Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp: Liên kết để thành công

Minh Phương 03/02/2020 07:18

Tỷ lệ lợi nhuận thấp lại đối diện nhiều rủi ro- đó là lý do khiến số doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp hiện vẫn còn ở con số khá khiêm tốn. Tuy nhiên, thời gian qua, với sự nỗ lực của nhà quản lý trong việc đưa ra những chính sách mang tính hỗ trợ, ưu đãi, nhiều DN đã có cách nhìn mới và đổ vốn vào ngành nông nghiệp một cách mạnh dạn hơn.

Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp: Liên kết để thành công

Đầu tư công nghệ vào nông nghiệp đang là một xu hướng.

Theo thống kê của Bộ NNPTNT, tính đến hết năm 2019, số DN nông, lâm, thủy sản thành lập mới là 2.756, tăng 25,3% so với năm 2018, nâng tổng số DN trong ngành nông nghiệp lên con số 12.581 DN. Dù con số này chỉ chiếm tỷ lệ chưa đến 10% so với tổng số DN đang hoạt động trên cả nước, song có thể thấy, các DN đã và đang ngày càng quan tâm hơn đến lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Đáng chú ý, trong năm 2019, dù số DN ngưng hoạt động khá nhiều song nông nghiệp vẫn là một trong những lĩnh vực có số DN quay lại hoạt động cao hơn so với lượng tạm ngừng.

Cũng theo Bộ NNPTNT, cùng với sự tác động của nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp phụ trợ đã từng bước được nâng cao năng lực. Một số tập đoàn kinh tế lớn đã chú trọng đầu tư vào chế biến sản phẩm nông nghiệp. Cụ thể, năm 2019, có 17 dự án với tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng được khởi công, khánh thành, đi vào hoạt động. Từ năm 2018 đến nay, tổng vốn đầu tư trên 33.000 tỷ đồng với 30 dự án đã hoạt động và đang triển khai trên phạm vi cả nước.

Nhận định về câu chuyện đầu tư vào ngành nông nghiệp, lãnh đạo Bộ NNPTNT cho rằng, với những chính sách được đưa ra nhằm thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thời gian qua, số lượng DN đổ vốn vào lĩnh vực kinh tế này đã tăng lên đáng kể. Trên địa bàn cả nước đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến nông sản với trên 7.500 DN quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu có công suất thiết kế đảm bảo chế biến trên 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản mỗi năm.

Bên cạnh sự tham gia khá mạnh mẽ của các DN nhỏ và vừa, có một số DN lớn, tập đoàn đã đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trong đó có Công ty Sữa Việt Nam, Tập đoàn Masan, Công ty Lavifood, Công ty Ba Huân, Tập đoàn TH True Milk, Vingroup… đang ngày càng chú trọng hơn vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất xanh, sạch. “Đây là hướng đi rất đúng đắn của DN vì xu hướng tiêu dùng của người dân ngày càng được nâng cao”- theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường.

Còn theo nhận định của giới chuyên gia ngành nông nghiệp, đầu tư công nghệ cao vào nông nghiệp và hướng đến sản xuất sạch sẽ giúp các DN nâng cao giá trị sản phẩm từ đó tăng doanh thu. Khi mức thu nhập tăng lên, nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng sẽ được nâng lên, đó là lúc các DN cần phải nắm bắt và đưa ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của họ. Từ đây, các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường (như VietGAP, Global GAP...) được nhân rộng. Được biết, trong năm 2019, diện tích nông nghiệp được chứng nhận VietGAP lên tới con số 39,3 nghìn ha.

Mặc dù vậy, so với 700.000 DN đang hoạt động trên cả nước hiện nay, dường như con số 12.581 DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp còn quá khiêm tốn. Và thực tế, phần lớn các DN đầu tư vào lĩnh vực này cũng chủ yếu là DN nhỏ hoặc siêu nhỏ, do đó tiềm lực còn khá hạn chế. Theo ông Trần Công Thắng- Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NNPTNT), sản xuất nông nghiệp của Việt Nam chủ yếu ở quy mô nhỏ dẫn tới đất đai manh mún, phân tán; cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp yếu và thiếu, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định… khiến cho sản xuất nông nghiệp - “trụ đỡ” của nền kinh tế vẫn còn khá bấp bênh.

Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cùng với sự nỗ lực của Chính phủ, nhà quản lý trong việc đưa ra các chính sách ưu đãi, khuyến khích DN đầu tư phát triển vào lĩnh vực này, rất cần sự gắn kết của các DN với nhau, nhiều DN liên kết lại sẽ tạo thành những tập đoàn kinh tế mạnh về vốn từ đó có thể đầu tư và đưa công nghệ cao ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều bên cũng như chung sức phát triển một nền nông nghiệp tiên tiến, bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp: Liên kết để thành công