Trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp khó khăn, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Trước tình thế đó các doanh nghiệp đã tìm nhiều cách vượt khó khăn. Và công nghệ số là một trong những giải pháp hiệu quả.
Nhiều doanh nghiệp thành công
Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Võ Tân Thành, 2 tháng đầu năm 2023, nền kinh tế - xã hội đã có nhiều dấu hiệu tích cực như khách quốc tế đến Việt Nam tăng 36,6 lần so với cùng kỳ năm 2022; xuất siêu đạt 2,82 tỷ USD, đầu tư công được đẩy mạnh.
Tuy nhiên, đơn hàng xuất khẩu giảm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 4,6%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 6,3%; số doanh nghiệp (DN) thành lập mới thấp hơn số DN ngưng hoạt động. Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong bối cảnh kinh tế thế giới được hầu hết các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng chậm lại. Vì thế, các DN sản xuất không thể ngồi yên chờ đợi sự hỗ trợ từ nhà nước mà phải tự cải tiến và sáng tạo để vượt qua khó khăn. Và công nghệ số là một trong những giải pháp hiệu quả để giúp các DN sản xuất tăng trưởng và cạnh tranh” - ông Thành nói.
Giới chuyên gia cho rằng, việc ứng dụng công nghệ số sẽ giúp DN nâng cao khả năng linh hoạt và thích ứng với thị trường và nhu cầu của khách hàng bằng cách áp dụng các phương pháp sản xuất linh hoạt; Tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn cho khách hàng bằng cách tập trung vào chất lượng, tính năng và trải nghiệm của người dùng…
Trên thực tế, nhiều DN đã ứng dụng chuyển đổi số và đã thu được những thành công nhất định. Bà Nguyễn Thị Hồng Cúc - Giám đốc Marketing Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Trà Tiên Thiên cho hay, 5 năm qua Công ty đã chú trọng phát triển thương mại trên các nền tảng thương mại điện tử trong nước và quốc tế, duy trì hoạt động marketing thông qua các mạng xã hội quốc tế… Nhờ đó, các sản phẩm của Công ty đã được cung cấp cho cả thị trường trong nước và quốc tế.
Theo bà Cúc, chuyển đổi số là xu thế phát triển tất yếu của mỗi DN, nhưng trong thương mại, nền tảng số giúp phát triển các hoạt động xuất khẩu nhiều hơn so với thương mại trong nước. Bởi thông qua mạng xã hội cũng như thương mại điện tử, các đối tác quốc tế dễ dàng tìm hiểu về sản phẩm và DN, từ đó kết nối và ký kết nhiều đơn hàng đi các thị trường.
Còn đại diện Công ty cổ phần Ba Huân cho biết, là nhà cung cấp trứng gia cầm, chiếm khoảng 30% thị phần trong nước, khao khát "chuyển mình" thành DN nông nghiệp số, DN đã ký kết hợp tác toàn diện cùng một tập đoàn công nghệ triển khai dự án Hệ thống quản trị nguồn lực. Hệ thống này giúp Công ty Ba Huân quản lý quá trình chăn nuôi từ trang trại giống, nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, trang trại nuôi trồng và thu hoạch trứng đến nhà máy sản xuất thức ăn chế biến và quản lý việc phân phối sản phẩm; xây dựng cổng thông tin tương tác với các đại lý bán hàng để sản phẩm đến tay người tiêu dùng thuận lợi hơn.
Chuyển đổi số cùng với thay đổi tư duy
Bà Đinh Thị Thúy - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần MISA, Ủy viên thường trực Ban chấp hành Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hội Tư vấn thuế Việt Nam đã chia sẻ một thông tin đáng mừng rằng các DN đã chủ động tìm đến các đơn vị công nghệ thông tin để trải nghiệm các giải pháp chuyển đổi số thông minh và toàn diện hơn. Hầu hết DN chuyển từ chuyển đổi số theo từng phần mềm nhỏ lẻ, rời rạc sang các giải pháp có tính năng tích hợp, liên thông dữ liệu, kết nối linh hoạt trong nội bộ và ngoài tổ chức. Chuyển đổi số trở thành vấn đề cấp thiết và quan trọng để DN luôn có kịch bản ứng phó kịp thời trước mọi rủi ro.
Có thể nói, thời điểm hiện tại, hầu hết các DN Việt Nam đều đặc biệt quan tâm đến vấn đề chuyển đổi số để quản trị DN, hướng đến xu thế văn phòng số hiện đại và thông minh. Đây là tín hiệu tốt cho sự phát triển của các DN Việt Nam nói chung và cơ hội cho các DN lĩnh vực công nghệ thông tin nói riêng.
Giới chuyên gia cũng cho rằng chuyển đổi số mở ra cơ hội cho tất cả quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển có cơ hội để tăng trưởng nhanh hơn, vươn lên, thay đổi thứ hạng phát triển của quốc gia. Thời gian qua, cộng đồng DN cùng với các cơ quan quản lý đã nâng cao nhận thức về công nghệ số, vì thế, họ đã thực sự nhập cuộc vào quá trình chuyển đổi số trong hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, chuyển đổi số sẽ giúp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, kinh doanh cho các DN khác nhau ở mọi cấp độ, quy mô và vùng miền, giúp hoạt động thương mại không có khoảng cách với thị trường trong nước và quốc tế. Hơn nữa, thông qua công nghệ 4.0, DN nào cũng có thể chủ động giới thiệu được sản phẩm của mình với thị trường thế giới, giảm thời gian và chi phí so với các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống.
Tuy nhiên, khi chuyển đổi số, văn hoá kinh doanh, quy trình hoạt động của DN thay đổi nên DN cần có kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ cho nhân sự, bố trí hoặc luân chuyển nhân sự phù hợp…
Thực tế cho thấy, chuyển đổi số đang là yêu cầu bắt buộc, giúp DN tăng doanh thu, tiết giảm chi phí, nâng cao năng lực quản trị, phát triển ổn định và bền vững hơn. Nếu thực hiện thành công chuyển đổi số, DN sẽ có năng lực cạnh tranh và tốc độ tăng trưởng vượt trội so với các DN còn lại. Với các hoạt động xuất khẩu, chuyển đổi số giúp hỗ trợ giao dịch giữa DN với khách hàng nhanh chóng hơn, minh bạch hơn, nhiều trải nghiệm hơn; thông qua chuyển đổi số, hoạt động giao thương quốc tế của DN sẽ được nâng cao hiệu quả, mở rộng phạm vi cũng như gia tăng tệp khách hàng cho DN.