Không có sự hy sinh nào là uổng phí, ngay cả trong bão lũ dập vùi, chỉ cần cả dân tộc đoàn kết và yêu thương sẽ tạo ra sức mạnh mềm để sự sống hồi sinh, tạo lập cuộc sống mới.
Những ngày qua, bão lụt nghiêm trọng ở miền Trung gây lên những hậu quả đau xót. Nhưng đồng thời giữa khó khăn cũng làm ngời sáng lên những phẩm chất Việt Nam. Giữa bão to sóng cả, trước tình hình sạt lở núi khiến nhiều người bị vùi lấp, trước tình hình nước dâng cao khiến tính mạng người dân bị đe dọa; các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, các lực lượng vũ trang và nhiều người dân đã không quản hiểm nguy sẵn sàng tìm kiếm, ứng cứu. Để thực thi nhiệm vụ cứu nạn, hàng chục cán bộ chiến sĩ trong đó có cả những vị tướng đã hy sinh.
Giữa đỉnh lũ lớn những cán bộ chiến sĩ lao vào đêm tối, vào màn mưa để sơ tán nhân dân, đưa người dân từ vùng bị lũ cô lập đến nơi an toàn. Các đồng nghiệp của chúng tôi thường trú tại các tỉnh miền Trung bị lũ lụt kể rằng cán bộ xã, cán bộ huyện, công an, bộ đội... quần quật cứu hộ, tiếp tế đồ ăn thức uống, không quản ngày đêm phân bổ hàng cứu trợ, giúp bà con trở về thu dọn nhà cửa khi lũ rút. Những chủ tịch xã, những chủ tịch mặt trận ở Hà Tĩnh, ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế bản thân nhà cũng bị ngập sâu vẫn bỏ mặc người nhà đi giúp dân. Trên trang cá nhân của một nhà báo đã viết: Có những chủ tịch xã đã kiệt sức, những cán bộ xã đã kiệt sức, những cán bộ thôn đã kiệt sức, những người cứu hộ đã kiệt sức nhưng họ vẫn bám trụ. Họ cũng cần được chia sẻ, động viên.
Cũng trong khó khăn, lại thắp sáng tình nghĩa đồng bào chia ngọt sẻ bùi. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan ủng hộ đồng bào bị lũ lụt thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nhân dân cả nước hướng về miền Trung với những đoàn thiện nguyện trực tiếp mang theo tiền, hàng cứu trợ trao tận tay người dân. Có những cụ già, những em bé gửi tới miền Trung phần tiền ít ỏi dành dụm được. Có những hình ảnh lay động tâm can khi những người dân vùng lũ sau nhiều giờ ngồi trên nóc nhà gặp được đoàn cứu hộ, nhận được nước uống, cơm ăn...
Ở phần còn lại của đất nước, chúng ta bắt gặp khắp nơi những lời kêu gọi ủng hộ đồng bào vùng lũ, người dân nổi lửa gói bánh chưng, gom gạo, mì tôm, lương khô, nước uống, thuốc men, quần áo, sách vở... Trên facebook nhiều người đem tranh quý, sách quý, đồ cổ, đồ dùng ra bán đấu giá, số tiền thu được chuyển 100% cho đồng bào vùng lũ...
Chúng ta nên gọi những phẩm chất dân tộc ngời sáng như thế là sức mạnh mềm. Bài học về phòng chống Covid-19 và bài học trong bão lũ là chỉ cần chúng ta đoàn kết, thương yêu nhau, có trách nhiệm với cộng đồng, với đất nước, với nhân dân chúng ta sẽ tạo ra sức mạnh mềm đủ sức chiến thắng cả dịch bệnh và thiên tai địch họa.
Cơn lũ lịch sử ở các tỉnh miền Trung vừa qua khiến chúng ta nhớ đến một sự kiện chắc không ai trong chúng ta quên được là thảm họa sóng thần ở Nhật Bản năm 2011. Sau thảm họa người dân Nhật Bản khiến cả thế giới khâm phục, khi họ đã thể hiện bất khuất một tinh thần Samurai - những người Nhật Bản bình tĩnh đến không thể nào hơn khi họ tìm kiếm thân nhân mất tích hay chờ đợi để có được hàng hóa thiết yếu. Không chen lấn, không trộm cắp hay sử dụng bạo lực, những người Nhật Bản vẫn xếp hàng dài ở những cửa hiệu có thể đã cạn kiệt nguồn hàng, họ xếp hàng dài ngay cả khi nhận thức ăn cứu trợ. Giữa đau thương nhất, khi hàng vạn người đã mất hết nhà cửa, và thậm chí là đã mất hết người thân, họ vẫn lặng lẽ xếp hàng nhận những nắm cơm trắng. Cuộn mình trong những chiếc chăn mỏng tang thành hàng, thành lối trong chỗ trú nạn, sạch sẽ ngăn nắp, không hỗn loạn. Xếp hàng dài chờ đến lượt được mở vòi nhận một chai nước uống. Không ai nhào tới, tranh cướp, không một ai tích trữ, không một ai găm hàng tăng giá... Bằng sức mạnh mềm ấy, thế giới lúc đó tin rằng người dân Nhật Bản sau thảm họa sóng thần sẽ hồi sinh mạnh mẽ.
Giáo sư Joseph Nye của Đại học Harvard khi đó đã thốt lên rằng: “Cho dù thảm họa là vô cùng to lớn, nhưng sự kiện đáng buồn này về phần nào đó đã thể hiện được những đặc tính rất đáng ngưỡng mộ của Nhật Bản và vì thế, nó giúp củng cố và tăng cường sức mạnh mềm của họ”.
Lũ ở miền Trung đang rút dần, những người dân đang trở về nhà để tái thiết cuộc sống. Nhưng không ít việc chúng ta đang thấy trong những ngày này lại đang phản ánh việc chúng ta đang tự làm suy yếu chúng ta. Ví dụ như việc những đoàn thiện nguyện tự phát khiến việc cứu trợ hoặc tiếp nhận cứu trợ gây ra lộn xộn, người cần không có mà người không cần lại nhận quá nhiều, dẫn đến những thắc mắc suy tị. Việc quan trọng nhất hiện nay là phân bổ tiền hàng cứu trợ giúp nhân dân tái thiết cuộc sống. Trong lúc khó khăn hoạn nạn nhất người dân sẵn sàng nhường cơm sẻ áo cho nhau nhưng đến thời điểm phân bổ tiền bạc này lại rất dễ dẫn đến những khúc mắc. Vì thế các cấp địa phương làm tốt việc phân bổ thì mới có thể duy trì được tình làng nghĩa xóm, tạo nên đoàn kết trong chính nhân dân vùng lũ.
Nhưng đó cũng chỉ là một vấn đề nhỏ sau bão lũ, điều đáng nói hơn cả là những người ngồi ở đô thị trời nắng đẹp không cần biết thực hư thế nào đã tiếp nhận và phê phán nhiều thông tin sai lệch. Như là không đến tận nơi, không thấy được vất vả khó khăn, sự lăn lộn của cán bộ địa phương đã vội vàng phê phán. Thậm chí có cả việc so sánh cá nhân này làm từ thiện hơn cá nhân hoặc tổ chức khác. Bất cứ ai có tấm lòng từ thiện đều đáng trân trọng, chưa kể rằng có nhiều việc mà các cơ quan, tổ chức và cá nhân đang làm không phải ai cũng hiểu tường minh. Vì thế những so sánh, phê phán, chỉ trích lẫn nhau lúc này đều là vội vàng và không làm cho chúng ta mạnh lên.
Nếu trong hoạn nạn tự chúng ta không đoàn kết thì không thể tập trung được nguồn lực vượt qua khó khăn. Bão lũ dịch bệnh có khi không làm chúng ta gục ngã mà chính việc chúng ta sẵn sàng phê phán, xoi mói, chỉ trích lẫn nhau... lại đang làm cho chúng ta yếu đi. Không loại trừ cả trường hợp chính sự thiếu đoàn kết nội bộ sẽ tạo ra kẽ hở để dẫn đến việc suy diễn, lợi dụng, khoét sâu vào điểm yếu của chúng ta.