Nhiều doanh nghiệp đã phục hồi sản xuất kinh doanh trở lại nhờ sức tiêu thụ của thị trường. Vậy nhưng chi phí nguyên liệu quá lớn đang trở thành một rào cản khi doanh thu không bù nổi chi phí, một số doanh nghiệp e ngại nhận các đơn hàng mới.
Lợi nhuận bốc hơi
Sau năm 2021 chịu nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4, Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã TCM) đã khôi phục trở lại công suất các nhà máy. Đầu ra cho sản phẩm của TCM nói riêng, các doanh nghiệp (DN) dệt may nói chung đang khá thuận lợi.
Tuy nhiên, phía TCM cho biết chi phí đầu vào của ngành đang tăng quá nhanh khiến cho biên lợi nhuận của công ty giảm so với cùng kỳ. Chẳng hạn doanh thu hai tháng đầu năm 2022 đạt 28.611.312 USD, tăng 14% so với cùng kỳ; lợi nhuận đạt 1.688.040 USD; biên lợi nhuận là 5,8% trong khi đó biên lợi nhuận cùng kỳ năm ngoái là 6,9%.
Theo các chuyên gia, giá sợi bông và sản lượng sản xuất sẽ tăng trong 6 tháng đầu năm 2022, nhưng biên lợi nhuận gộp của các công ty sản xuất sợi bông có thể sẽ điều chỉnh trong nửa cuối năm. Do đó, ước tính, hầu hết các công ty sản xuất hàng may mặc sẽ có biên lợi nhuận gộp giảm so với năm 2021 do chi phí vải đầu vào cao trong 6 tháng đầu năm.
Với ngành dệt may nói chung , giá dầu thô và các hàng hóa cơ bản tăng mạnh, đặc biệt từ khi xung đột Nga - Ukraine kéo theo giá sợi tăng mạnh khiến cho việc mở rộng sản xuất lại sau dịch Covid -19 bị ảnh hưởng.
Trong khi đó mới đây nhất Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2022 với lợi nhuận sau thuế “bốc hơi” tới 98% so với cùng kỳ năm 2021, chỉ đạt vỏn vẹn 8,6 tỷ đồng. Cụ thể, trong khi doanh thu tăng 13%, đạt 2.806 tỷ đồng thì giá vốn của Dabaco đội thêm tới 38%, lên mức 2.551 tỷ đồng, nên lợi nhuận gộp còn lại chỉ 254 tỷ đồng, giảm 60% so với quý I/2021.
Theo ban lãnh đạo Dabaco, trong quý I/2022, ngành chăn nuôi vẫn tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn kép do dịch Covid-19 và dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi. Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp của xung đột Nga – Ukraine cũng ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng nguồn nguyên liệu đầu vào và các hoạt động giao thương, vận tải quốc tế. Việc đứt gãy chuỗi cung ứng và những khó khăn, cản trở từ dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn tới sản xuất và tiêu dùng, chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao trong khi giá các sản phẩm chăn nuôi lại không tăng.
Đầu năm 2022, phần lớn các DN thuộc các ngành nghề dệt may, nông nghiệp, vật liệu xây dựng đau đầu với bài toán giá nhiên liệu tăng cao. Tại Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (HSG), dù doanh thu tăng 17% trong quý II niên độ tài chính 2021-2022, nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm tới 23%, chỉ đạt 234 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do giá vốn trong kỳ tăng mạnh tới 25% khiến cho lợi nhuận gộp giảm tương ứng 24%. Các khoản chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý DN cũng tăng mạnh khiến lãi ròng của công ty bị thu hẹp đáng kể.
Rào cản
Giới chuyên gia thẳng thắn chỉ ra rằng, giá cả nguyên liệu tăng nhanh khiến cho chi phí sản xuất tăng đã ảnh hưởng đến số lượng đơn đặt hàng của DN. Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP HCM (FFA) từng chia sẻ với báo giới rằng hàng chục tấn hàng được đưa đi nước ngoài trong tháng đầu năm 2022, dự báo một năm khả quan. Tuy nhiên, nhiều DN phải từ chối bớt bạn hàng vì giá đầu vào, đặc biệt là chi phí vận chuyển cao.
Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất từ S&P Global chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam đã không thay đổi với kết quả 51,7 trong tháng 4. Số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng trong tháng 4 song tốc độ tăng đã chậm lại thành mức yếu nhất trong thời kỳ tăng kéo dài suốt 7 tháng qua. Nhiều DN cho biết, tình trạng giá cả tăng và nguyên vật liệu khan hiếm đã hạn chế đà tăng. Tình hình tương tự xảy ra với số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới khi tốc độ tăng của chỉ số này cũng chậm lại. Trong trường hợp xuất khẩu, những hạn chế do Covid-19 ở Trung Quốc là một phần nguyên nhân dẫn đến giảm tốc độ tăng trưởng.
Chi phí đầu vào tiếp tục tăng mạnh được dự báo sẽ đẩy những hạng mục được tăng giá đó là cước vận tải, khí đốt, xăng dầu… Để bù đắp, các nhà sản xuất đã tăng giá bán hàng với tốc độ tăng nhanh nhất trong thời kỳ 5 tháng.
TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê phân tích, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra chưa được khắc phục thì khủng hoảng Nga - Ukraine kéo theo các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với Nga… gây khó khăn về nguồn cung các loại nguyên, nhiên vật liệu trong thời gian tới, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Đặc biệt, nguy cơ mới có thể hiện hữu và ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đối với áp lực gia tăng lạm phát và suy giảm tăng trưởng kinh tế Việt Nam khi Trung Quốc - đối tác thương mại chính của Việt Nam đang theo đuổi chính sách “Zero Covid”, tăng trưởng chậm lại của quốc gia này, cũng làm gián đoạn hoạt động thương mại Việt Nam - Trung Quốc. Điều này dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng, khan hiếm nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, tác động xấu tới tăng trưởng kinh tế và giá cả hàng hóa sẽ càng bị đẩy lên cao.