Hàng ngàn hộ dân thuộc địa bàn hai xã Đông Phước và Phú Hữu (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) vẫn đang phải ngao ngán trông chờ tuyến đường Ngã tư Đông Phước – Bưng Cây Sắn hoàn thành, vì đến nay đã hơn 14 năm từ khi triển khai Dự án, nhưng tuyến đường vẫn chưa hoàn thành để người dân đi lại thuận tiện.
Người dân muốn đi lại phải leo trèo lên phần mố cầu cheo leo.
“Nhìn thấy con đường tui chết… cũng vui”
Dự án Đê bao kết hợp giao thông tuyến lộ Ngã tư Đông Sơn – Bưng Cây Sắn đi qua địa bàn 3 xã Đông Phước, Phú Hữu, Phú Tân (sau khi tách Cần Thơ và Hậu Giang thì gộp lại còn 2 xã Đông Phước và Phú Hữu), được khởi động từ năm 2002.
Đến năm 2004, Dự án được phê duyệt triển khai với 8km đường giao thông trải nhựa, rộng 3,5m; 7 cây cầu, tổng số vốn đầu tư 17 tỉ đồng, lấy từ nguồn vốn ngân sách tỉnh phân bổ. Chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Nông súc sản xuất nhập khẩu Cần Thơ (CATACO). Dự kiến đến năm 2006 Dự án hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng. Thế nhưng đến nay Dự án đã triển khai hơn 14 năm nhưng vẫn chưa thể hoàn thành.
Bà Lê Thị Ba, ngụ tại ấp Phú Trí B, xã Phú Hữu, năm nay đã 83 tuổi. Bà đã hiến 900m2 trong tổng số diện tích đất nông nghiệp ít ỏi mà mình có được. Bà cho biết khi Dự án tuyến đường Ngã tư Đông Sơn – Bưng Cây Sắn được triển khai, bà rất mừng.
Nguyện vọng của bà Ba là có được một con đường khang trang, để con cháu đi học được thuận tiện, người già nhỡ lúc bệnh tật cũng có con đường để kịp thời vận chuyển đưa đến bệnh viện. Thế nhưng, 14 năm qua, bà Ba chỉ biết nhìn lối mòn lầy lội, cỏ mọc um tùm trước cửa nhà mà vẫn không thể hình dung ra con đường khang trang như bà thầm ước nguyện. Bà Ba nghẹn ngào cho biết: “Tui nay đã gần đất xa trời, chỉ mong sao trước khi tui chết tui được nhìn thấy con đường, tui chết… cũng vui”.
Được biết, đến nay cây cầu bắc qua sông Nàng Mao nằm trong Dự án chưa được triển khai xây dựng. Bà Trần Thị Sàng, ấp Phú Trí B, xã Phú Hữu cho biết: Nhìn thấy cầu trước mặt mà đi không được, người dân bức xúc lắm. Trẻ em đi học, người già qua lại rất khó khăn và rất nguy hiểm vì phải leo trèo lên mố cầu.
Vì mong muốn có được tuyến đường khang trang nên bà con ai cũng hi sinh lợi ích của mình để đơn vị thi công tiến hành san lấp. Bà Lê Thị Tiến, ấp Phú Trí B1, xã Phú Hữu bức xúc: Lúc triển khai Dự án, người ta đã đốn hết 10 gốc xoài trên 10 năm tuổi đang ra hoa của nhà tui, nhưng nghĩ là vì lợi ích chung, vì mong muốn có con đường nên tui không tiếc, cho đốn. Ai ngờ mười mấy năm trời mà đường thì chẳng thấy đâu…
Sau hơn 14 năm triển khai, đến nay Dự án chỉ hoàn thành được 4,48 km đường (còn lại 3,52km) và 6 cây cầu, các hạng mục trên hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Do phương án thi công nóng vội theo kiểu “nhảy cóc”, khiến tuyến đường nằm ở 3 hiện trạng khác nhau, có đoạn đã được trải nhựa nhưng cũng đã bị xuống cấp trầm trọng; có đoạn đã đổ cát nền; có đoạn thì cỏ mọc um tùm. Đến năm 2010, trong khi Dự án còn dở dang thì UBND tỉnh Hậu Giang lại chủ trương kết thúc Dự án.
Vẫn chưa thể biết khi nào sẽ hoàn thành Dự án
Ông Huỳnh Mỹ Tính, Giám đốc Ban quản lí Dự án đầu tư xây dựng huyện Châu Thành cho biết: Trong quá trình giải phóng mặt bằng, phía UBND huyện Châu Thành nhất trí với quan điểm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Bên cạnh đó, có phương án hỗ trợ các hộ có phần diện tích đất bị ảnh hưởng mà dự án đi qua chiếm từ 70% trở lên. Các hộ có phần diện tích đất bị ảnh hưởng dưới 70% không được hỗ trợ.
Tuy nhiên, trao đổi với PV, các hộ dân không chịu giao mặt bằng để triển khai dự án như ban đầu cam kết là vì họ cho rằng thiếu công bằng, minh bạch trong công tác hỗ trợ, khiến nhiều hộ rất bức xúc.
Cụ thể, hộ bà Lê Thị Giàu, ngụ tại ấp Phú Trí B, xã Phú Hữu cho biết: “Dự án đi qua phần đất của tui là hơn 900m2 (chiếm khoảng 30% diện tích, nằm trong đối tượng không được hỗ trợ) nhưng vẫn được cấp hỗ trợ 14 triệu đồng”.
Trong khi đó, hộ bà Nguyễn Thị Hồng, ngụ tại ấp Phú Trí B1, xã Phú Hữu lại bức xúc: “Dự án đi qua phần đất của tui là 9002, cùng một số cây ăn quả lâu năm nhưng lại không được hỗ trợ. Trong khi các hộ khác cũng hiến phần diện tích như tui hoặc ít hơn lại nhận được hỗ trợ, tui thấy không công bằng. Chính vì vậy tui không cho Dự án triển khai trên phần đất của mình”.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Em, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Hữu giải thích: Do thời gian Dự án kéo dài quá lâu, lại qua nhiều thời kì lãnh đạo, nên xã đã không còn nắm được bao nhiêu hộ bị ảnh hưởng nữa. Thậm chí, khi PV tìm đến UBND và Ban quản lí dự án đầu tư, xây dựng huyện Châu Thành thì vẫn không thể có được số liệu về các hộ bị ảnh hưởng bởi Dự án?!
Khi được hỏi về tương lai của tuyến đường Ngã tư Đông Sơn – Bưng Cây Sắn, ông Nguyễn Văn Phiên cho biết: Quan điểm của UBND huyện là sẽ không bỏ Dự án, huyện sẽ quyết tâm hoàn thành Dự án, bằng việc ưu tiên đưa Dự án vào kế hoạch trung hạn để khẩn trương triển khai trong thời gian tới. Nhưng ông Phiên lại bảo không biết khi nào dự án mới hoàn thành.
Liệu người dân còn phải tiếp tục chờ đợi bao lâu nữa mới có thể nhìn thấy được con đường khang trang như kì vọng.