Doanh nghiệp được hưởng gì từ Luật Hỗ trợ DNNVV?

Theo VGP 07/06/2017 11:46

Tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Doanh nghiệp được hưởng gì từ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa?” do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức ngày 6/6 nhằm làm rõ hơn về Dự thảo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa đang được dư luận hết sức quan tâm.

Các vị khách mời tham gia tọa đàm. Ảnh: VGP.

Khối DN nhỏ và vừa rất mong đợi những chính sách mới sẽ tác động, hỗ trợ nhiều hơn nữa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ, trong đó đáng chú ý là Dự thảo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội XIV vào ngày 12/6 tới đây.

Khách mời của chương trình: Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông; Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân và chuyên gia kinh tế Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Một số câu hỏi nội dung tọa đàm:

Thưa Thứ trưởng Đặng Huy Đông, tại cuộc họp cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra tháng 1 vừa qua, một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Luật cần quy định cụ thể, rõ ràng, trọng tâm, trọng điểm để có tính khả thi hơn. Vậy trong thời gian qua, tiến độ tiếp thu, xây dựng, hoàn thiện Dự thảo đến đâu?

Ông Đặng Huy Đông: Trong suốt quá trình soạn thảo, thẩm định và thông qua các kỳ hội thảo trao đổi, tham luận, chúng tôi luôn nhận được những ý kiến nêu ra như vậy. Phải cân nhắc đâu là luật khung, đưa ra những chính sách cơ bản đảm bảo tính ổn định lâu dài của luật, càng cụ thể, càng chi tiết càng tốt.

Đến nay, chúng tôi đạt đồng thuận cao trong thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như cơ quan thẩm định Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đạt được quy định vừa đảm bảo luật khung tính ổn định lâu dài và cố gắng đưa tối đa những gì có thể cụ thể được luật hóa trong luật này. Đã có tính toán tính khả thi, chứ không đưa ra chương trình rộng và dàn trải nguồn lực. Đó là những khía cạnh chúng tôi cân nhắc trong quá trình thảo luận và cuối cùng đưa ra được một dự thảo. Nếu được thông qua lần này, Luật sẽ là món quà quý dành cho cộng đồng DN nói chung và đặc biệt DN nhỏ và vừa nói riêng.

Là người tham gia xây dựng, góp ý nhiều Dự án Luật liên quan đến kinh tế và khối doanh nghiệp, ông đánh như thế nào về Dự thảo này, thưa ông Nguyễn Văn Phúc?

Ông Nguyễn Văn Phúc: Tôi khẳng định đây là một đạo luật rất cần thiết cho phát triển kinh tế, trực tiếp cho phát triển DN, trong đó có cộng đồng DN nhỏ và vừa. Sự cần thiết ban hành luật đã được Chính phủ nêu trong Tờ trình Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra khẳng định và được cộng đồng DN nhỏ và vừa rất ủng hộ.

Tuy nhiên, tôi nhận thấy đây là luật khó, khó ở chỗ luật này ban hành hướng tới hỗ trợ DN nhỏ và vừa, trong khi đó hệ thống luật về kinh tế có khá nhiều, như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp... trong lĩnh vực khoa học công nghệ, và nhiều lĩnh vực khác đều liên quan đến DN nhỏ và vừa. Vậy Luật này ban hành để vừa có hỗ trợ đặc thù, riêng biệt đối với DN nhỏ và vừa, đồng thời phải phù hợp với hệ thống luật chung hiện nay.

Tôi thấy rằng khi bàn đến tính đột phá của Luật này để hỗ trợ cộng đồng DN nhỏ và vừa thì ai cũng nhất trí, nhưng khi động đến các luật có liên quan như các luật liên quan đến thuế, kế toán và lĩnh vự tài chính... thì các cơ quan có liên quan hầu như không muốn Luật này làm thay đổi quy định hiện hành của các luật liên quan. Đó là cái khó cho cơ quan soạn thảo, thẩm tra và khó cho Quốc hội. Khó là muốn đột phá, muốn khác biệt, nhưng không muốn thay đổi, có lẽ đây là điều mà các đại biểu Quốc hội và cộng đồng DN chưa hài lòng. Chúng ta chưa thật sự có tiếng nói thống nhất đột phá hỗ trợ cộng đồng DN nhỏ và vừa.

Đối với bản dự thảo chuẩn bị trình Quốc hội thông qua, Ban soạn thảo, Ủy ban chủ trì thẩm tra cùng các cơ quan chức năng của Chính phủ và Quốc hội đã cố gắng cao nhất để đảm bảo Luật này khi ban hành có tính khả thi với cộng đồng DN.

Thưa ông Nguyễn Hoài Nam, là người luôn đi sâu đi sát với DN, theo ông, khó khăn nhất của khối DN nhỏ và vừa hiện nay là gì và họ kỳ vọng gì khi luật này được thông qua?

Ông Nguyễn Hoài Nam: Đối với DN Việt Nam, có 6 nội dung tồn tại gây khó khăn đối với họ, đó là mặt bằng, tiếp cận tín dụng, công nghệ, nguồn nhân lực và thị trường, riêng ở Việt Nam thì khả năng tuân thủ các quy định, thủ tục hành chính, pháp luật của các DN.

Ví dụ: DN đã có công nghệ, nhân lực nhưng không tiếp cận được vốn và mặt bằng thì cũng không thể nào mà tổ chức triển khai được, như trường hợp của em Hà Đông, có ý tưởng tốt, có công nghệ, có cả thị trường nhưng lại thiếu một hệ thống hỗ trợ cho ý tưởng đó nên sản phẩm của em đó không được phát triển theo đúng kỳ vọng, mà đáng lẽ đây là một sản phẩm có tiềm năng phát triển trong nước và quốc tế.

Nên nếu phải nói về khó khăn hoặc cái cần nhất cho DN bây giờ thì có lẽ là cần sự đồng thuận để hệ thống và giải quyết tất cả các vấn đề phức tạp trước.

Khi Luật ban hành thì sự kỳ vọng lớn nhất đó là tổ chức triển khai phải nhanh, các địa phương thì phải quan tâm đến sự hỗ trợ cho DN. Các chính sách hỗ trợ DN từ năm 2001 đến nay thì có đến 20 tỉnh, thành trên cả nước không triển khai được. Việc triển khai chậm cũng làm ảnh hưởng đến sự ưu việt, mục tiêu của chính sách và làm ảnh hưởng trực tiếp đến DN.

Thứ hai là ngoài nguồn lực của ngân sách thì cần thu hút được được nguồn lực tiềm năng trong xã hội.

Thứ ba, là phải hỗ trợ các DN đổi mới sáng tạo tham gia chuỗi tuy rằng chuỗi ở Việt Nam chưa được hoàn chỉnh bởi chỉ hình thành một cách tự nhiên. Do đó phải cần một định hướng rõ ràng, cụ thể từ chính sách của Nhà nước để tạo nên chuỗi mới.

Cuối cùng là sự kỳ vọng vào sự nhân đôi số lượng các DN nhỏ và vừa tham gia xuất khẩu, tức là sẽ có gần 100.000 DN.

Thưa Thứ trưởng Đặng Huy Đông, tại dự thảo luật lần này những khó khăn của DN như ông Nam vừa nêu và những kì vọng sẽ được giải quyết như thế nào? Có một câu hỏi của một khán giả vừa gửi đến chương trình: “Tôi muốn biết DN nhỏ và vừa như chúng tôi sẽ được hỗ trợ cụ thể gì thưa Thứ trưởng? Bởi vì Thứ trưởng vừa nêu là Dự thảo Luật sẽ hỗ trợ những người hỗ trợ, tôi chưa hiểu rõ lắm về ý này”.

Ông Đặng Huy Đông: Trước hết, cách tiếp cận của chúng tôi khi xây dựng luật này là tiếp cận theo cầu, tức là chúng tôi dựa trên nhu cầu của DN, phân tích và đánh giá sự mong đợi của DN là gì, cái mà họ yếu, họ thiếu là cái gì ngoài cái nỗ lực bản thân của họ. Chúng tôi phân tích ra những nhu cầu thiết thực của cộng đồng DN nhỏ đó là hỗ trợ hiểu biết về pháp luật, hỗ trợ về khoa học công nghệ, hỗ trợ về thông tin thị trường, hỗ trợ về tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai là những thứ mà hầu hết các DN nhỏ và vừa đều gặp phải. Quá trình xây dựng luật này quán triệt tư tưởng là đi từ cầu, nhu cầu phục vụ ở đây là cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, phân tích cái yếu, cái thiếu, cái kém của họ để mà hỗ trợ.

Vậy hỗ trợ người đi hỗ trợ là như thế nào? Ngay giai đoạn đầu thảo luận mọi người đưa ra ý kiến là lấy tiền ở đâu do họ hiểu rằng luật này sẽ tạo điều kiện để ngân sách Nhà nước hay chính quyền có một khoản tiền đưa cho cụ thể các DN. Chuyện đó không có và không có nước nào làm như thế cả. Hỗ trợ người đi hỗ trợ là gì? Chúng tôi không thể đưa cho từng DN được, nhưng nếu như nhận diện được là nhóm thông tin về vấn đề cụ thể nào đó mà là thiếu thì Nhà nước sẽ tạo điều kiện để các DN và cá nhân tư vấn về lĩnh vực ấy thu thập thông tin đưa về cho cơ quan Nhà nước và sau đó công bố thông tin rộng rãi cho tất cả DN sử dụng thông tin ấy.

Điều này xuất phát từ một thực tế DN lớn thì học có nguồn lực, họ đi vào một thị trường nào đó thì họ sẵn sàng bỏ ra hàng tỷ hay chục tỷ để có bộ máy của riêng họ hoặc là thuê tư vấn bên ngoài là đi khảo sát, đánh giá, phân tích thị trường đấy, sau đó họ bắt đầu làm chiến lược kinh doanh. Nhưng DN nhỏ thì không có nguồn lực ấy nên Nhà nước phải làm.

Ví dụ như ở Lục Ngạn, hàng trăm hộ dân, hàng nghìn hộ dân của chúng ta mỗi nhà trồng 5 sào, 10 sào, 1ha, 2 ha vải,... thế nhưng từng hộ thì người ta không thể xác định thị trường là như thế nào và nhu cầu thị trường, thị hiếu là như thế nào. Vì vậy, Nhà nước sẽ giúp củng cố chuỗi giá trị của cụm liên kết ngành bao quanh quả vải. Chính quyền sẽ đi khảo sát thị trường, trên thế giới có những nước nào cạnh tranh với quả vải của chúng ta vào đúng giai đoạn mùa vụ như thế nào để tư vấn cho dân.

Tương tự như vậy, câu chuyện về thịt lợn dư thừa vừa rồi, từng người một đều hiểu là thị trường đang cần tại một thời điểm nào đó cách đây 6, 7 tháng. Thế nhưng họ không biết rằng ai cũng hiểu như thế thì hàng vạn người lại cùng đi nuôi lợn vì kì vọng là lúc nào đó giá sẽ lên gấp đôi, gấp ba. Vì cả vạn người nuôi mà người nào cũng nuôi hàng nghìn con thì sẽ dư hàng chục triệu con. Hỗ trợ người đi hỗ trợ tức là chúng tôi hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân mà cung cấp các dịch vụ thông tin, khoa học công nghệ, vốn,... những ai cung cấp dịch vụ cho cộng đồng DN thì được tiếp cận nguồn lực của Nhà nước, Nhà nước thông qua họ để đáp ứng nhu cầu của DN.

Thưa các vị khách mời, có một mối băn khoăn của rất nhiều người là khả năng hiện thực hóa các quy định trong luật vẫn bị quan ngại là nhiều nội dung hỗ trợ này nếu chiếu theo luật chuyên ngành như luật tín dụng, luật đất đai thì lại khó xử lý được. Ví dụ nếu luật này ban hành thì liệu có buộc ngân hàng cho vay lãi thấp hơn cho các DN lớn hay không?

Ông Đặng Huy Đông: Tôi khẳng định chưa bao giờ có khái niệm đặt ngân hàng, các tổ chức tín dụng phải cho DN nhỏ và vừa vay, đấy là một cách diễn đạt thổi phồng vấn đề, trái với ý tưởng của chúng tôi. Ngay từ bản dự thảo ban đầu, chúng tôi đưa ra khái niệm khuyến khích các ngân hàng (NH), các tổ chức tín dụng cố gắng đạt mức tối thiểu là 30% dư nợ tín dụng trong hệ thống của mình. Nếu NH nào đạt được mức đó, NHNN quy định theo quy định của pháp luật như tuyên dương, khen thưởng, cấp bù tín dụng bằng nghiệp vụ của NH, tôi khẳng định, bằng khái niệm khuyến khích thì không có câu chuyện áp đặt, bắt buộc, nếu ai không đạt được thì cũng không bị phạt. Nhưng giải thưởng trong chính sách của NH trong pháp luật về tín dụng cho phép đến đâu thì được đến đó. Trên thế giới họ áp đặt chứ không phải khuyến khích.

Tại các diễn đàn, các chuyên gia đều đánh giá DN của Việt Nam là “thuyền thúng”, 97% là DN nhỏ và vừa (DNNVV). Nếu đưa ra câu nói như vậy có hàm ý nền kinh tế Việt Nam phải có toàn DN lớn. Nhưng so với trên thế giới, tỷ lệ của chúng ta rất bình thường, rất nhiều quốc gia có 98-99% là DNNVV, ở Nhật là 99,7% DNNVV. Tại các quốc gia trên thế giới coi trọng DNNVV, bởi những DN này tạo ra công ăn việc làm cho xã hội và giữ ổn định cho xã hội. Mọi chính phủ trên thế giới đều rất chăm lo công ăn việc làm, rất lo lắng tỉ lệ thất nghiệp.

Về vấn đề tiếp cận vốn, trong thời gian vừa qua, ngay cả trong thời kỳ cơn lốc tín dụng, số liệu thống kê cho thấy tỉ lệ nợ xấu của Ngân hàng Chính sách xã hội cho người nghèo chỉ dưới 1,5%. Tỉ lệ nợ xấu của Ngân hàng NN&PTNT mà khách hàng là nông dân, lúc nặng nhất là 2%. Còn tỉ lệ ngân hàng nợ xấu của các ngân hàng khác lúc nặng nhất lên tới 6%, cho vay ở nhóm đối tượng không đúng tôn chỉ mục đích đó là các đại gia 2 thành phố lớn Hà Nội và TPHCM và các đại gia nằm ở các DN bất động sản. Do đó không thể nói rằng DNNVV là hệ lụy của các ngân hàng.

Các ngân hàng thực chất cũng là DN, nên chúng tôi không thể yêu cầu ngân hàng hạ chuẩn về an toàn tín dụng. Ngân hàng phải có trách nhiệm bảo toàn vốn và giữ ổn định của hệ thống tín dụng quốc gia. Nhưng trong lần này chúng tôi đặt ra nhiệm vụ cho ngân hàng: Ngân hàng là DN nhưng là nhóm DN đặc thù. Hiện cả nước có trên 30 ngân hàng hoạt động, họ được huy động vốn của xã hội. Với 97% là DNNVV, thì đây chính là là khách hàng của ngân hàng.

Một điều nữa cũng đáng quan tâm, cùng là một nguồn vốn vay, các DN lớn vay từ 3.000-4.000 tỷ đồng cũng chỉ trong một trình tự thẩm định. Trong khi đó cho DNNVV vay từ 50 triệu - 1 tỷ đồng cũng vẫn chỉ quy trình thẩm định như trên.

Có một thực tế, nếu không có chính sách của Nhà nước thì đương nhiên, ngân hàng sẽ chọn khách hàng vay ngàn tỷ đồng, vì cùng công quản lý nhưng lãi cao hơn. Thời gian gần đây, bản thân chính các ngân hàng đang hoạt động ở Việt Nam cũng nhận thấy “chơi” với các đại gia quá rủi ro, không nên bỏ trứng vào một giỏ. Do đó, hiện tại các ngân hàng đang có chương trình dành riêng cho các DNNVV.

Ngược lại, trong dự thảo Luật này không chỉ có ngân hàng là người tạo ra cơ hội tiếp cận tín dụng cho DN mà cộng đồng DN cũng phải cùng nỗ lực, hồ sơ vay vốn cũng phải đạt chuẩn theo yêu cầu của ngân hàng. Luật này giúp cho DN tập huấn đào tạo về quản trị kinh doanh về sổ sách, ghi chép, về kế toán tài chính, về hồ sơ vay vốn. Nếu làm đúng được chuẩn mực thì khi hồ sơ DN mang sang cho ngân hàng đạt chuẩn thì ngân hàng sẽ cho vay. Theo Luật này, chúng tôi muốn cả hai phía đi lại gần nhau để DNNVVV tiếp cận tín dụng được thuận lợi hơn, chứ đây không phải là áp đặt ngân hàng, buộc các ngân hàng cho vay tỉ lệ nhất định.

Theo ông, Luật sẽ có tác động như thế nào đối với mục tiêu 1 triệu DN vào 2020 trên cơ sở chuyển đổi hộ kinh doanh thành DNNVV?

Ông Nguyễn Văn Phúc: Hiện nay, Chính phủ đặt ra mục tiêu là đến năm 2020 chúng ta có khoảng 1 triệu DN. Ta ước tính đến cuối năm nay có hơn 100.000 DN thành lập mới và có thể hơn năm 2016. Tuy nhiên ta chưa tính số DN giải thể. Rõ ràng, Quốc hội và Chính phủ có những quyết tâm, nỗ lực trong đó có mục hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành DNNVV. Tôi biết Bộ KH&ĐT đang có Đề án phối hợp với Hiệp hội trong việc để hộ kinh doanh chuyển đổi. Nếu Luật này đi vào cuộc sống bằng những chương trình cụ thể thì sẽ có thể đạt hơn mục tiêu đề ra. Hỗ trợ DNNVV đừng nói gì to tát, hãy đặt những câu chuyện rất thiết thực với những đối tượng và tổ chức cụ thể.

Ông Đặng Huy Đông: Luật ra đời sẽ góp thêm động lực để chúng ta sớm đạt được mục tiêu có 1 triệu DN hoạt động có hiệu quả đến năm 2020 như mục tiêu của Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp được hưởng gì từ Luật Hỗ trợ DNNVV?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO