Ngày 18/6, tại TP HCM, Công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt - First News đã công bố bằng chứng tiếp tay tiêu thụ sách giả, sách lậu trên các sàn bán hàng online và cách phân biệt Sách thật – Sách giả.
Sách giả do First News phát hiện.
Tại đây, ông Nguyễn Văn Phước - Giám đốc First News cho biết, tính đến nay, First News đã bị in lậu làm giả lên đến hơn 280 đầu sách có giá trị và bán chạy. Rất nhiều cuốn sách như “Đắc Nhân Tâm”, “Quẳng Gánh lo đi và Vui sống”, “Dám Nghĩ Lớn”, “Nghĩ Giàu làm giàu”…bị hàng chục nơi cùng in lậu.
Theo đại diện First News, sách giả được các "trùm" in lậu chất lượng kém tiêu thụ công khai và trực tiếp trên không gian mạng với số lượng không thể thống kê được. "Sách giả hiện nay đã đạt tới trình độ gần như sách thật, chỉ có những người trong nghề mới phát hiện được. Tuy vậy, khâu đọc lỗi chính tả có sai sót nhiều. Một số sách về sơ cấp cứu, tra cứu thuốc, chữa bệnh y học thì sai nội dung, vô cùng nguy hiểm đến sức khỏe hay tính mạng" - đại diện First News nhấn mạnh.
First News cho biết, đã phát hiện các sàn thương mại điện tử (TMĐT) bán sách giả từ khá lâu, đã gửi cảnh báo nhiều lần đến tất cả các sàn nhưng dường như không được quan tâm. Các sàn này phản hồi rằng chỉ cho thuê cửa hàng và không chịu trách nhiệm ai bán sách giả hay bất cứ hàng hóa giả khác.
First News công bố chính đơn vị này đã đặt 128 đơn hàng mua sách ngẫu nhiên trên tất cả các sàn, công ty TMĐT bán sách online và kết quả tất cả 128 đơn hàng ngẫu nhiên đó đều là sách in lậu, sách giả.
Nguyên nhân khiến sách giả có "đất" tiêu thụ trên không gian mạng là bởi khi truy cập vào sàn TMĐT, khách hàng luôn chọn sản phẩm được giảm giá nhiều nhất. "Chúng tôi có 1.000 đầu sách nhưng phải đương đầu với 3.000 đầu sách in lậu của chính mình, không thể một mình chiến đấu lại" - ông Phước chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc First News trao đổi với báo chí về tình trạng sách giả được bán công khai trên các sàn TMĐT.
Muốn vạch mặt đường dây làm sách giả, phải cần sự phối hợp giữa quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế và thanh tra văn hóa. Thế nhưng, khi không ít người vẫn giữ quan niệm làm giả hộp bánh mới đáng lo còn làm giả cuốn sách không đáng ngại, thì những kẻ in lậu vẫn ung dung “đục nước béo cò”.
Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho rằng, hành vi in giả và buôn bán sách giả được coi là vi phạm pháp luật hình sự. Do đó, cuộc đấu tranh chống lại sách giả cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà xuất bản, đơn vị làm sách, cơ quan chức năng, luật sư…
Luật sư Châu Huy Quang nhìn nhận luật pháp về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đã rất đầy đủ. Tuy nhiên, vấn đề thực thi qua nhiều năm không có sự cải thiện, thiếu sự phối hợp của các cơ quan liên quan.
"Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có một chương quan trọng bảo hộ quyền tác giả, thực thi vấn đề sở hữu trí tuệ. Chúng ta đã có cam kết nhưng cần "nội địa hóa" cam kết sao cho có hiệu quả lại là vấn đề còn cần bàn tới nhiều" - ông Quang đề nghị.
Nhiều ý kiến mong muốn luật cần điều chỉnh theo hướng có quy định và chế tài xử lý mạnh tay hơn bởi tình trạng làm giả sách đã đến mức báo động, ảnh hưởng lớn đến uy tín của người làm sách.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương, cho biết quy định về hoạt động TMĐT đã nêu rõ trách nhiệm của sàn TMĐT trong việc để xảy ra hoạt động bán hàng lậu, hàng giả. Theo đó, tùy mức độ, sàn TMĐT phải có biện pháp gỡ bỏ, khóa tài khoản... đối với các gian hàng sai phạm. Về phía quản lý thị trường, cơ quan này cũng đã phối hợp với các cơ quan ngành văn hóa có biện pháp phát hiện, bắt giữ, xử lý các vụ in ấn sách lậu.