Doanh nghiệp dệt may chủ động nguyên liệu

Minh Phương 30/03/2016 22:45

Phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu và chủ yếu may gia công – đó là thách thức lớn nhất đối với ngành dệt may khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Theo giới chuyên gia trong ngành, chỉ khi dệt may có thể chủ động được nguyên liệu và thoát “kiếp” làm thuê (gia công) thì ngành dệt may của Việt Nam mới có thể vững vàng bước chân vào sân chơi toàn cầu hóa.

Các DN dệt may vẫn chưa thoát “kiếp” gia công.

Khó khăn nguồn nguyên liệu

Việt Nam hiện đứng thứ 6 trong số 153 nước xuất khẩu may thế giới, sau Trung Quốc, EU, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh và Ấn Độ. Trong năm 2015, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 28 tỷ USD, đóng góp 16% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước. Những con số này cho thấy, ngành dệt may vẫn đang là một trong những ngành mũi nhọn có lợi thế về xuất khẩu của Việt Nam.

Đặc biệt, khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương chính thức được thực thi, đây sẽ là ngành được hưởng lợi nhiều nhất, và hơn thế nữa, cơ hội để các DN Việt Nam gia tăng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm dệt may đến các quốc gia tham gia TPP cũng không hề nhỏ. Tuy nhiên, ngành dệt may cũng đang đối diện với không ít những khó khăn, đặc biệt là khó khăn về nguồn nguyên liệu.

Chính sự lệ thuộc này đã kiềm chế mục tiêu nội địa hóa ngành dệt may, khi mà đến thời điềm này tỷ lệ nội địa hóa ngành dệt may mới chỉ dừng ở mức 50%.

Khai mạc “Saigon Tex 2016”

Ngày 30/3, được sự bảo trợ của Bộ Công thương, Triển lãm Quốc tế về ngành công nghiệp dệt may thiết bị và nguyên phụ liệu 2016 (Saigon Tex 2016) do Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Công ty TNHH Tổ chức Triển lãm VCCI (Vietcham Expo)…phối hợp tổ chức đã được khai mạc tại Trung tâm Triển lãm Sài Gòn (quận 7, TP HCM). Saigon Tex 2016 thu hút 1065 công ty, đơn vị đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, trong đó có nhiều quốc gia rất phát triển về lĩnh vực này như: Trung Quốc, Canada, Bỉ, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Italy,Việt Nam…

Quốc Định

Nhận định về thực tế hoạt động của ngành dệt may hiện nay, bà Nguyễn Hương Trà, chuyên gia nghiên tư vấn độc lập về doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đánh giá, dệt may là ngành đóng góp quan trọng vào nền kinh tế khi là ngành xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam (sau điện thoại các loại và linh kiện).

Tuy nhiên, phần lớn các DN ngành này mới chỉ tham gia vào khâu sản xuất mang lại giá trị gia tăng thấp (hay còn gọi là gia công- PV).

“Chỉ có một số ít doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc có thể ký hợp đồng trực tiếp với đối tác, còn lại hầu hết đều qua trung gian”, bà Trà nói. Hơn nữa, dù xuất khẩu nhiều nhưng ngành dệt may Việt Nam còn phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu nên giá trị mang lại cho ngành còn thấp.

Đặc biệt, sự phụ thuộc nguyên liệu vào thị trường Trung Quốc của các DN ngành dệt may cũng được cho là bất ổn, rủi ro cao.

Nói như bà Phạm Quỳnh Mai - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công thương), ngành dệt may đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi vẫn phụ thuộc lớn vào nhập khẩu nguyên phụ liệu từ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành dệt may trong nước nếu thị trường này có những biến động bất lợi.

Chủ động tìm thị trường “ngách”

Tại một cuộc hội thảo nhằm hướng ngành dệt may tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu do Bộ Công thương tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú cũng cho rằng, việc ngành dệt may tham gia chuỗi cung ứng vẫn đang dừng lại ở mức bị động, chưa hướng đến nhu cầu của thị trường để tìm cách đáp ứng nhu cầu đang là rào cản để ngành này có thể tự tin bước vào “sân chơi” toàn cầu hóa.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú, ngay cả bản thân các DN sản xuất hàng gia công cũng rất thụ động trong việc tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường. Trong khi đó, muốn phát triển và vươn ra các thị trường khu vực, quốc tế thì điều thiết yếu của DN, nhất là DN nhỏ và vừa là phải tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu một cách trực tiếp hay gián tiếp.

“Do vậy, việc định vị được vị trí của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu là điều mà các DN dệt may phải hướng đến nếu không muốn chỉ dừng ở công đoạn gia công, lấy công làm lãi” – Thứ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh.

Theo một số lãnh đạo DN ngành dệt may, ở thời điểm này, yếu tố quan trọng là các DN cần tìm những thị trường mới và những hướng đi mới để có thể ứng phó tốt nhất với sân chơi TPP.

Hay nói một cách khác, TPP, hội nhập là cơ hội để các DN dệt may cơ cấu lại phương thức hoạt động để có thể chủ động hơn. Công ty TNHH May TBT (Hải Dương) và thương hiệu Bianco Levrin- thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam là một trong những DN đã và đang có những bước đi sáng tạo, đột phá để có thể thoát khỏi “kiếp gia công”, chủ động bước vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Với những dẫn chứng về sự thành công của một số DN ngành dệt may trong việc tìm những hướng đi mới, tạo sự khác biệt, bà Trà cho rằng, để thâm nhập được thị trường, doanh nghiệp cần có chiến lược, có sự am hiểu thị trường và chủ động tìm kiếm những thị trường ngách.

Giới chuyên gia trong ngành cũng khuyến cáo, các DN trong nước cần kết nối với nhau, đặc biệt DN nhỏ và vừa nên tìm kiếm, ký hợp đồng với các DN lớn để có thể chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm từ DN lớn. Điều này là rất cần thiết khi tham gia sân chơi toàn cầu.

Da giày gia tăng tỷ lệ nội địa hóa

Ngày 30/3, tại TP HCM, Hiệp hội da giày, túi xách Việt Nam (Lefaso) tổ chức hội nghị Thượng đỉnh ngành da giày Việt Nam năm 2016. Hội nghị giúp doanh nghiệp trong nước tiếp xúc, làm việc, thúc đẩy giao thương với các doanh nghiệp nước ngoài đến từ 20 nước trên thế giới và khu vực. Tại hội nghị Lefaso cho biết, ngành da giày Việt Nam là một trong những ngành kinh tế xuất khẩu mũi nhọn, luôn duy trì mức tăng trung bình 15- 18% trong các năm gần đây. Kim ngạch xuất khẩu da giày liên tục đứng vị trí thứ 2 thế giới. Đơn cử, năm 2015 xuất khẩu đạt trên 15 tỷ USD, chiếm 9% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Về tỷ lệ nội địa hóa, theo Lefaso ngành này đang tham gia vào chuỗi cung ứng cho các sản phẩm thương hiệu như Adidas, Nike… với tỷ lệ nội địa hóa khoảng 50 – 55%. Dự kiến, đến năm 2020 tỷ lệ nội địa hóa của ngành đạt khoảng 70 – 80%.

T. Giang

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp dệt may chủ động nguyên liệu