Hôm nay (16/12), tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức tiếp xúc nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi các tỉnh vùng Tây Nguyên, năm 2024.
Hội nghị có sự tham dự của đại diện đồng bào các dân tộc 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên gồm: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng.
Củng cố vững chắc niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số với Đảng, Nhà nước
Với vị trí nằm ở trung tâm miền núi Nam Đông Dương, Tây Nguyên giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng an ninh. Toàn vùng có tổng diện tích tự nhiên là 54.474km2 (chiếm 16,8% diện tích cả nước) với dân số khoảng 6 triệu người (chiếm khoảng 6% cả nước). Đây là địa bàn có đủ 54 thành phần dân tộc, đồng bào DTTS chiếm 36,52%, trong đó các DTTS tại chỗ gốc Tây Nguyên chiếm khoảng 25% gồm Ba Na, Gia rai, Êđê, Cơ Ho, Mạ, Xơ Đăng, Mơ Nông; các DTTS khác chiếm trên 10% (đông nhất là DTTS từ các tỉnh phía Bắc, như Tày, Nùng, Mông, Thái, Mường, Dao... di cư đến sống tập trung thành cộng đồng).
Theo Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy, năm 2024, nhìn chung tình hình vùng đồng bào DTTS và miền núi các tỉnh vùng Tây Nguyên cơ bản ổn định: an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, không xảy ra các vụ việc nổi cộm mang tính chất nghiêm trọng; cán bộ, chiến sĩ, đồng bào vùng DTTS và miền núi phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; các chương trình, dự án dành cho vùng đồng bào DTTS và miền núi phát huy tốt hiệu quả; các chương trình an sinh xã hội giúp đỡ người nghèo, người gặp khó khăn hoạn nạn, rủi ro trong cuộc sống được chú trọng; đồng bào DTTS khu vực Tây Nguyên tích cực thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội phát động, nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, tự lực vươn lên phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo, phòng, chống dịch bệnh.
Hệ thống MTTQ và tổ chức thành viên các cấp trong vùng đã tích cực, chủ động phối hợp triển khai thực hiện công tác dân tộc, nắm bắt tình hình vùng đồng bào DTTS và miền núi, dự báo những vấn đề phức tạp có thể phát sinh từ cơ sở, từ đó tham mưu với cấp ủy các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo ổn định xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng. Nhiều nơi, MTTQ đã sáng tạo, linh hoạt đổi mới hình thức vận động, tập hợp quần chúng nhân dân, củng cố vững chắc niềm tin của đồng bào DTTS với Đảng, Nhà nước. Các hoạt động giám sát, phản biện xã hội được nâng cao về cả chất và lượng. Các hoạt động cứu trợ, xã hội, nhân đạo, từ thiện, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở được hệ thống MTTQ các cấp đặc biệt coi trọng.
Tuy nhiên, do hạ tầng giao thông, thông tin liên lạc ở một số vùng sâu, vùng xa hẻo lánh, biên giới còn hạn chế; đồng bào DTTS sinh sống phân tán vì vậy công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Tình hình an ninh trật tự một số nơi còn có biểu hiện phức tạp. Giá cả một số mặt hàng thiết yếu tăng cao, dịch bệnh ở người, ở gia súc bùng phát, khí hậu diễn biến thất thường, nông sản khó tiêu thụ… đã ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống của bà con đồng bào các DTTS và miền núi.
Kiên quyết chấm dứt tình trạng phá rừng, hủy hoại môi trường sinh thái
Theo Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy, để chuẩn bị cho hội nghị ý nghĩa này, nhiều nguyện vọng kiến nghị của đồng bào DTTS đã được gửi tới Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam. Đồng bào các dân tộc đề nghị các bộ, ngành ở Trung ương cần đẩy nhanh việc thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 104 ngày 8/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Đề án phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ an ninh, quốc phòng địa bàn Tây Nguyên; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, phối hợp lồng ghép với các chương trình, chính sách khác trên địa bàn như: Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường bền vững, coi đây là một trong những giải pháp mang tính đột phá để phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi khu vực Tây Nguyên nói chung.
Đồng bào các DTTS khu vực Tây Nguyên cũng mong muốn các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và xử lý nghiêm các hành vi xâm hại rừng, kiên quyết chấm dứt tình trạng phá rừng, hủy hoại môi trường sinh thái. Khôi phục một số tập quán tốt, “văn hóa” ứng xử với rừng của đồng bào DTTS; nghiên cứu, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đồng bào DTTS đối với việc quản lý, bảo vệ rừng; giải quyết hợp lý những vấn đề phát sinh từ thực tiễn.
Đặc biệt, đồng bào các dân tộc có nguyện vọng các cơ quan chức năng trên địa bàn cần thực hiện tốt hơn nữa việc ổn định dân du canh du cư, di cư tự phát; triển khai đồng bộ, kịp thời công tác quy hoạch, bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư tại các dự án thủy điện trên địa bàn, bảo đảm đời sống người dân đến nơi ở mới tốt hơn nơi cũ. Thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ về nhà ở, quy hoạch dân cư vùng lũ, sạt lở theo hướng an toàn, ổn định, phát triển bền vững.
Ngoài ra, đồng bào các DTTS đề nghị, chính quyền các địa phương trong vùng cần thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý để bảo đảm dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân về tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, thông tin cũng như cơ hội việc làm cho lao động đồng bào DTTS. Thực hiện tốt công tác quản lý nhân khẩu, hộ tịch, giấy khai sinh... Tập trung phát triển đồng bộ các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng Tây Nguyên, xóa bỏ tình trạng “vùng trũng nguồn nhân lực”.
UBND các tỉnh khu vực Tây Nguyên cần tiếp tục triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ cho khởi nghiệp, tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận thị trường, giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS; Tiếp tục tập trung chỉ đạo, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở, giữ vững quốc phòng - an ninh vùng Tây Nguyên. Không ngừng củng cố lực lượng cốt cán của các đoàn thể, tăng cường phát triển đảng viên, trong đó có đảng viên là người DTTS ở những vùng trọng điểm, vùng đặc biệt khó khăn; đề cao vai trò của già làng, trưởng buôn, trưởng các dòng họ, người có uy tín; Kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ đồng bào DTTS; Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; chú trọng xây dựng quy ước, hương ước và tổ chức phong trào tự quản về an ninh trật tự; phát huy hiệu quả hoạt động của các mô hình tự quản tại cộng đồng...