Thất thu thuế từ khu vực doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn là vấn đề nóng.
Theo Tổng cục Thuế, năm 2019 qua thanh tra, kiểm tra hơn 96.200 DN, nổi bật là số thuế truy thu từ các các công ty số vốn đầu tư ngoại chiếm tỷ trọng rất cao so với tổng số thuế xử lý qua thanh tra, kiểm tra. Tổng số tiền xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 64.524 tỷ đồng, trong đó, tăng thu là hơn 18.800 tỷ đồng; giảm lỗ là gần 43.000 tỷ đồng… Tổng số tiền đã nộp vào ngân sách là 13.812 tỷ đồng.
Hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam phổ biến nhất với 3 nhóm, sản xuất hàng hóa tiêu thụ nội địa, làm hàng xuất khẩu và gia công hàng hóa xuất khẩu. Trong 3 lĩnh vực này, không ít nhà đầu tư nước ngoài đều có một điểm chung là dùng thủ thuật chuyển giá. Hành vi, thủ đoạn chuyển giá thường là góp vốn vào DN trong nước bằng máy móc, thiết bị công nghệ lạc hậu hoặc đã khấu hao hết nhưng được đẩy giá lên rất cao so với giá trị thực.
Một hình thức chuyển giá khác được nhiều DN FDI áp dụng là nâng chi phí đầu vào sản xuất cao hơn nhiều so với thực tế, từ đó sẽ kéo giảm lợi nhuận, thậm chí lỗ và trốn được trách nhiệm nộp thuế thu nhập DN.
Nghiên cứu "Trốn và tránh thuế của thuế thu nhập DN đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam" của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) mới công bố đã chỉ ra mức thất thu thuế có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Trung bình trong giai đoạn 2013 - 2017, ước tính mức thuế thất thu vào khoảng 15.600 - 20.700 tỷ đồng mỗi năm, gấp khoảng 3 - 4 lần con số vi phạm phát hiện hàng năm. Trong đó, mức thất thu từ khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lên tới 8.000 - 9.000 tỷ đồng, tương đương 4 - 4,5% số thu thuế thu nhập DN. Còn mức thất thu từ ngân sách nhà nước hàng năm có thể lên tới 10.500 tỷ đồng, xấp xỉ 5% số thu thuế thu nhập DN hàng năm
Nhưng hình thức trốn thuế của DN FDI mới đây mới thực gây xôn xao dư luận, khi một DN ngoại dính nghi án chạy tiền cán bộ để không phải đóng thuế thu nhập DN. Và không chỉ năm 2020 này hình thức móc ngoặc với cán bộ thuế mới được phát hiện, mà trước đó, việc cán bộ thuế bị nghi ngờ nhận hối lộ từ DN đã từng bị phát giác. Cụ thể năm 2014, tờ Yomiuri Shimbun của Nhật cho hay công ty tư vấn đường sắt có trụ sở ở Tokyo Japan Transportation Consultants (JTC) đã “lót tay” khoảng 80 triệu yên (782.640 USD) cho các quan chức đường sắt Việt Nam trong một dự án ODA trị giá 4,2 tỷ yên (41 triệu USD).
Theo nhìn nhận của giới chuyên gia, hành vi “đi đêm” của DN và cán bộ thuế không chỉ diễn ra ở khối DN FDI mà còn diễn ra khá phổ biến ở cộng đồng DN nói chung. Ông Nguyễn Mạnh Cường- Phó hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế Quốc dân từng dẫn ra một số liệu do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, cho thấy có tới 63% hộ kinh doanh “đi đêm” với cán bộ thuế.