Ngày 12/10, trước thềm Hội nghị biểu dương Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã và trưởng ban Công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2014-2017, chia sẻ với Đại Đoàn Kết, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã trân trọng ghi nhận những tấm gương tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Mặt trận cơ sở. Những cống hiến của họ trên các địa bàn dân cư đã và đang góp phần khẳng định vai trò của Mặt trận là trung tâm đoàn kết, khơi dậy sức sáng tạo, phát huy nộ
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn.
PV: Thưa Chủ tịch, nói đến cơ sở là nói đến vai trò của cán bộ cấp xã và trưởng ban công tác Mặt trận ở khu dân cư. Chủ tịch đánh giá như thế nào về những đóng góp của họ trong việc triển khai công tác Mặt trận ở cơ sở?
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn: Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng “Công tác Mặt trận vừa đoàn kết, vừa đấu tranh”, mỗi cán bộ Mặt trận “Phải tích cực và phải chủ động giúp cấp ủy Đảng lãnh đạo công tác Mặt trận; phổ biến và thực hiện chính sách của Đảng về Mặt trận”, “Làm việc phải kiên nhẫn, phải tha thiết với công tác Mặt trận”. Thấm nhuần tư tưởng đó, cán bộ Mặt trận ở cơ sở chính là những người gần dân, sát dân nhất nên họ đã luôn tận tụy, tâm huyết, sáng tạo trong công việc, là những hạt nhân tích cực kết nối cộng đồng vì sự nghiệp xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bằng tâm huyết và trách nhiệm của mình, đội ngũ cán bộ Mặt trận cơ sở đã phát huy quyền làm chủ của nhân dân, lắng nghe nhân dân, phát huy tính tích cực của các cá nhân cũng như tham gia đối thoại, hòa giải, xây dựng cộng đồng tự quản tại địa bàn dân cư… góp phần tạo ra nhiều mô hình hoạt động hấp dẫn trong cộng đồng.
Việc trực tiếp tham gia tuyên truyền và vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nghị quyết của hội đồng nhân dân, quyết định của ủy ban nhân dân; chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong đó có các cuộc vận động của Mặt trận và các phong trào thi đua khác, cùng với trách nhiệm giám sát, phản biện, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền… chính là tâm điểm để người Mặt trận cơ sở khơi dậy sức sáng tạo, phát huy nội lực, tăng cường đoàn kết gắn bó từ mỗi gia đình cho đến cộng đồng. Đặc biệt, từ năm 2015, ban công tác Mặt trận ở khu dân cư đã được nêu tại Điều 6 của Luật MTTQ Việt Nam. Điều này là cơ sở để đội ngũ cán bộ Mặt trận làm tốt hơn nữa việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, lắng nghe, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cũng như tham gia đối thoại, hòa giải, xây dựng cộng đồng tự quản tại địa bàn.
Trong quá trình đó đã xuất hiện nhiều tấm gương tâm huyết, trách nhiệm, hết mình của những người làm công tác Mặt trận đặc biệt là sự đóng góp nhiệt tình, trách nhiệm, sâu sát với cơ sở của chủ tịch ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã và trưởng ban Công tác Mặt trận. Chúng tôi đặc biệt trân trọng và đánh giá cao vai trò cũng như sự đóng góp của đội ngũ cán bộ cơ sở. Bởi vì cơ sở, khu dân cư chính là nơi thể hiện rõ nhất nội dung và kết quả hoạt động của Mặt trận. Hội nghị biểu dương chủ tịch ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã và trưởng ban Công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2014-2017 chính là dịp để Đảng, Nhà nước và MTTQ Việt Nam tôn vinh, ghi nhận về những thành tích đóng góp nổi bật của của họ trong thời gian qua.
Từ những tấm gương được vinh danh tại Hội nghị này, Chủ tịch nhìn nhận như thế nào về hiệu quả hoạt động của công tác Mặt trận trong giai đoạn vừa qua?
- Chủ tịch Trần Thanh Mẫn: Cán bộ Mặt trận là những người gần dân, sát dân nhất, đặc biệt là cán bộ cấp xã và trưởng ban công tác Mặt trận nhưng không phải là việc mà ai cũng có thể làm được. Đó phải là người nắm chắc chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước, cũng là người tranh thủ được sự lãnh đạo của Đảng, phối hợp tốt với chính quyền đồng thời biết phát huy vai trò của các tổ chức thành viên, những người uy tín, tiêu biểu nhưng đặc biệt là phải có nhiệt huyết với công việc mà mình đã lựa chọn. Bản thân mỗi cán bộ Mặt trận làm tốt nhiệm vụ của mình, ngoài những kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng vận động, thuyết phục và xử lý những vấn đề cụ thể thì gia đình họ cũng phải là những gia đình gương mẫu chỉ có như thế cán bộ Mặt trận mới thực sự là tấm gương để người dân đi theo và tham gia phong trào.
442 đại biểu là Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam cấp xã và trưởng ban Công tác Mặt trận về dự hội nghị lần này là những người tiêu biểu như thế. Chúng tôi rất ấn tượng với những việc mà họ đã làm, những gì họ đã cống hiến trong giai đoạn vừa qua. Như trong phong trào xây dựng nông thôn mới, ông Sơn Viên, Trưởng ban quản trị chùa Cosđôn, trưởng ban công tác Mặt trận ấp Bình Bảo, xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu vận động đồng bào phật tử người dân tộc Khmer tích cực tham gia thực hiện phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Hay tấm gương của ông Nguyễn Văn Quảng, trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Chợ Giá, xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng đã vận động nhân dân đóng góp xây dựng nhà văn hóa, sân chơi, sân chợ, bãi tắm và 11 hạng mục công trình ở thôn với tổng trị giá trên 2 tỷ đồng. Đó còn là tấm gương của ông Y Wé Ktla, Trưởng ban Công tác Mặt trận buôn Gram A2 xã Cư Bao, thị xã Buôn Hô, tỉnh Đắk Lắk, vận động nhân dân thực hiện tự quản về vệ sinh môi trường. Nhờ đó mà đến nay trong buôn không có tình trạng gia súc thả rông, nhân dân tự gom thu rác thải, góp phần xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.
Và có thể kể đến tấm gương của bà Huỳnh Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường 1, thành phố Tân An, tỉnh Long An đã triển khai thực hiện tốt giám sát việc chi trả các chế độ cho đối tượng chính sách, đối tượng xã hội; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo trên địa bàn phường. Đồng thời bà còn triển khai tốt việc giám sát về thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo cũng như tổ chức hòa giải thành công rất nhiều vụ việc… Còn rất nhiều những tấm gương thầm lặng như thế đã và đang hết mình vì cộng đồng mà tôi chưa thể kể hết ở đây. Ngay thời điểm này, hàng ngàn gia đình của các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An, Quảng Trị, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai… đang gồng mình khắc phục hậu quả của thiên tai gây ra, chúng tôi tin chắc rằng ở những nơi đó luôn có người Mặt trận đang sát cánh cùng đồng bào mình vượt qua khó khăn, hoạn nạn, vươn lên trong cuộc sống.
Những tấm gương như thế cần được làm theo, những mô hình như thế cần được nhân rộng để làm sao Mặt trận phải là chỗ dựa thực sự vững chắc cho người dân, là điểm tựa tin cậy của nhân dân và là trung tâm đoàn kết, tập hợp nhân dân xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.
Để tiếp tục hoàn thành tốt sứ mệnh của Mặt trận, việc nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cán bộ là một trong những yêu cầu đổi mới nhất là đáp ứng nhiệm vụ giám sát, phản biện, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Ban thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã đặt ra những mục tiêu gì, thưa Chủ tịch?
- Chủ tịch Trần Thanh Mẫn: Mặt trận có chức năng giám sát, phản biện xã hội và tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh. Muốn thực hiện chức năng này, đòi hỏi Mặt trận phải có đội ngũ cán bộ chất lượng mà chất lượng của đội ngũ cán bộ nói chung và cán bộ Mặt trận nói riêng đều đang là vấn đề mà cả xã hội quan tâm. Hiện nay, Mặt trận có hơn 11.000 Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam ở cơ sở và hơn 100.000 trưởng ban Công tác Mặt trận trên hơn 100 ngàn khu dân cư trong cả nước. Ban thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam luôn xác định nâng cao chất lượng cán bộ là việc phải làm thường xuyên, liên tục. Mặt trận phải tập trung đầu tư cho việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của mình nhằm đáp ứng được yêu cầu nghiệp vụ trong hiện tại và tương lai, nhất là trong công tác giám sát, phản biện xã hội, góp phần phát huy dân chủ từ đó gìn giữ và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Để thực hiện được những yêu cầu này, trong thời gian tới, MTTQ Việt Nam các cấp, ban công tác Mặt trận ở khu dân cư cần bám sát thực tiễn, tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự phối hợp, tạo điều kiện của chính quyền, các tổ chức thành viên để tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Cùng với đó là phát huy tinh thần sáng tạo và tự quản của nhân dân, triển khai các cuộc vận động của Mặt trận và các phong trào thi đua yêu nước. Trong đó có cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo”. Và tới đây là tập trung triển khai Phong trào: “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” sẽ phát động ngày 15/10/2017, nhân tháng cao điểm Vì người nghèo năm 2017.
Về nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng và chính quyền vững mạnh, MTTQ Việt Nam các cấp cần phối hợp triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403 giữa Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam với Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết về các hình thức giám sát và phản biện xã hội. Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện các chương trình giám sát đã triển khai. Trong đó theo dõi, phát hiện các vấn đề mà đông đảo nhân dân quan tâm, bức xúc để phối hợp giám sát. Ưu tiên giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, giám sát sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước…
Đối với việc củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận trong giai đoạn mới, trước hết phải tập trung cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thông qua nhiều hình thức như tập huấn, hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc để hướng dẫn cho cán bộ Mặt trận biết việc, biết cách để làm. Đồng thời phải phát hiện nguồn cán bộ để tham mưu, giới thiệu cho cấp ủy cùng cấp để bố trí cán bộ làm công tác Mặt trận. Bên cạnh đó cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để phổ biến những kinh nghiệm hay, cách làm tốt đặc biệt là những tấm gương sáng. Cùng với đó phải chăm lo đến công tác chính sách để giúp cán bộ Mặt trận đảm bảo được những điều kiện cần thiết nhằm thực hiện chức năng của mình. Đặc biệt cần tiến hành rà soát đội ngũ cán bộ chuyên trách của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp để có phương án chuẩn bị xây dựng đội ngũ cán bộ cho nhiệm kỳ Đại hội tới.
Trân trọng cảm ơn Chủ tịch Trần Thanh Mẫn!
Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh: Đội ngũ chân rết - quan trọng của hệ thống Mặt trận Từ đầu năm, chúng tôi đã tuyên dương 87 Ban Công tác Mặt trận cấp thành phố và sắp tới sẽ có nhiều hoạt động biểu dương khác. Đặc biệt, chúng tôi sẽ có thêm nhiều hoạt động để củng cố hoạt động vì đây là đội ngũ chân rết gần như cuối cùng của hệ thống Mặt trận. Tất cả các phong trào thi đua yêu nước cuối cùng đều được thực hiện ở đây và đó chính là vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ cơ sở. Nếu chúng ta không chăm lo cho hệ thống này cũng như không chăm lo cho đội ngũ cán bộ Mặt trận cơ sở, không quan tâm đến đời sống vật chất cũng như tinh thần của họ thì sẽ ảnh hưởng đến nhiều hoạt động của Mặt trận. Thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh cũng đã quan tâm đến đội ngũ này, mặc dù nguồn tài chính của chúng tôi còn ít ỏi nhưng nó là nguồn động viên tinh thần để họ bám sát với công tác Mặt trận hơn. Ông Trần Dương Tuấn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bến Tre: Khó khăn đến mấy cũng phải quan tâm đến cán bộ cơ sở Chủ tịch Mặt trận xã, phường, thị trấn và trưởng ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư đều là những người có tâm huyết, hướng về nhân dân cũng như hướng tới chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận để triển khai. Chủ tịch Mặt trận xã, phường, thị trấn chính là người quyết định hoạt động của Mặt trận ở cấp cơ sở. Vì vậy, ngoài tổ chức các buổi tập huấn, chúng ta phải tạo cho ban Công tác Mặt trận ở ấp, cánh tay nối dài của Chủ tịch và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ xã hoạt động đều tay, lấy nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm cao, lấy ý chí, nguyện vọng của nhân dân làm điểm tựa. Do đó, trong mọi hoàn cảnh, dù khó khăn đến mấy chúng ta phải quan tâm đến đội ngũ này. Chúng tôi luôn mong mỏi, trong thời gian sắp tới sẽ có thêm chế độ, chính sách để anh em Mặt trận cơ sở hoạt động. Nhưng trước tiên, đội ngũ cán bộ Mặt trận cấp tỉnh, cấp huyện hãy thể hiện trách nhiệm của mình bằng cách động viên cán bộ Mặt trận cơ sở, để họ thấy rằng lãnh đạo luôn quan tâm tới mình. Còn riêng đối với tỉnh Bến Tre, dự kiến sẽ tiến hành Hội nghị biểu dương chủ tịch Mặt trận xã và trưởng Ban Công tác Mặt trận tiêu biểu vào đúng dịp kỷ niệm thành lập Mặt trận (18 - 11). Đây là dịp tốt để biểu dương những công lao đóng góp của đội ngũ cơ sở và cũng là dịp để đội ngũ cán bộ cơ sở thấy rằng mặc dù Trung ương ở xa nhưng rất gần với mong muốn anh em tiếp tục phấn đấu, tiếp xây dựng cho sự nghiệp đại đoàn kết. Ông Nguyễn Nam Tiến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thừa Thiên - Huế: Lan tỏa những tấm gương sáng Thực tế, chủ tịch Mặt trận cấp xã và trưởng ban Công tác Mặt trận là những người trực tiếp thực hiện các chủ trương, hướng dẫn, định hướng của Mặt trận các cấp nhưng chế độ đãi ngộ chưa được như mong muốn. Chúng tôi thấy rằng, hiện nay đội ngũ cán bộ Mặt trận cơ sở đã hoạt động khá tích cực. Họ là những người gần dân, sát dân, biết vấn đề và biết cách tuyên truyền. Bằng kinh nghiệm của mình, họ đã thực hiện khá tốt nhiều nội dung, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà địa phương đang đặt ra. Nếu cứ tiếp tục tổ chức những hoạt động như thế này sẽ góp phần lan tỏa những tấm gương sáng để thực hiện những nhiệm vụ của Mặt trận ở cơ sở. Quan trọng nữa, thông qua hội nghị biểu dương những người làm Mặt trận sẽ có thêm cơ hội trao đổi kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau. Với những người chưa được tuyên dương sẽ học hỏi từ những người được tuyên dương cách làm tốt, cách làm hay để về triển khai ở cơ sở, để thực hiện tốt nhất trách nhiệm, vai trò của Mặt trận là người đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân. Tuệ Phương(ghi) |