhảy múa như thế sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ công trình” - ông Thọ nói.

Trước đó, cuối tháng 1, Bộ GTVT đã kiến nghị Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo các địa phương nâng công suất các mỏ đá, cát, đất đang khai thác, hoàn tất thủ tục để sớm đưa các mỏ mới vào khai thác để kịp phục vụ nhu cầu làm dự án cao tốc Bắc - Nam. Theo đó, với 10 dự án thành phần từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa có nhu cầu khoảng 17,1 triệu m3 đá, 8,95 triệu m3 cát, 45,3 triệu m3 đất đắp. Tổng công suất khai thác đá trong khu vực khoảng 6,4 triệu m3/năm. Nếu tính nhu cầu đá cho thời gian thi công 1,5 năm (thời điểm sử dụng nhiều nhất cho móng, mặt đường) thì còn thiếu khoảng 7,5 triệu m3 đá. Nhu cầu cát của các dự án khoảng 8,95 triệu m3. Với tổng công suất khai thác hiện nay khoảng 1,76 triệu m3/năm, nếu tính nhu cầu cát cho thời gian thi công 1,5 năm (thời điểm sử dụng nhiều nhất cho xử lý đất yếu) còn thiếu khoảng 1,9 triệu m3. Đất đắp nền đường so với nhu cầu của dự án còn thiếu khoảng 3 triệu m3.

Tới đầu tháng 3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu hai bộ liên quan (GTVT và TNMT) báo cáo và đề xuất giải pháp cụ thể.

Tiếp đó, ngày 1/4, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 47 thí điểm về tháo gỡ khó khăn cấp phép khai thác các mỏ đất đắp phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Đây cũng được xem là động thái mạnh của Chính phủ gửi tới các địa phương nơi có tuyến cao tốc đi qua đang phát sinh khó khăn về nguyên vật liệu đắp nền.

Có thể nói, việc khó khăn về vật liệu đắp nền làm cao tốc là không ngờ tới. Vì rằng, đất nước ta có tới 3/4 là diện tích đồi núi, không thể nói là thiếu đất, đá, cát và sỏi được. Nói như đại diện lãnh đạo Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT thì khảo sát cho thấy không thiếu mà dư thừa. Chỉ thiếu ở những mỏ đang khai thác, còn mỏ đã quy hoạch chưa cấp phép không thiếu. Nhưng để khai thác 1 mỏ đang quy hoạch thì quy trình cần 6 tháng đến 1 năm.

Trong khi đó, theo Tổng cục Địa chất và khoáng sản (Bộ TNMT) thì Luật Khoáng sản quy định thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản như đất, đá thuộc UBND cấp tỉnh. Quy định thời gian cấp giấy phép khai thác mỏ mới trong 90 ngày và cấp phép tăng công suất mỏ là 45 ngày là khung tối đa. Về tối thiểu không ai cấm, nếu rút xuống 1 tuần, 1 tháng không ai phạt cả miễn là đủ thủ tục.

Như vậy, có thể thấy, việc thiếu vật liệu đắp nền khi làm cao tốc chủ yếu là do vấn đề khai thác các mỏ ở địa phương. Địa phương làm nhanh thì được nhanh, chậm chạp thì chủ dự án phải chịu. Cũng từ đó mà nạn đẩy giá lên đã diễn ra ở nhiều nơi.

Về việc này, nhiều ý kiến cho rằng việc thiếu đất đắp các dự án cho thấy các cơ quan liên quan đến dự án muốn làm nhanh nhưng chưa chuẩn bị kỹ các điều kiện phục vụ thi công ngay từ khi lập dự án và không có sự phối hợp tốt giữa chủ dự án với chính quyền địa phương.

Trở lại với một số tỉnh miền Trung nơi có dự án cao tốc đi qua, rất cần chủ động giải quyết thủ tục để đưa các mỏ mới vào khai thác. Không thể để một vài vướng mắc cục bộ địa phương mà làm chậm tiến độ của hệ thống cao tốc quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Độ trễ cao tốc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO