Dù việc áp thuế từ phía Mỹ lên hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang được trì hoãn thêm 90 ngày nhưng rõ ràng cuộc chiến thuế quan được dự báo sẽ rất khốc liệt. Do vậy, theo giới chuyên gia, doanh nghiệp cần gia tăng công tác dự báo để đưa ra kế hoạch sản xuất hợp lý.
Ẩn số vẫn đang chờ
Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Vina T&T Group cho biết, rủi ro từ việc Mỹ áp thuế với Việt Nam vẫn rất cao. Trong 90 ngày này sẽ xảy ra rất nhiều biến động liên quan đến logistics, cảng, nếu hàng hóa từ các nước đồng loạt chảy vào Mỹ. Kết quả sau 90 ngày vẫn đang là một ẩn số. Các doanh nghiệp ở Việt Nam đang lo lắng liệu chính quyền Mỹ có thay đổi quyết định rút ngắn lại thời gian hoãn áp thuế không? Hoặc cũng có thể có trường hợp trong 90 ngày này doanh nghiệp cố gắng sản xuất nhưng không kịp với hạn cuối hoãn thuế.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Phú - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse nhấn mạnh, trong khó khăn này, công tác dự báo thị trường phải là then chốt. Dự báo càng chính xác, chúng ta càng chủ động trong khâu chuẩn bị. “Sunhouse đang dồn toàn lực vào công tác dự báo để xây dựng các kịch bản ứng phó, bởi chúng tôi nhận thức rõ rằng ảnh hưởng không chỉ giới hạn ở mảng xuất khẩu mà sẽ lan rộng ra toàn bộ hệ sinh thái kinh doanh, bao gồm cả thị trường nội địa.
Cung và cầu luôn có sự tương tác chặt chẽ. Chiến tranh thương mại khiến thuế chồng thuế đẩy giá, tổng cầu thế giới suy giảm. Cầu giảm, buộc cung giảm dẫn đến sản xuất, mở rộng đình trệ - hiệu ứng domino nội địa” - ông Phú nói.
Nhiều doanh nghiệp cũng đã thẳng thắn chia sẻ quan điểm, doanh nghiệp hoạt động trong hệ sinh thái, trong mối quan hệ tương hỗ giữa khách hàng – nhà cung cấp. Khi một doanh nghiệp hay khách hàng bị ảnh hưởng thì doanh nghiệp khác cũng cũng chịu tác động gián tiếp. Trong bối cảnh hiện nay, việc đầu tư vào công nghệ không nên bị trì hoãn, mà ngược lại, cần được xem là giải pháp then chốt giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Bởi lẽ, trước những động thái khó lường từ chính sách của Mỹ, các doanh nghiệp cần có những công cụ giúp họ phát huy tối đa năng lực kiểm soát chi phí, cân đối chi tiêu đồng thời phát huy khả năng dự báo thị trường để xây dựng được những kịch bản ứng phó dài hạn.
Cần xây dựng chế độ cảnh báo sớm
Theo các chuyên gia, giữa vòng xoáy của cuộc chiến thuế quan mà Mỹ tạo nên, Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng tác động của nó có thể được giảm nhẹ nếu có chính sách phù hợp và hành động kịp thời. Việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua sóng gió hiện nay không chỉ là câu chuyện ứng phó mà để hướng tới sự phát triển bền vững hơn trong khi thương mại quốc tế ngày càng gay gắt. Hơn lúc nào hết doanh nghiệp cần chủ động gia tăng công tác dự báo để đưa ra kế hoạch sản xuất hợp lý, bám sát diễn biến kinh tế.
TS Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho rằng, doanh nghiệp hy vọng cơ quan quản lý hoặc hiệp hội ngành hàng sẽ kịp thời cập nhật thông tin chính thức khi có thay đổi về chính sách, giúp họ có đủ thời gian chuẩn bị. Đồng thời, cần có kênh tư vấn, giải đáp vướng mắc nhanh hơn để doanh nghiệp hiểu rõ quy trình, thủ tục liên quan đến thuế phòng vệ thương mại (nếu phải áp dụng trở lại). Ở cấp vĩ mô, doanh nghiệp mong muốn từ phía Nhà nước là nếu phải áp dụng lại (hoặc có biến động về thuế), cần có lộ trình cụ thể, tránh gia tăng chi phí.
Các biện pháp phòng vệ thương mại hay thuế đối ứng nên được triển khai nhất quán, hạn chế tình trạng bất ngờ khiến chuỗi cung ứng xáo trộn. Trong trường hợp rào cản thuế quay lại (hoặc rào cản mới), nhiều doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ) mong nhận được sự hỗ trợ từ chuyên gia tư vấn luật thương mại quốc tế, hướng dẫn về hồ sơ chứng minh, giấy tờ cần thiết. Đặc biệt, doanh nghiệp kỳ vọng được kết nối mở rộng thị trường, quảng bá sản phẩm, giảm lệ thuộc vào một vài thị trường vì dễ có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Ông Mạc Quốc Anh cũng khuyến cáo doanh nghiệp nên tìm cách giảm thiểu chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, kiểm soát xuất xứ minh bạch để hạn chế nguy cơ bị gắn bán phá giá; theo dõi sát diễn biến thị trường; chủ động liên hệ với đối tác nước ngoài, chia sẻ kịp thời về tình trạng thuế phí, cùng thỏa thuận cơ chế phân chia rủi ro, bảo toàn lợi ích đôi bên; cần chú ý củng cố hồ sơ pháp lý, minh bạch số liệu; tập trung vào sản phẩm giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu, nâng cao uy tín. Ngoài ra, việc tự chủ về nguyên liệu và tập trung sản xuất phục vụ thị trường nội địa cũng rất cần thiết.
Thuế suất đối ứng sẽ áp mức bao nhiêu là chuyện còn nằm trên bàn đàm phán trong những ngày tới, song, bên cạnh tiến hành đàm phán thì xây dựng các chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp là việc rất cấp thiết lúc này, nhất là với những lĩnh vực dự báo chịu tác động trực tiếp và nặng nề trước chính sách thuế quan, đang tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động như dệt may, giày dép, thủy sản, điện tử...