Nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết, phát triển xanh là xu hướng chung của toàn cầu, bởi chỉ có tăng trưởng xanh mới bền vững, từ đó DN tìm ra các giải pháp để cải thiện hoạt động sản xuất.
Chủ động nhập cuộc
Khi bàn về nội dung tăng trưởng xanh của DN, Công ty cổ phần Tập đoàn An Phát Holdings (APH) là một dẫn chứng khá tiêu biểu. APH đã đầu tư, nghiên cứu để trở thành DN đầu tiên sản xuất thành công sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn. Dòng sản phẩm AnEco của APH được làm từ PLA (có nguồn gốc từ tinh bột ngô, một loại nguyên liệu tái tạo điển hình) và các vật liệu phân huỷ sinh học nhập khẩu khác nên sẽ có khả năng phân huỷ hoàn toàn. Đại diện APH cho biết, từ năm 2019, Công ty đã đầu tư vào một DN tại Hàn Quốc vốn là một trong số ít DN trên thế giới sở hữu bản quyền về nguyên liệu sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn. Qua đó, APH trở thành DN Việt Nam duy nhất nắm giữ trong tay bí quyết công nghệ và sáng chế sản phẩm, nguyên liệu sinh học phân huỷ hoàn toàn. Nhờ đó, APH có lợi thế lớn trong việc xuất khẩu dòng sản phẩm này ra thế giới.
Trong khi đó ông Hồ Quốc Lực - Giám đốc Công ty CP thực phẩm Sao Ta cho biết, thời gian qua, phong trào làm điện áp mái khá phổ biến ở các DN chế biết, xuất khẩu thủy sản. Điều này góp phần vào tỉ lệ sử dụng điện tái tạo.
Việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng đã được các DN thủy sản chú trọng trong 20 năm qua thông qua các chương trình sản xuất sạch, góp phần vào việc tiết kiệm điện và nước, bảo vệ môi trường.
Việc hướng đến sản xuất xanh đang được mở rộng ở nhiều ngành, trong đó phải kể đến ngành dệt may. Và việc xanh hóa ở ngành dệt may trở thành yếu tố bắt buộc nếu như DN muốn xuất khẩu được hàng hóa.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, đa số DN trong chuỗi cung ứng ngành hàng dệt may gia công cho các nhãn hàng lớn trên thế giới đều phải tuân thủ những yêu cầu liên quan đến “xanh hóa” trong sản xuất như: Thực hiện trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường, cắt giảm phát thải. Nếu DN không có những giải pháp thay đổi trong sản xuất, kinh doanh theo hướng bền vững, sạch hơn, tiết kiệm nước và các nguồn tài nguyên, sử dụng nguyên liệu thân thiện và an toàn với môi trường, DN sẽ mất lợi thế cạnh tranh, thậm chí đứng trước nguy cơ bị mất đơn hàng.
Theo ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần May 10 cho hay, đến năm 2025, Công ty đặt mục tiêu chuyển đổi sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, nguyên liệu tái chế, nhằm đáp ứng sản xuất xanh và tuần hoàn, để bắt kịp xu thế mà các nhà nhập khẩu từ châu Âu hay Mỹ, Nhật Bản yêu cầu.
Xu hướng toàn cầu
Muốn hội nhập sâu rộng, tiếp cận những thị trường lớn, các DN phải đáp ứng yêu cầu về phát triển xanh, bền vững từ khâu nguyên liệu, sản xuất đến đóng gói. Điều này đã buộc DN Việt Nam phải “chuyển mình” để thích ứng và gia tăng cơ hội vươn xa.
Do đó, theo các chuyên gia, những yêu cầu này đặt ra bài toán cho các DN về việc đổi mới công nghệ, cải tiến thiết kế mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Điều này cần có sự kết hợp giữa các yếu tố chuyên môn kỹ thuật, pháp lý và môi trường một cách có hệ thống và toàn diện. Mặc dù có thể tốn kém chi phí trong giai đoạn đầu, nhưng về lâu dài, việc đáp ứng này sẽ giúp tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm, nâng cao vị thế DN Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên từng nhấn mạnh: Tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng trên toàn cầu như một giải pháp tích cực nhằm giảm phát thải nhà kính, nâng cao năng lực chống chịu và tính sáng tạo của nền kinh tế, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và phát triển bền vững. Xu hướng phát triển này đã và đang hình thành nên “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư.
Các thị trường nhập khẩu quan trọng triển khai áp dụng thuế suất cao đối với các sản phẩm có "dấu chân carbon" lớn; nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới đã đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu.
Trong bối cảnh đó, để không bị loại khỏi cuộc chơi bởi các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội do các thị trường nhập khẩu đặt ra, Việt Nam cần thay đổi tư duy, quan tâm tới “tính xanh” của chuỗi sản xuất và cung ứng thương mại quốc tế để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường.
Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) nhấn mạnh: “Các DN cần chủ động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn thực tiễn mới trong kinh doanh, xây dựng, triển khai các sáng kiến để góp phần bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội, từ đó hỗ trợ hiệu quả cho việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường xuất khẩu”.