Doanh nghiệp đối thoại với hải quan: Tìm cách gỡ khúc mắc

Thanh Giang 16/12/2015 08:00

Ngày 15/12, Hải quan TP HCM đối thoại với đoanh nghiệp nhằm tháo gỡ những khó khăn về việc áp thuế hàng hóa. Tại đây nhiều doanh nghiệp bức xúc về việc áp về thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu không đúng quy định hiện hành vì mã số hàng hóa thiếu thống nhất.  

Doanh nghiệp đối thoại với hải quan: Tìm cách gỡ khúc mắc

Áp thuế không đúng quy định

Ông Trần Hữu Tài – Phòng Vật tư, Vận tải Công ty cổ phần Pin Ắc quy miền Nam thắc mắc, công ty có nhập khẩu một số loại vật tư phục vụ sản xuất pin và ắc quy theo như Giấy phép đăng ký kinh doanh, nhưng Chi cục hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1 (Chi cục Hải quan cửa khẩu Cát Lái) đã áp mã HS code (mã số hàng hóa) các vật tư nhập khẩu theo tên khác với thuế suất rất cao.

Theo Công ty cổ phần Pin Ắc quy miền Nam, DN nhập lát cắt đóng phân cực ắc quy là sợi thủy tinh tổng hợp 99%, nhưng lại bị hải quan áp thành chất khác với mức thuế 20%. Hải quan cho rằng, DN nên lấy mẫu sản phẩm đem đến Trung tâm phân tích phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu chi nhánh thành phố để kiểm nghiệm. Tuy nhiên, mẫu kiểm nghiệm không được trung tâm tiếp nhận phân tích khi không có yêu cầu của hải quan.

Trước việc áp dụng thuế suất một cách khó hiểu của hải quan cửa khẩu Cát Lái, công ty Pin Ắc quy miền Nam làm văn bản gửi lên Chi cục này nhưng đến nay văn bản vẫn đang bị “treo”. “Lãnh đạo hải quan thành phố cần hướng dẫn thủ tục và phương thức lý luận nhằm tìm ra một HS code tương ứng với ngành nghề kinh doanh. Tránh bị áp sai”, vị này nhấn mạnh.

Phía Công ty Ajinomoto Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 1, Đồng Nai) cho hay, công ty nhập khẩu mặt hàng Amix – mật thu được từ chiết xuất đường củ cải (dạng lỏng) dùng làm môi trường nuôi cấy vi sinh trong quá trình sản xuất bột ngọt. Với mặt hàng trên, Chi cục Hải quan Quản lý hàng đầu tư áp thuế giá trị gia tăng là 5% - mức thuế phù hợp với quy định hiện nay. Thế nhưng mới đây Chi cục Hải quan Quản lý hàng đầu tư yêu cầu áp thuế 10% với lý do, công ty báo tên hàng là “Nguyên liệu sản xuất bột ngọt - Mật thu được từ chiết suất đường”.

Hiện Công ty Ajinomoto Việt Nam băn khoăn, mức thuế suất 5% áp dụng cho mặt hàng là có đúng hay không? Nếu không đúng thì được quy định ở đâu vì cho đến thời điểm này phía công ty chưa tìm ra quy định nào áp thuế suất 10% cho mặt hàng mật gỉ đường. Đồng thời cũng chưa thấy có quy định nào thay đổi mức thuế trên?

Liên quan đến việc định mức thuế hàng nhập khẩu sai Công ty TNHH TM và CN Vinatoken cũng thông tin, công ty nhập khẩu một số hàng tiêu hao dùng trong y tế như bông, gạc, bao tay… nhưng bị áp thuế giá trị gia tăng lên đến 10%. Trong khi đó, theo quy định mặt hàng này chỉ bị thu 5% thuế.

Doanh nghiệp đối thoại với hải quan: Tìm cách gỡ khúc mắc - 1

Doanh nghiệp bức xúc về việc hải quan áp thuế sai mã hàng hóa. (Ảnh: S. Xanh).

Hải quan sẽ xem xét cụ thể

Từ những khúc mắc của 3 DN trên cho thấy, sự thiếu thống nhất giữa hải quan và DN về mã số hàng hóa (mã HS) về mức thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu. Trả lời thắc mắc của DN về việc áp sai thuế suất giá trị gia tăng cho DN ông Nguyễn Quốc Toản, Phó trưởng phòng Thuế xuất nhập khẩu, Cục Hải quan TP HCM khẳng định, 3 trường hợp của DN nêu trên đều bị áp sai thuế suất.

Theo đó, chỉ áp dụng mức thu thuế 5%, thay vì bị áp mức thuế 10%, 20% như thời gian qua. Đối với, trường hợp của công ty Pin Ắc quy miền Nam ông Toản khẳng định: Hải quan Cát Lái sai khi áp dụng thuế suất 20%. “Hải quan Cát Lái phải xem lại mức thuế nếu cứ áp dụng mức thuế hiện nay là chết DN”, ông Toản nói.

Với trường hợp của Công ty Ajinomoto, ông Nguyễn Quốc Toản yêu cầu, hải quan phải hoàn trả lại số thuế thu không đúng với quy định, bởi vì theo điều 10, thông tư 219 mức thuế áp dụng là 5%. Song, ông Toản hứa xem xét lại vì có thể có những uẩn khúc gì sau đó. Nếu có uẩn khúc gì thì Cục Hải quan TP HCM sẽ kiến nghị lên Tổng cục Hải quan để tháo gỡ.

Ông Đinh Ngọc Thắng - Phó Cục trưởng Cục Hải quan thành phố cho rằng, hải quan thành phố rất chia sẻ với những khó khăn mà DN đang gặp phải. Hải quan tự đặt mình vào vị trí DN để hiểu và tháo gỡ cho DN nhiều hơn. Tiếp tục kiến nghị lên cho cơ quan thẩm quyền để giải quyết những thắc mắc.

Đơn cử, đối với kiểm tra chuyên ngành nguyên liệu may mặc, đã nhập nhiều lần với mẫu đó và đều đạt thì không hà cớ gì cứ phải kiểm tra đi kiểm tra lại gây khó cho DN. Tới đây, thông quan mậu dịch đến phi mậu dịch đều ngồi một chỗ để giải quyết. Thực hiện từ quản lý thủ công qua hiện đại, từ quản lý thủ công sang quản lý rủi ro. DN tự chịu trách nhiệm từ khi đóng gói đến khi xuất đi nước ngoài. DN tự quản lý điều hành, tự hoạch toán và chỉ báo cáo thêm khi có yêu cầu.

Theo ông Đinh Ngọc Thắng, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ nhằm theo kịp ASEAN 4 và ASEAN 6 thì thời gian thông quan hàng hóa phải rút lại rất là nhiều. Vì tháng 9 – 2015 Chính phủ đã bấm nút để 9 bộ ngành cùng tham gia cơ chế một cửa quốc giá khi đó các bộ - ngành sẽ liên kết với nhau để tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động xuất nhập khẩu của DN.

Đặc biệt, từ 1/1/2016, kiểm tra chuyên ngành sẽ thay đổi. Nghĩa là, thay vì nộp và tiếp nhận trước và sau thông quan thì sẽ đơn giản bằng cách phối hợp tại chỗ với cơ quan quản lý chuyên ngành giải quyết trực tiếp tại các cửa khẩu như: Cát Lái, Tân Sơn Nhất. Vấn đề nào cần chuyên ngành, vấn đề nào cần ra kết quả ngay. Làm được thì rút ngắn thời gian rất nhiều cho DN.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp đối thoại với hải quan: Tìm cách gỡ khúc mắc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO