“Mai sau lớn lên rồi, làm sao có thể nào quên. Thầy em người dạy dỗ. Khi em tuổi còn thơ” - những lời ca trong bài hát “Bụi phấn” của học sinh lớp 10A1, trường THPT Cổ Loa, huyện Đông Anh, TP Hà Nội hát vang trong ngày 18/11 như một món quà tri ân dành cho GS.TS, Nhà giáo ưu tú, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân và các thầy cô giáo nhân dịp kỷ niệm 33 năm Ngày nhà giáo Việt Nam.
GS.TS, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thiện Nhân và Đoàn công tác
đến thăm trường THPT Cổ Loa.
Đến thăm và chia sẻ với giáo viên, học sinh nhà trường, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân không giấu được xúc động nhớ lại những ngày đầu tiên đứng trên bục giảng từ năm 1983, khi ông vừa rời quân ngũ.
“Ngày ấy cơ sở vật chất còn khó khăn, trường lớp còn nghèo nàn, tôi vừa dạy học, vừa tham gia làm công tác đoàn nhưng ngẫm lại, trong hàng chục năm đã trôi qua ấy, quãng thời gian đó là quãng đời không thể quên” thầy giáo Nguyễn Thiện Nhân xúc động chia sẻ.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân thăm Phòng truyền thống nhà trường.
Trong không khí kỷ niệm ngày nhà giáo, thay mặt nhân dân cả nước, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã gửi lời cảm ơn chân thành của nhân dân tới 110.000 thầy, cô giáo của Thủ đô nói riêng và trên 1 triệu thầy, cô công tác trong ngành giáo dục cả nước nói chung tình cảm sâu sắc nhất, đánh giá cao những đóng góp của các thế hệ thầy, cô giáo đã đóng góp trong sự nghiệp trồng người suốt 70 năm qua.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, bắt đầu từ năm 1982, Chính phủ quyết định chọn ngày 20-11 hàng năm là ngày nhà giáo Việt Nam đã thể hiện tinh thần tôn sư, trọng đạo đáp ứng mong muốn tri ân của các thế hệ đã và đang là học sinh, sinh viên trên cả nước.
Lắng nghe ý kiến chia sẻ của các thầy cô, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã thông báo với nhà trường về một số thành tựu của đất nước từ công nghiệp, nông nghiệp, quan hệ quốc tế, đặc biệt trong giai đoạn 30 năm đổi mới, trong đó thành tựu giáo dục đào tạo có vai trò rất lớn.
Theo Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, điểm mấu chốt của các nhà đầu tư nước ngoài khi đến Việt Nam là đáp ứng được các yêu cầu về nhân lực.
“Chúng tôi từng đến thăm khu sản xuất của Samsung tại Việt Nam, nơi có 100 nghìn lao động là người Việt Nam trong khi chỉ có 70 người Hàn Quốc. Như vậy, về thực chất, người Việt Nam đang vận hành nhà máy này. Đó chính là lý do để Samsung đóng cửa cơ sở sản xuất tại Singapore để chọn Việt Nam làm công xưởng của mình. Chất lượng lao động đáp ứng được yêu cầu là nhờ công lao đào tạo của ngành giáo dục, của đội ngũ các thầy cô giáo”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Cho rằng việc học tập phải gắn với nhà trường, với gia đình, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân lưu ý trong hoàn cảnh hiện nay, nhà trường và các thầy cô giáo cần hướng dẫn học sinh sử dụng Internet như một công cụ học tập để tra cứu kiến thức, bởi đó là một công cụ trí tuệ của nhân loại.
Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập hóa sâu rộng hiện nay, cần đẩy mạnh việc dạy và học ngoại ngữ. Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT và nhà trường nên có kế hoạch để nâng chuẩn giáo viên dạy ngoại ngữ, phấn đấu cho giáo viên dạy ngoại ngữ có cơ hội tu nghiệp ở nước ngoài, chuẩn hóa khả năng ngoại ngữ.
Dự buổi học văn của lớp 10A1, thầy giáo Nguyễn Thiện Nhân như trở về những năm tháng còn đứng trên bục giảng, ông hỏi thăm các em đã có chương trình gì, hoạt động gì để mừng tặng thầy cô trong ngày 20-11. Lớp trưởng Đặng Ngọc Thảo cho biết cả lớp đã cùng nhau vẽ một bức tranh vô cùng đặc biệt để tặng các thầy cô giáo của mình.
“Trước đây đất nước chúng ta nghèo, 95% người dân không biết chữ. Ngày nay chúng ta có nhà cao tầng, nhà máy.. tất cả đều là nhờ học hành mà thành. Có học mới làm được, mới sáng tạo được. Thầy cô là người dạy chúng ta học hành, vì vậy là học trò thì phải luôn nhớ ơn thầy cô. Các em cố gắng học tập tốt, suy nghĩ để có sự sáng tạo, có hành động ý nghĩa để tặng thầy cô nhân ngày 20-11”, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam nhắn nhủ.
Trường THPT Cổ Loa là một ngôi trường nằm trên địa danh lịch sử Thành Cổ Loa. Đề cập đến vai trò và trách nhiệm của những người sống và làm việc giữa di sản, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, gần 1.500 học sinh và giáo viên nhà trường cần phát huy sáng kiến trong việc gìn giữ và tôn vinh di tích.
“Đoàn kết là sức mạnh để Việt Nam vượt qua mọi thách thức. Sáng tạo chính là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam, là sức mạnh có sẵn người Việt Nam” Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, và cho rằng, lịch sử phát triển của đất nước cũng đã minh chứng: giáo dục là gốc, đoàn kết để tồn tại và sáng tạo để phát triển.
“Các em hãy nhớ rằng, đoàn kết và sáng tạochính là con đường phát triển của đất nước”, thông điệp của thầy giáo Nguyễn Thiện Nhân gửi đến học sinh cũng là gửi gắm niềm tin tới các thầy cô giáo trường THPT Cổ Loa trong sự nghiệp trồng người.
“Làm thế nào để khi đất nước kỷ niệm 100 năm thành lập, chúng ta tự hào nói rằng, trong 100 năm đó, chúng ta đã có hàng chục năm đào tạo sự nghiệp trồng người và đó là những người đã trưởng thành, đang có mặt ở đây” Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân mong mỏi.
Một số hình ảnh của Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân trong chuyến thăm trường THPT Cổ Loa, Hà Nội:
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân thăm Phòng truyền thống nhà trường.
GS.TS, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thiện Nhân dự buổi học văn của lớp 10A1.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân và Đoàn công tác chụp ảnh
lưu niệm với tập thể lớp 10A1.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nói chuyện với thầy và trò trường THPT Cổ Loa.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân tặng quà nhà trường.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân và Đoàn công tác chụp ảnh
lưu niệm với thầy và trò trường THPT Cổ Loa.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân trồng cây lưu niệm tại trường THPT Cổ Loa.