Nguồn cung hạn chế, giá nguyên liệu tăng vọt khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo, chocolate gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp buộc phải tính tới phương án tăng giá bán vào dịp cuối năm.
Bánh kẹo là một trong những ngành công nghiệp thực phẩm ghi nhận sự phát triển nhanh chóng tại Việt Nam.
Theo số liệu của Hiệp hội Bánh kẹo Việt Nam sản lượng sản xuất trong nước ước tính đạt khoảng 1,5 triệu tấn/năm và doanh thu mỗi năm xấp xỉ 40.000 tỷ đồng. Đây được đánh giá là ngành hàng có tiềm năng phát triển bùng nổ khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia vào “cuộc chơi” nội địa.
Tuy nhiên, khi “miếng bánh” được chia nhỏ để giữ vững thị phần, các doanh nghiệp đang đứng trước rất nhiều khó khăn nhất về tìm kiếm thị trường cũng như tìm kiếm nguồn nguyên liệu bền vững.
Mới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Kido (mã: KDC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 với kết quả lao dốc bất ngờ. Cụ thể, quý II/2024 với mức lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 10,9 tỷ đồng, giảm gần 99% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2024, Kido lên kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu đạt 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 800 tỷ đồng.
Như vậy, kết thúc nửa đầu năm, Kido mới chỉ thực hiện được 27% mục tiêu doanh thu và 6% chỉ tiêu lợi nhuận.Tương tự quý II/2024, Bánh kẹo Hải Hà công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 140 tỷ đồng, giảm hơn 12% so với cùng kỳ năm trước.
Theo phản ánh một trong những khó khăn doanh nghiệp bánh kẹo gặp phải đó là sự phụ thuộc nguồn nguyên liệu khiếp việc sản xuất gặp nhiều khó khăn. Điển hình nhất là gần đây giá cacao đã tăng gấp đôi tại Việt Nam và 3-4 lần trên toàn cầu so với cùng kỳ năm trước, buộc một số doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo, chocolate tăng giá.
Theo số liệu từ Tổ chức Cacao quốc tế (ICCO) và Ngân hàng Thế giới (WB), 3 năm trước, giá cacao khoảng 2.300-2.500 USD mỗi tấn. 4 tháng đầu năm nay, nguyên liệu này tăng lên 11.000 USD một tấn, cao gấp 4 lần so với cùng kỳ các năm trước. Sự gia tăng này chủ yếu do mất mùa nghiêm trọng ở nhiều quốc gia sản xuất, chiếm phần lớn sản lượng cacao toàn cầu như Bờ Biển Ngà và Ghana. Đến 19/9, giá cacao giảm về 8.000 USD một tấn, nhưng vẫn đắt hơn gần ba lần so với cùng thời điểm năm trước.
Tại thị trường nội địa, mức thu mua loại nguyên liệu này từ nông dân hiện tăng gấp đôi so với năm ngoái. Người trồng tại Bến Tre, Đắk Lắk cho biết mỗi kg cacao khô dao động từ 150.000 -160.000 đồng, thậm chí có thời điểm lên đến 210.000 đồng. Nguyên nhân khiến giá thu mua cacao nội địa tăng, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) giá tăng theo thị trường thế giới cùng với đó, do diện tích trồng cacao giảm nên sản lượng bị thu hẹp, khan hiếm nguồn nguyên liệu do đó, giá cacao bị đẩy lên cao.
Báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cũng cho biết nếu như năm 2022, Việt Nam có khoảng 3.400ha trồng cacao, sản lượng gần 5.300 tấn. Tuy nhiên, nguồn cung năm nay khoảng 1.500-2.000 tấn, giảm hơn một nửa so với trước do nhiều nông dân chuyển đổi sang trồng các loại cây khác.
Nguồn cung hạn chế, giá nguyên liệu tăng vọt khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo, chocolate gặp khó khăn. Họ buộc phải tính tới phương án tăng giá bán vào dịp cuối năm.
Trao đổi với báo chí các hãng sản xuất bánh kẹo, như Orion – thương hiệu đứng đầu thị trường Việt với sản phẩm ChocoPie - cũng chịu tác động nặng nề từ giá nguyên liệu tăng cao. Chính vì vậy, áp lực chi phí ngày càng lớn khiến việc duy trì mức giá hiện tại rất khó khăn.
Theo các chuyên gia, với dân số khoảng 100 triệu và tầng lớp trung lưu tăng nhanh, Việt Nam là thị trường màu mỡ cho ngành bánh kẹo. Tuy nhiên, ngành này vẫn đối mặt thách thức về chất lượng nguyên liệu, tác động của biến đổi khí hậu và thiếu liên kết trong chuỗi giá trị. Để phát triển bền vững, cần tập trung nâng cao chất lượng, đa dạng hóa nguồn nguyên liệu, áp dụng công nghệ hiện đại và xây dựng chuỗi cung ứng bền vững.
Đặc biệt, người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi sự đa dạng trong sản phẩm dẫn đến nhu cầu ngày càng tăng về các loại nguyên liệu, hương liệu đa dạng và độc đáo đang mở ra những thị trường mới đầy tiềm năng cho ngành.