Năm 2022 khép lại khi cả nước đã hoàn thành và hoàn thành vượt nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Những thành tựu ấy củng cố thế trận lòng dân, củng cố sự tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Và những thành tựu ấy không thể có được nếu không có sự đoàn kết một lòng. Ở đó luôn có vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tập hợp nhân dân, nắm bắt thời cơ để vượt qua thách thức.
Bài học từ cơ sở
Người dân xã Quy Mông, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái đón xuân mới với không khí khác hẳn mọi năm. Những con đường bê-tông chạy dài tít tắp đến từng ngõ xóm, ra những cánh đồng. Hai bên đường là những ngôi nhà khang trang, những vườn cây được chăm sóc gọn gàng. Dẫu Quy Mông chưa phải xã thuộc diện khó khăn nhất của Trấn Yên. Nhưng trước kia, chuyện đói nghèo cũng là chuyện thường ngày.
Người dân Quy Mông đón Tết Quý Mão đầm ấm hơn bởi bao nỗ lực của cộng đồng đã được ghi nhận. Đúng vào dịp Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc vừa qua, xã Quy Mông đã vinh dự đón Bằng công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao. Trở lại đầu năm 2022, cũng như bao địa phương khác, Quy Mông bước vào năm 2022 với những phấp phỏng âu lo. Dịch bệnh Covid-19 vừa trực tiếp đe doạ sức khoẻ cộng đồng, vừa ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Việc xã Quy Mông đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao là niềm vui, tự hào của nhân dân các dân tộc trong xã, đó là công sức chung, là minh chứng sinh động của sức mạnh đoàn kết, sự đồng lòng, chung sức của mọi người dân trong xã dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và sự quản lý của chính quyền. Đó cũng là kết quả cụ thể của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Xã Quy Mông là hình ảnh có tính đại diện. Bởi trên cả nước, có hàng ngàn địa phương như thế. Để rồi, nhân dân cả nước đã cùng vẽ lên một bức tranh tươi sáng cho kinh tế - xã hội. Một trong những bài học được rút ra là bài học về sự đoàn kết và đồng lòng. Đây chính là bài học sâu sắc nhất. Và khi nói đến đoàn kết, không thể không nói đến vai trò của những người làm công tác Mặt trận.
Lắng nghe dân
Ngay từ đầu năm, công tác nắm bắt và phản ánh tình hình nhân dân, đoàn viên, hội viên tiếp tục được triển khai sâu sát. Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức các hội nghị trực tuyến lắng nghe tâm tư, nguyện vọng các tầng lớp nhân dân; xây dựng các báo cáo về tình hình nhân dân hàng quý. Trong năm 2022, Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố đã ban hành 25.575 báo cáo tình hình nhân dân; tổ chức 43.844 hội nghị lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Đó chính là nhân tố quan trọng để Đảng, Nhà nước kịp thời ban hành, điều chỉnh những chính sách sao cho “ý Đảng” gặp được “lòng dân” nhất.
Nếu ở khu vực nông thôn, phong trào xây dựng Nông thôn mới tiếp tục diễn ra sôi động thì tại khu vực thành thị, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp cùng các tổ chức thành viên đã vận động nhân dân xây dựng khu phố, phường, thị trấn văn minh đô thị với các nội dung thiết thực như: xây dựng tuyến phố tự quản; khu phố đảm bảo an ninh trật tự; khu phố thực hiện tốt công tác cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng; khu phố văn minh; tuyến phố xanh, sạch, đẹp…
Trong công tác đoàn kết, tập hợp nhân dân, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc có ý nghĩa hết sức to lớn. Và năm nay, đã có 104.472 khu dân cư trong cả nước tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết (đạt tỷ lệ 95,2%, với hơn 28,3 triệu lượt người tham dự). Đặc biệt, đây còn là dịp nhìn lại bài học về tinh thần đoàn kết của toàn dân trong chống dịch. Nhiều địa phương có cách làm sáng tạo, đổi mới, đem lại ý nghĩa hiệu quả, thiết thực như: Tổ chức bữa cơm Đại đoàn kết; tổ chức trao nhà Đại đoàn kết, tặng quà hộ nghèo, gia đình khó khăn; phát triển Quỹ Khuyến học.
Việc vận động Quỹ Vì người nghèo cũng đạt được nhiều kết quả ấn tượng, Ủy ban MTTQ Việt Nam 4 cấp đã vận động Quỹ “Vì người nghèo” và an sinh xã hội được trên 8.014 tỷ đồng; xây mới và sửa chữa được 42.622 căn nhà Đại đoàn kết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ trên 1,9 triệu lượt người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về khám chữa bệnh; hỗ trợ trên 309.000 lượt người nghèo về phát triển sản xuất và hỗ trợ xây dựng hàng trăm công trình dân sinh.
Ăn cùng dân, ở cùng dân
Trên khắp đất nước, có hàng trăm nghìn Trưởng ban Công tác Mặt trận và cán bộ MTTQ cấp xã, phường ngày ngày “bám sát” cuộc sống ở mỗi khu dân cư. Ăn cùng dân, ở cùng dân, suy nghĩ cho nhân dân, là cầu nối dân với Đảng. Nhờ thế, những chủ trương, chính sách, những cuộc vận động mới đi vào đời sống, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Những ngày cuối năm 2022, những cán bộ cơ sở ưu tú nhất đã có dịp hội ngộ trong Hội nghị biểu dương Chủ tịch UBMTTQ cấp xã và Trưởng ban Công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc, giai đoạn 2017- 2022.
Không ai không xúc động khi nhìn người phụ nữ gầy gò Hà Ngân Kim Tới, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Ở nơi có trên 75% người dân đồng bào Khmer với nghề nghiệp chính là trồng lúa, nuôi tôm, chăn nuôi, nhưng tỉ lệ hộ nghèo còn cao, thu nhập thấp, nhiều gia đình có điều kiện hoàn cảnh rất đặc biệt. Sau 5 năm, với sự vận động của MTTQ các cấp, trong đó có vai trò của bà Kim Tới, 68 ngôi nhà Đại đoàn kết khang trang đã được dựng lên với kinh phí 2,7 tỉ đồng.
Người dân địa phương còn nhắc mãi câu chuyện, có ngôi nhà Đại đoàn kết được dựng lên, nhưng thiếu kinh phí đắp nền, người phụ nữ ấy xắn tay áo, vào tận công trường để làm nền cho bà con. Thấy vậy, mọi người trong xóm ùa tới để chung tay.
Hay như ông Trần Thanh Giang, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn 7, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông, để người dân hiểu và đồng thuận theo chủ trương, chính sách, ông đã tự nguyện hiến 2000 m2 đất và 20 triệu đồng để mở đường. Bà con thấy gương mẫu nên hưởng ứng và đóng góp được 600 triệu đồng. Một con đường bê-tông dài 4km với hệ thống đèn đường chiếu sáng ra đời, góp phần cho xe tải vào chở nông sản tiêu thụ dễ dàng hơn. Còn buổi tối đèn sáng bà con có nơi tập thể dục, đi bộ...
Đánh giá về vai trò của cán bộ Mặt trận ở cơ sở, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, cán bộ Mặt trận ở cơ sở rất năng động đã góp phần “biến không thành có”. Đó là nền móng để xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa, đoàn kết các dân tộc, tôn giáo.
Vững tin
Một năm mới đang về. Mỗi năm, lại có những thách thức riêng. Tình hình kinh tế toàn cầu còn nhiều khó khăn, nhiều nước rơi vào vòng xoáy lạm phát, gây ảnh hưởng tiêu cực đến những thị trường xuất khẩu của Việt Nam, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế hàng triệu người. Công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong nước còn nhiều cam go. Bởi thế, bên cạnh các nhiệm vụ triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Quỹ Vì người nghèo…, tập hợp, vận động nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị - xã hội, người đứng đầu MTTQ Việt Nam đã nhấn mạnh tới việc MTTQ các cấp cần tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Trong đó, chú trọng việc thực hiện chính sách pháp luật về bồi thường, hỗ trợ tái định cư của một số dự án trọng điểm, một số dự án chậm tiến độ, đầu tư dở dang ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân; Giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri và nhân dân của các bộ, ngành, địa phương; Giám sát việc triển khai các dự án, công trình đầu tư vùng đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số… Giám sát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn sớm những sai phạm, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân.
Thách thức vẫn còn ở phía trước nhưng mỗi khi khó khăn, thách thức, tinh thần đại đoàn kết là chìa khoá giải quyết. Từ những gì đã trải qua, từ phẩm chất của người Mặt trận, chúng ta vững niềm tin vào một năm mới với những thời cơ mới và thắng lợi mới.