Doanh nghiệp khát vốn

T.Hằng 02/12/2016 09:20

Với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng và đi vào hoạt động từ tháng 4/2016, Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa được kỳ vọng giải “cơn khát vốn” cho doanh nghiệp. Thế nhưng qua nhiều lần tiếp cận vốn, doanh nghiệp vẫn nghe mãi một điệp khúc: mỏi mòn chờ tiếp cận…

Chia sẻ khó khăn về việc khó tiếp cận vốn, ông Nguyễn Hồng Cương - Giám đốc Công ty TNHH Hải Tuấn (Nghệ An), chuyên sản xuất giống nuôi trồng thủy sản cho các tỉnh miền Bắc nói, hiện doanh nghiệp muốn nâng cấp và mở rộng sản xuất nhưng theo quy định của UBND tỉnh Nghệ An, doanh nghiệp thủy sản chỉ được thuê đất tối đa 20 năm.

Vì tiền thuê đất trả theo năm nên khi đến ngân hàng muốn vay vốn bị từ chối. Ông Cương mạnh dạn đặt câu hỏi, vậy doanh nghiệp có thể vay vốn ngân hàng không và có đủ điều kiện để vay vốn từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo quy định, đối tượng Quỹ hỗ trợ vay vốn quỹ là DNNVV (SMEDF) theo quy định tại Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp, có tiêu chí về quy mô, nguồn vốn, số lao động…

Trong năm 2016 Quỹ SMEDF đang triển khai 4 chương trình hỗ trợ DNNVV với tỷ lệ cho vay tối đa lên tới 70% dự án, phương án sản xuất kinh doanh với tài sản đảm bảo hình thành từ vốn vay hoặc tài sản có sẵn. Đặc biệt lãi suất sẽ cố định 7% suốt thời gian vay, thế nhưng, dữ liệu cập nhật được cho biết, số lượng doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn từ Quỹ không nhiều.

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết nước có khoảng 600.000 doanh nghiệp nhưng có khoảng 30% doanh nghiệp gần như không tiếp cận được nguồn vốn, trong đó bao gồm: vốn ngân hàng, vốn hỗ trợ của Chính phủ, vốn từ các chính sách do Chính phủ đưa ra.

Nguyên nhân khiến doanh nghiệp không tiếp cận được vốn từ Quỹ cũng được chính thành viên ngân hàng Viettinbank chỉ ra là do thiếu tài sản thế chấp cũng như tình hình tài chính không minh bạch, dẫn đến việc khi hồ sơ của doanh nghiệp gửi về các ngân hàng bị đình lại.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nói, việc cho vay vốn từ Quỹ hiện đang được thực hiện qua các ngân hàng thương mại, trong khi ngân hàng cẩn trọng với nợ xấu nên khắt khe trong việc giải ngân. Chưa kể nhiều doanh nghiệp khi có tài sản thế chấp vay vốn nhưng không chứng minh được mình có khả năng và ý chí trả nợ nên bị ngân hàng “cân lên đặt xuống”.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp ở Cần Thơ, ông Võ Hùng Dũng - Giám đốc VCCI Cần Thơ cho hay, hiện nay khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 53.000 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm 10% tổng số doanh nghiệp cả nước với số lượng doanh nghiệp thành lập mới không ngừng gia tăng.

Tuy nhiên, phần đa các doanh nghiệp trong khu vực này là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), sức cạnh tranh còn yếu, nhất là về năng lực tài chính nên rất khó tiếp cận vốn ngân hàng cũng như các nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước.

Đại diện Quỹ kiến nghị, cần đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ của Quỹ phát triển DNNVV như cho vay trực tiếp, bảo lãnh tín dụng, đầu tư mạo hiểm. Ông Dũng phân tích, Tại Hàn Quốc Quỹ SBC hỗ trợ DNNVV theo hình thức cho vay gián tiếp qua ngân hàng, và cho vay trực tiếp. Quỹ SBC Hàn Quốc còn có các khoản vay hoán đổi cổ phần và vay hoán đổi lợi nhuận.

Do vậy Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng việc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và đa dạng hóa các hình thức hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa theo chuẩn mực quốc tế sẽ giúp cho công tác hỗ trợ tài chính cho DNNVV đạt hiệu quả cao hơn và thực hiện tốt Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp khát vốn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO