Nhà văn Đoàn Minh Phượng từng được bạn đọc yêu thích với tác phẩm “Và khi tro bụi” vừa chính thức trở lại văn đàn với cuốn tiểu thuyết “Đốt cỏ ngày đồng”.
Đoàn Minh Phượng sinh sống ở nước ngoài 20 năm và trở về nước với vai trò đạo diễn phim, về sau mới chuyển sang viết văn. “Đốt cỏ ngày đồng” (Tao Đàn và NXB Hội Nhà văn ấn hành) được thai nghén trong thời gian dài và có nhiều điểm khác biệt căn bản so với các tác phẩm trước của chính tác giả.
Đầu tiên, đây là một tác phẩm phá vỡ mọi quy ước căn bản của thể loại, nó không định rõ cốt truyện, bối cảnh, góc trần thuật. Xuyên suốt “Đốt cỏ ngày đồng” tác giả hầu như không hề nhắc tới một địa điểm nào cụ thể. Ta chỉ bắt gặp những cụm mô tả chung chung, mơ hồ.
Cùng với những địa danh hư cấu như làng Duy Hà, đường Huyền Trân, cung Elysia... Đoàn Minh Phượng đã thực hiện chuyến hành trình đi sâu hơn vào thế giới tâm tưởng thay vì neo vào các cột mốc từ thế giới hiện thực.
Điểm khác biệt thứ hai là ở góc trần thuật. Nếu đọc những tác phẩm đầu tay của chị như “Và khi tro bụi” hay “Tiếng Kiều đồng vọng” ta thấy từ đầu chí cuối chỉ có một nhân vật xưng “tôi” bằng giọng văn khá bình tĩnh, lãnh đạm. Tuy vậy sau hơn một thập niên, tác phẩm mới nhất của Đoàn Minh Phượng đã hầu như mang một màu văn khác: nồng nàn, mãnh liệt…
Có thể nói nhờ sự thay đổi này mà “Đốt cỏ ngày đồng” trở nên mềm mại hơn, có sức lay động xúc cảm mạnh mẽ hơn. Người đọc không được tác giả dẫn dắt qua câu chuyện nhờ vào các sự kiện vật lý hay thời gian thực mà chính nhờ những vào dòng chảy cảm xúc để tự hình dung lên câu chuyện.
Đây chính là kỹ thuật dòng ý thức mà Đoàn Minh Phượng vận dụng thành công trong mọi sáng tác của mình. Khơi nguồn từ tâm lý học cuối thế kỷ 19, kỹ thuật dòng ý thức nhấn mạnh tính tức thì của ý nghĩ, và là phương tiện đắc dụng để mô tả thời gian vật chất như người ta cảm thấy, rút ngắn khung thời gian bên ngoài mà kéo dài thời gian bên trong tâm hồn, giúp chất chứa cảm xúc với biên độ tối đa.
Đoàn Minh Phượng đã kết thúc tác phẩm bằng cách để ngỏ, như chính chị chia sẻ rằng: “Còn đoạn kết? Vì ngoài sức mình, nên tôi chỉ viết có một câu rồi bỏ đó. Nó đã trở thành khoảng không của bạn”.
“Đốt cỏ ngày đồng” kết thúc không bằng một dấu chấm câu để trở nên toàn vẹn mà rơi vào tâm trạng mênh mang của người đọc, gợi mở những suy tưởng sâu xa và rộng lớn hơn.