Doanh nghiệp chập chững vào sân chơi toàn cầu

Nhật Minh 30/10/2015 00:33

Phần lớn các DN mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp các sản phẩm in ấn, bao bì, những linh kiện và vật liệu đơn giản, có giá trị thấp... Đây là lý do khiến các DN Việt Nam chưa thể chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự thật, chỉ có  chưa đầy 10 DN nội địa có đủ năng lực đáp ứng được yêu cầu của Tập đoàn Sam Sung là một minh chứng rõ nhất. 

Quy mô vốn nhỏ khiến DN khó thâm nhập các Tập đoàn đa quốc gia.

Tại Hội thảo Kết nối chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thay thế hàng nhập khẩu, tăng tỷ lệ nội địa hóa do Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) tổ chức ngày 29/10, nhiều ý kiến cho rằng, công nghệ hỗ trợ (CNHT) của Việt Nam còn non trẻ, ngành này vẫn phải phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu khiến sản xuất manh mún, bị động, chi phí sản xuất cao. Hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi ngành CNHT của Việt Nam phải có sự cải thiện thực sự rõ rệt.

Liên tục mở rộng vốn đầu tư, đến thời điểm này số vốn của Sam Sung đã lên đến gần 9 tỷ USD tại Việt Nam, song đến nay, cái mà Samsung làm được cho Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu theo từng năm và tạo công ăn việc làm cho người lao động trong nước.

Còn mục tiêu chính của Nhà nước khi thu hút đầu tư các DN nước ngoài, các Tập đoàn đa quốc gia là lan tỏa trình độ khoa học công nghệ, kết nối DN nội, tạo cơ hội để DN nội bước chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thì Samsung và kể cả những tập đoàn đa quốc gia khác hầu như chưa làm được.

Nêu lên nguyên nhân của thực trạng này, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch VAFIE nhận định, một phần do năng lực sản xuất của các DN trong nước còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của khách hàng – những tập đoàn kinh tế lớn, tập đoàn đa quốc gia họ có những yêu cầu rất cao.

Song, mặt khác, cũng cần phải thừa nhận, các chính sách phát triển CNHT của ta còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với thực trạng ngành CNHT Việt Nam. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư của Nhà nước còn hạn chế, chưa tương xứng với quy mô và vai trò của ngành CNHT.

Theo ông Vũ Đình Hồng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Cơ khí Thăng Long, một trong những khó khăn hiện nay mà các DN Việt Nam đang gặp phải đó chính là quy mô vốn nhỏ, trong khi việc tiếp cận vốn vay để đầu tư phát triển sản xuất lại rất khó khăn. Ông Hồng đề xuất, nếu không có những cải thiện để giúp các DN tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng dễ dàng hơn, thì các DN sẽ gặp rất nhiều khó khăn, khó trụ vững trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu hóa.

Nhiều DN cũng cho rằng, để thúc đẩy sự phát triển của ngành CNHT ở Việt Nam, rất cần có sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ về mặt chính sách thuế, cơ chế, đặc biệt là trong quá trình đầu tư hạ tầng sản xuất. Bởi theo nhiều DN, việc tiếp cận đất đai để xây dựng cơ sở hạ tầng đối với các DN còn gặp rất nhiều những rắc rối về thủ tục hành chính cũng như những vấn đề về chính sách thuế…

Giải đáp những băn khoăn của các DN, bà Trần Thị Hồng Lan, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có những chính sách hỗ trợ cho các DN trong lĩnh vực CNHT để có thể ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đưa ra những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao.

Bên cạnh đó, cũng đã có Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia. Theo bà Lan, quỹ này nhằm hỗ trợ tài chính, cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh cho các DN, cá nhân vay vốn thực hiện các nghiên cứu, chuyển giao đổi mới công nghệ.

Với kinh phí 1000 tỷ đồng do ngân sách Nhà nước về hoạt động khoa học công nghệ cấp (trong đó 500 tỷ đồng dành cho các khoản tài trợ và 500 tỷ cho hoạt động hỗ trợ vốn vay), đây là nguồn vốn sẽ giúp các DN tham gia vào lĩnh vực CNHT có thể tiếp cận với mục đích nghiên cứu phát triển công nghệ mới.

Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE cũng đánh giá, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia là địa chỉ hết sức hữu hiệu cho các DN nhỏ và vừa của Việt Nam tìm đến, từ đó có thể có được nguồn vốn cơ bản phục vụ cho mục tiêu phát triển CNHT của mình.

Bên cạnh đó, GS Nguyễn Mại cũng cho rằng, các tập đoàn kinh tế lớn như Samsung, LG, Intel… lựa chọn Việt Nam là một trong những điểm đến, sẽ tạo ra những cơ hội lớn cho các DN Việt Nam tham gia chuỗi giá trị sản phẩm toàn cầu, từ đó nâng cao được năng lực sản xuất, gia tăng hàm lượng khoa học công nghệ trong các sản phẩm, thiết bị linh kiện mình tạo ra. “Đó cũng là cơ sở để DN Việt có thể tự tin khi hội nhập trong thời gian tới” – GS Mại nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp chập chững vào sân chơi toàn cầu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO