Thời điểm này là giai đoạn “nước rút” cho các sĩ tử tại Hà Nội ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Đây cũng là lúc thí sinh đổ xô vào kỳ thi thử của các trường chuyên trên địa bàn tổ chức.
Quan điểm trái chiều
Có con gái chuẩn bị thi vào lớp 10, anh Nguyễn Hoàng Lành (trú xã Sen Phương, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội) không khỏi lo lắng vì cả năm học này con liên tiếp phải học trực tuyến. Mới đây, khi thấy Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội thông báo tổ chức kỳ thi thử vào lớp 10, anh đã nhanh chóng đăng kí cho con đợt thi đầu tiên. Theo anh, việc đăng kí thi thử sẽ giúp con có được thời gian làm quen với đề thi và biết được thực lực đang đến đâu để có thời gian và phương pháp ôn tập cho phù hợp. “Sắp tới còn 2 đợt thi thử nữa tôi cũng sẽ đăng kí luôn cho con để chuẩn bị tâm lí cho tốt, đến lúc thi thật đỡ bỡ ngỡ. Hai đợt thi gần nhất đều tổ chức trực tuyến qua Zoom nên tôi cũng không mất công đưa con đi thi” - anh Lành cho hay.
Em T.M.L., một học sinh lớp 9 tại Trường THCS Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy) cho biết, việc liên tục tham dự các kỳ thi thử khiến em cảm thấy áp lực và mệt mỏi, nhất là khi kỳ vọng của phụ huynh quá lớn. “Số điểm em đạt được trong kỳ thi thử của trường THPT Chuyên Ngoại ngữ quá thấp khiến bố mẹ phần nào không vui. Nhưng đề thi quá khó để em có thể đạt được số điểm tối thiểu trúng tuyển vào trường so với mọi năm”- em L. cho hay.
Không khuyến khích con tham gia các kỳ thi thử vào lớp 10, chị Nguyễn Mai Hoa (thị xã Sơn Tây) trao đổi: Nên để các con tự chủ động trong việc ôn tập kiến thức và quyết định có thi thử hay không. Việc thi thử tại trường nơi các con đang theo học là đã đủ để đánh giá năng lực của học sinh. Còn tham gia các kỳ thi của những trường chuyên dễ khiến các con căng thẳng hơn do đề thi của các trường chuyên thường có độ khó rất cao. Nếu liên tục thi mà không đạt kết quả như mong đợi có thể làm các con sa sút tinh thần, chán học và tiêu cực.
Thi thử không giải quyết được vấn đề gì?
Được biết, năm 2022, Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội sẽ tổ chức 3 đợt thi thử cho học sinh lớp 9 các trường THPT trên toàn quốc. Trong đó các đợt thi lần lượt là: Đợt 1 thi ngày 20/3; đợt 2 thi ngày 17/4. Cả 2 đợt này đều được tổ chức dưới hình thức thi trực tuyến qua zoom. Đợt 3 thi ngày 15/5 với dự kiến thi trực tiếp. Thí sinh sẽ thi 3 môn: Văn, Toán và môn chuyên. Kết quả thi thử sẽ được thông báo sau khoảng 5 - 10 ngày. Trường THPT chuyên Ngoại ngữ cũng tổ chức 3 đợt thi thử vào các ngày 27/2, 3/4 và đợt 3 vào 8/5 (đợt 1 thi trực tuyến; đợt 2, 3 dự kiến thi trực tiếp).
Cả 2 trường đều có mức lệ phí thi là 450.000 đồng/1 đợt thi gồm 3 môn. Ngoài ra, hệ thống giáo dục Archimedes School cũng tổ chức kì Tổng rà soát kiến thức cho học sinh lớp 9 với 3 môn Toán, Văn, Tiếng Anh tổ chức vào ngày 3/4với mức lệ phí 1.500.000 đồng/3 môn.
Theo đánh giá của nhiều bậc phụ huynh, việc cho con liên tục tham dự các kỳ thi thử không chỉ vô tình tạo thêm gánh nặng tâm lí mà còn gây tốn kém cho gia đình khi chi phí thi thử là không hề nhỏ. Ngoài ra, việc các trường liên tục mở các đợt thi thử có thu phí cũng đặt không ít hoài nghi cho phụ huynh về việc “thương mại hóa” kỳ thi thử để thu lợi nhuận.
Trả lời PV Báo Đại Đoàn Kết, bà Trịnh Diệu Hằng - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ) nhận định, với kỳ thi thử của các trường chuyên không thuộc hệ thống của Sở GDĐT Hà Nội, cấu trúc đề thi và cách đặt câu hỏi rất khác so với các đề thi thường thấy ở cấp THCS. Bởi vậy, việc tổ chức các kỳ thi thử này sẽ giúp các em có cơ hội làm quen với các dạng đề cũng như tâm lý, cách thức làm bài thi. “Về việc tham gia thi thử gây tốn kém hay không cũng khó đánh giá bởi khi tổ chức các kỳ thi này, các trường đều phải có các chi phí đi kèm, phụ huynh thấy chi phí đó hợp lí thì sẽ tham gia” - bà Hằng đánh giá.
Bà Hằng cũng lưu ý, phụ huynh cần xác định đúng nguyện vọng và mục tiêu của con mình là gì để quyết định thi thử hay không. Bởi nếu chỉ thi cho vui thì hoàn toàn không nên, còn nếu thực sự muốn thi để học thì nên tham gia các kì thi này để có một sự chuẩn bị tốt nhất. Đặc biệt, không nên lạm dụng các kỳ thi thử này để tham gia tràn lan cho việc làm quen, cọ xát vì học sinh thời điểm này chưa hoàn thành xong chương trình học, trong khi đề thi đã bao hàm toàn bộ kiến thức trong chương trình. Điều này dễ khiến học sinh đạt kết quả không như mong muốn mà lầm tưởng giữa việc chưa học đến kiến thức và không làm được bài, gây nên tâm lí hoang mang, lo lắng và nhụt chí.
GS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, việc tham dự các kỳ thi thử là thực sự không cần thiết, thậm chí gây tác dụng ngược với học sinh. Các kỳ thi thử được tổ chức dàn trải, dày đặc đánh trúng vào tâm lí muốn thử sức càng nhiều càng tốt của phụ huynh và học sinh. Ở nước ta, người dân thường có tâm lí thích “ứng thí”, tham gia nhiều kỳ thi để không chỉ thử sức mà còn lấy danh nghĩa, so sánh hơn thua. Theo ông Dong, việc tham gia các kỳ thi thử thực chất không giải quyết đuợc vấn đề gì, nhất là đối với học sinh chuẩn bị lên lớp 10.
Theo GS Phạm Tất Dong, hầu hết phụ huynh và học sinh đổ xô đến các kỳ thi thử chủ yếu do tâm lí lo lắng, sốt ruột vì thấy xung quanh ai cũng đi thi thử. Tuy nhiên, cuốn vào “vòng xoáy” của các kỳ thi thử cũng lợi bất cập hại bởi độ khó của các kì thi thử thường cao hơn nhiều so với đề thi thật. Liên tiếp tham gia các kỳ thi này với tâm lí không vững vàng khiến học sinh trở nên áp lực, căng thẳng quá mức dẫn tới việc ôn tập cũng ảnh hưởng. “Do vậy, quan điểm của tôi hoàn toàn không khuyến khích việc mang con em mình tham dự hết kỳ thi thử này đến kỳ thi thử khác” - ông Dong nói.