Đó là ý kiến của bà Trần Thanh Thủy - Điều phối viên Liên minh Khoáng sản Việt Nam khi trao đổi với Đại Đoàn kết về thực trạng hoạt động của các DN trong lĩnh vực khai khoáng hiện nay.
Bà Trần Thanh Thủy.
PV:Thưa bà, hiện đang tồn tại thực trạng, các DN khai thác khoáng sản được cấp phép rất nhiều, nhưng thiếu trách nhiệm dẫn đến những hệ lụy cho môi trường và đời sống của người dân địa phương. Vậy nên đang tồn tại nghịch lý: Lẽ ra những nơi giàu khoáng sản, người dân phải được sống sung túc nhưng thực tế không phải như vậy?
Bà Trần Thanh Thủy: Ở đây, có cả vấn đề của nhà quản lý cũng như trách nhiệm của DN và chính quyền địa phương. Từ năm 2005, Chính phủ đã mở cửa cho chính quyền địa phương được phép cấp các mỏ khoáng sản quy mô nhỏ không thuộc quy hoạch. Sau khi có sự “mở cửa” này, các mỏ khoáng sản taị nhiều địa phương đã bung ra khá mạnh mẽ. Đến thời điểm hiện nay, có hơn 4000 mỏ khoáng sản đang được phép hoạt động.
Điều đáng nói, chiếm một phần rất lớn là các mỏ khoáng sản quy mô nhỏ, hoạt động manh mún. Điều này khiến cho trách nhiệm của DN đối với môi trường, đời sống sinh hoạt của người dân địa phương cũng bị bỏ ngỏ. Các DN hoạt động, theo kiểu “ăn xổi”, không hề có trách nhiệm trong việc giữ gìn môi trường cũng như không quan tâm đến đời sống của người dân tại địa phương mà DN khai thác.
Bà đánh giá thế nào về câu chuyện phí bảo vệ môi trường hiện nay khi mà có thực trạng, DN nộp phí đều hằng năm nhưng môi trường tại địa phương DN khai thác lại không hề được cải thiện?
Qua nhiều khảo sát và nghiên cứu, nhiều ý kiến cho rằng, Nghị định chưa thực sự căn cứ vào mức độ ô nhiễm môi trường của việc khai thác khoáng sản, do đó Nghị định này đang được Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan thực hiện sửa đổi. Vấn đề chúng tôi muốn nói ở đây là đối với phí bảo vệ môi trường, đương nhiên, việc sử dụng nguồn thu này để phục vụ cho các hoạt động liên quan đến môi trường.
Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, việc sử dụng phí bảo vệ môi trường tại các địa phương không được như mong đợi. Có rất nhiều xã, huyện, địa phương bị ảnh hưởng rất rõ rệt bởi các hoạt động khai thác khoáng sản của DN, thế nhưng, hầu như không được đầu tư để khắc phục những bất cập về môi trường do khai thác khoáng sản gây ra.
Nghị định 74 đã có quy định rất cụ thể về việc chính quyền địa phương phải sử dụng 100% quỹ bảo vệ môi trường để đầu tư, cải thiện khắc phục những ảnh hưởng gây ra cho môi trường bởi hoạt động khai khoáng, thế nhưng, khảo sát của chúng tôi tại một số nơi như Lào Cai, Thái Nguyên... có rất nhiều bất cập trong việc phân bổ nguồn quỹ này.
Theo bà cần phải có giải pháp gì để hoạt động khai thác khoáng sản đem lại lợi ích cho cộng đồng?
Theo tôi cần phải có sự tiếp cận từ nhiều phía, phải có những giải pháp tổng thể, từ khâu cấp phép cho đến khâu quản lý, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản cũng như việc phân bổ nguồn thu. Trong đó, đối với giai đoạn cấp phép có rất nhiều điểm chúng ta cần phải cải thiện, như việc hạn chế cấp phép các mỏ nhỏ, manh mún không hiệu quả về mặt kinh tế xã hội.
Thay vào đó, chỉ các DN uy tín, có trách nhiệm mới cấp phép. Bên cạnh đó, chúng ta cần tăng cường công tác giám sát, minh bạch các nguồn thu chi đối với lĩnh vực phí bảo vệ môi trường để tránh những xung đột có thể xảy ra giữa DN và người dân, và để nguồn thu này được đầu tư vào đúng đối tượng.
Trân trọng cảm ơn bà!