Sau khi có Nghị định 69, nhiều người đổ xô tìm mua nhà chung cư cũ tại các quận nội đô TP Hà Nội với lý do thuận lợi giao thông, nhưng bên cạnh đó cũng có không ít người kỳ vọng đầu tư vào chung cư cũ chờ một thời gian khi được đền bù xây mới sẽ được “đổi đời”.
Chung cư cũ hút khách
Chị Nguyễn Kim Ngân ở khu tập thể G4 Thành Công, Ba Đình, Hà Nội cho biết, chị và con gái đang sinh sống ở hộ trên tầng 3, rộng 70 m2. Chị hoàn toàn không có ý định bán căn hộ vì đã gắn bó 20 năm nay. Vậy nhưng thi thoảng, chị lại nhận được các cuộc điện thoại đề nghị bán nhà.
Theo chị Ngân, những năm gần đây, khu tập thể nơi chị ở khá nhiều người chuyển đi và chuyển đến, hễ nhà nào có ý định bán nhà thì chỉ sau khoảng thời gian 2 tháng là bán được ngay. “Tôi nghĩ nhiều người muốn mua căn hộ chung cư cũ, một phần giá cả hợp lý, một phần lại nằm ở trung tâm nên rất thuận lợi cho sinh hoạt của người dân” – chị Ngân nói.
Trong khi đó, chị N.H.T. ở A6, khu tập thể Giảng Võ cũng cho biết, chị chỉ mới đăng tin bán căn hộ 50 m2 tầng 6 hai tuần trước đã có người đến đặt cọc để mua nhà.
Trường hợp anh Lê Đình Hùng cũng tương tự. Từng ở khu tập thể Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), anh Hùng cho biết, anh bán nhà ở khu chung cư cũ này để sang ở một chỗ mới tiện nghi hơn, và việc mua bán diễn ra rất nhanh chóng. “Thời điểm tôi rao bán đầu năm 2021, mỗi ngày nhận được 5,7 cuộc điện thoại hỏi mua nhà, người đến xem trực tiếp cũng nhiều” - anh Hùng kể.
Thực tế cho thấy, thị trường mua bán chung cư cũ (nhà tập thể) trên địa bàn TP Hà Nội gần đây rất sôi động. Trên mạng xã hội nhiều nhóm cũng được thành lập để chuyên giao lưu, buôn bán nhà chung cư cũ với hàng chục nghìn thành viên. Các trang mạng về bất động sản cũng liên tục có tin mua bán căn hộ tập thể, chung cư cũ. Không khó để tìm thấy những mục rao bán như: Chính chủ bán căn hộ tập thể Kim Liên, Đống Đa giá 1,45 tỷ, chính chủ bán nhà tập thể mới sửa tầng 4 Vĩnh Hồ gần mặt đường Thái Thịnh giá 1,22 tỷ…
Đánh giá về nhà ở và thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng cho biết, các dự án có căn hộ giá dưới 25 triệu đồng/m2 rất ít, Hà Nội hầu như chỉ có tại các khu vực xa trung tâm và hạ tầng kém phát triển, còn tại TP Hồ Chí Minh thì rất hiếm.
Theo giới kinh doanh bất động sản, chung cư cũ luôn hút khách bởi những điểm cộng, đó là nằm trong khu vực trung tâm, nhiều diện tích nhỏ linh động từ 30 m2, 50 m2, 70 m2… nên giá hợp lý. Bản thân nhiều người dân đi mua nhà cũng cho biết, họ không có đủ tiền để tìm mua các dự án chung cư thương mại giá giao động từ 35 – 40 triệu/m2. Không những giá cao, các căn hộ tại các dự án này phải đóng phí dịch vụ cũng không hề “dễ thở”, còn chưa kể nhiều dự án không gần chợ dân sinh, xa trường học nên sinh hoạt khá bất tiện.
Anh Nguyễn Mạnh Cường – môi giới hoạt động trong lĩnh vực sang nhượng, cho thuê cửa hàng và mua bán nhà khu vực Giảng Võ phân tích, chung cư thương mại không phải ai muốn cũng mua được, thêm nữa nhiều nhà chung cư yếu tính pháp lý, nhà thổ cư thì lại đắt. Do vậy nhiều cá nhân lựa chọn nhà tập thể cũ, chung cư cũ. Đặc biệt các khu Giảng Võ, Thành Công hoạt động mua bán diễn ra khá sôi động, dễ giao dịch.
Đừng kỳ vọng mua nhà để… đổi đời
Là người có nhu cầu mua nhà để ở trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến nóng, anh Nguyễn Hoàng Lê Anh (kinh doanh trong lĩnh vực cung cấp thiết bị làm mát nhà cao tầng) chia sẻ, vợ chồng anh tích luỹ được gần 1,3 tỷ đồng.
Gia đình muốn mua nhà mà lại không phải vay nợ họ hàng, bạn bè nên anh đăng tin cần mua nhà tập thể cũ có diện tích 40 – 45 m2 tại khu vực Thanh Xuân Bắc (Hà Nội). “Chỉ trong vòng 1 tháng khi đăng tin, đã có rất nhiều số điện thoại liên hệ đề nghị kết bạn và tư vấn” – anh Lê Anh cho biết.
Tình trạng xuống cấp, chất lượng công trình kém, ẩm thấp… là những điểm trừ của chung cư cũ, song, không ít người lựa chọn mua các căn hộ này. Theo lý giải của một số chuyên gia ngành địa ốc, các căn hộ này gần rất thuận lợi với các yếu tố “điện, đường, trường, trạm”, diện tích lại nhỏ, có giá phù hợp với túi tiền của người dân nên rất hút khách.
Đặc biệt, từ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 69/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ với nhiều quy định mới về quy hoạch, giải phóng mặt bằng, hệ số đền bù cao… lại càng khiến phân khúc này hút khách hơn.
Một môi giới bất động sản chủ động kết bạn với anh Nguyễn Hoàng Lê Anh còn vẽ ra tương lai, nhà tập thể cũ nát được xây dựng lại còn được đền bù. Như khu C7, D2 Giảng Võ, trước sập xệ xuống cấp nhưng sau thành phố cải tạo giờ thành của hiếm, giá giao dịch quanh mức 45 – 50 triệu đồng/m2, có thời điểm lên 60 triệu/m2.
Trao đổi PV Đại Đoàn Kết, ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam nêu quan điểm: Nghị định 69 là một bước tiến mới có tính đột phá trong cải tạo chung cư cũ, tuy nhiên chính quyền các thành phố sẽ phải nghiên cứu và đưa ra những phương án riêng để áp dụng cho phù hợp hoàn cảnh. Với những nhà đầu tư bỏ tiền tỷ mua nhà chờ cải tạo đền bù, cần tính toán kỹ vì việc cải tạo chung cư cũ không phải là ngày một ngày hai, mà nằm trong lộ trình 5 năm - 10 năm- 15 năm, thậm chí lâu hơn.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ dù đã được cụ thể hóa trong Nghị định 69 nhưng thực tế không đơn giản như một số người nghĩ vì phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó việc cân bằng lợi ích doanh nghiệp - người dân - nhà nước rất khó. Bởi vậy, các chuyên gia khuyến cáo, người dân khi mua nhà cần cân nhắc về mức giá phù hợp thế nào, không nên kỳ vọng mua nhà để được “đổi đời” nhờ đền bù.
Chính phủ ban hành Nghị định số 69/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Theo đó, nhiều quy định mới về quy hoạch, giải phóng mặt bằng… được sửa đổi, giao quyền cho các địa phương nhiều hơn trong triển khai các dự án cải tạo chung cư cũ.