Sáng ngày 25.6, ông Trần Thanh Mẫn – Phó Chủ tịch -Tổng Thư ký UBTWMTTQ Việt Nam làm trưởng đoàn, bà Trương Thị Ngọc Ánh – Phó Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam (phó đoàn) đã cùng đoàn công tác đã đến tỉnh Hà Tĩnh, tổ chức giám sát việc thực hiện hỗ trợ của Nhà nước theo Quyết định số 772/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và hỗ trợ của chính quyền địa phương đối với nhân dân các tỉnh miền Trung trong khắc phục thiệt hại do thủy hải sản chết hàng loạt, góp phần hỗ trợ nhân dân sớm ổn định đời sống.
Phó Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh.
Tại buổi làm việc với thị xã Kỳ Anh, Phó Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đã nghe lãnh đạo địa phương báo cáo về công tác hỗ trợ người dân vùng bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển theo Quyết định 772 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo thống kê thiệt hại trong đánh bắt, nuôi trồng của ngư dân Kỳ Anh trong thời gian qua ước tính khoảng 64,4 tỉ đồng, ảnh hưởng đến đời sống của hơn 6.000 hộ dân trên địa bàn. Sau khi xảy ra sự cố, thị xã Kỳ Anh đã triển khai kịp thời các biện pháp để ổn định tình hình, hỗ trợ cho ngư dân.
Thị xã đã tiếp nhận và cấp trên 477 tấn gạo cho hơn 4900 hộ ngư dân có lao động đánh bắt hải sản do phải ngừng sản xuất, hộ nghèo, hộ gia đình chính sách; tiếp nhận và trao tận tay cho bà con ngư dân 43 tấn gạo, hơn 8000 suất quà và hơn 5,8 tỉ tiền mặt từ nguồn hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân; hỗ trợ trên 7,3 tỉ đồng cho 1558 tàu của các ngư dân không thể ra khơi do sự cố môi trường; cấp trên 666 triệu đồng hỗ trợ cho 26 hộ nuôi trồng thủy hải sản bị ảnh hưởng.
Đoàn công tác làm việc với Thị xã Kỳ Anh.
Tại buổi làm việc, Thị xã Kỳ Anh đã kiến nghị đoàn có đề nghị với Chính phủ nên có các chính sách hỗ trợ lâu dài cho bà con nhân dân bị ảnh hưởng; có các giải pháp giúp bà con chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm; có chính sách hỗ trợ về bảo hiểm y tế, khám sức khỏe cho bà con nhân dân vùng bị ảnh hưởng...
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Trần Thanh Mẫn ghi nhận những nỗ lực kịp thời của chính quyền thị xã Kỳ Anh trong việc tiếp nhận và hỗ trợ kịp thời các nguồn hỗ trợ cho bà con nhân dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường; công tác bám nắm cơ sở, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Việc hỗ trợ kịp thời cho ngư dân là thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với bà con nhân dân, nhất là những thời điểm khó khăn.
Về nhiệm vụ sắp tới, mong muốn thị xã tiếp tục quan tâm đến tình hình đời sống của bà con nhân dân; bám nắm cơ sở, đoàn kết, nỗ lực giữ vững ổn định chính trị; tiếp tục tổ chức cấp phát đúng đối tượng, kịp thời các nguồn hỗ trợ của tỉnh và trung ương.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại buổi làm việc với chính quyền tỉnh Hà Tĩnh.
Trước đó, đoàn công tác đã đi giám sát thực tế việc hỗ trợ của Nhà nước đối với bà con nhân dân khắc phục sự cố môi trường biển tại các xã: Kỳ Ninh (thuộc thị xã Kỳ Anh), Kỳ Hà (Huyện Kỳ Anh) và trao gần 30 suất quà (mỗi phần trị giá 1 triệu đồng) cho bà con ngư dân. Chiều cùng ngày, Đoàn giám sát đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh Hà Tĩnh cho thấy: Hiện Hà Tĩnh có hơn 16.000 hộ lao động gắn bó với hoạt động đánh bắt, khai thác hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá với khoảng 80.000 nhân khẩu. Ngay sau khi xảy ra sự cố môi trường, cùng với sự với sự chỉ đạo của Đảng, nhà nước và sự váo cuộc đồng bộ của các bộ, ngành ban hành các chính sách hỗ trợ, do vậy đến nay, đời sống, tình hình khai thác, nuôi trồng của bà con nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng đã từng bước ổn định.
Tính đến cuối tháng 6.2016, tỉnh Hà Tĩnh đã hoàn thành việc hỗ trợ gạo đến tay người dân với khối lượng 1.505,418 tấn cho 17.068 hộ với 66.967 nhân khẩu; hỗ trợ 666,2 triệu đồng cho các đối tượng nuôi trồng bị thiệt hại; hỗ trợ hình thành 25 cửa hàng kinh doanh hải sản an toàn với mức 5 triệu đồng/1 cửa hàng; hỗ trợ tiền cho 3.852 /4.681 chủ tàu, thuyền dã phê duyệt với số tiền là 17.718 triệu đồng (đạt 82%).
Đồng thời, từ Quỹ cứu trợ của tỉnh, Hà Tĩnh đã cấp, phát quà cho 10.328 hộ gia đình với tổng số tiền gần 9,5 tỉ đồng; cấp phát 30 tấn gạo hỗ trợ cho các hộ dân. Trong khôi phục sản xuất và nuôi trồng: Toàn tỉnh tổng cộng có 5.013 tàu, thuyền các loại. Trong đó có 4.768 chiếc không lắp máy và lắp máy công suất dưới 90CV khai thác vùng lộng vùng ven bờ từ 20 hải lý trở lại.
Ông Trần Thanh Mẫn thăm hỏi động viên và trao quà cho bà con ngư dân tại xã Kỳ Ninh
Trao đổi tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh mong muốn Tỉnh ủy, UBND và các ban, ngành tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh công tác hỗ trợ bà con ngư dân trong khai thác, tiêu thụ sản phẩm hải sản tại vùng bị ảnh hưởng. Đồng thời, có những giải pháp hỗ trợ trước mắt để người dân có thể tạm chuyển đổi nghề nghiệp khi chưa có điều kiện ra khơi khai thác trở lại.
Để hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề, hoặc có điều kiện vay vốn đóng tàu lớn vươn khơi, đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội, ông Nguyễn Văn Lý – Phó Tổng giám đốc ngân hàng Chính sách xã hội cam kết: Ngân hàng có đủ vốn để ngư dân vay phát triển nghề cá hoặc chuyển đổi sinh kế. Đồng thời phía ngân hàng cũng sẵn sàng khoanh nợ, giãn nợ, xóa nợ cho bà con trong diện bị thiệt hại nặng nề.
Có mặt tại buổi làm việc, ông Trần Nam Hồng – Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh thay mặt tỉnh Hà Tĩnh tiếp thu những ý kiến của đoàn công tác. Ông Nam cũng khẳng định, đây là khoảng thời gian rất khó khăn với địa phương về mọi mặt, đặc biệt là trong ổn định tư tưởng, khôi phục lại sản xuất, chuyển đổi nghề, ổn định đời sống cho bà con ngư dân.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Trần Thanh Mẫn – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký UBTWMTTQ Việt Nam biểu dương và đánh giá cao công tác rà soát, hỗ trợ ngư dân rất kịp thời của các ban, ngành tỉnh Hà Tĩnh trong sự cố môi trường vừa qua tại Miền Trung theo tinh thần của Quyết định 772 của Thủ tướng Chính phủ. Phó Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng khẳng định: Chính sách đến tay người dân là đồng bộ, đầy đủ, đúng đắn và đúng đối tượng.
Phó Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị địa phương sớm hoàn chỉnh báo cáo chi tiết, đánh giá chi tiết thiệt hại của bà con trong thời gian qua. Đồng thời trong các nhóm giải pháp phải cụ thể chi tiết hơn. Làm sao hỗ trợ để ổn định đời sống nhân dân một cách sớm nhất. Và đây cũng là cơ hội để Hà Tĩnh cơ cấu, sắp xếp lại nghề cá của mình quy mô, bài bản hơn trong thời gian sắp tới.