Trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng, cộng đồng doanh nghiệp mong sớm được tiếp cận nguồn vốn giá rẻ từ ngân hàng. Hiện các ngân hàng thương mại đang đẩy nhanh triển khai Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% trị giá 40.000 tỷ đồng của Chính phủ, nhằm góp phần giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sớm hồi phục.
Nền kinh tế đang phục hồi nhanh, số lượng doanh nghiệp (DN) đăng ký và thành lập mới tăng, cùng với đó nhiều DN quay trở lại thị trường. Nhưng điểm nghẽn của nền kinh tế là “bão giá” ập đến khi giá xăng dầu và giá nguyên liệu tăng phi mã. DN mong mỏi cần thêm vốn để khôi phục sản xuất, nhưng việc tiếp cận các nguồn vốn vay cũng không hề dễ dàng.
Khó tiếp cận gói hỗ trợ 2%
Đại diện một công ty may trang phục xuất khẩu - Công ty cổ phần thương mại may Việt Thành (Khu công nghiệp Giao Long, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) cho biết, nếu được tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước, công ty sẽ giảm bớt áp lực tài chính về nguồn vốn tín dụng và việc khôi phục lại hoạt động cũng nhanh hơn.
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam mới đây, ông Lê Quang Thắng - Giám đốc HTX rau VietGAP đến từ Quảng Ninh bày tỏ, sau khi chịu tác động bởi dịch Covid-19, nông dân gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn để phục hồi lại sản xuất. Nhưng việc tiếp cận vốn lãi suất thấp vẫn khó, nhất là để được vay vốn phải có tài sản đảm bảo, phù hợp với quy định hiện hành.
Tương tự, đại diện một DN ngành du lịch cũng cho biết, chi phí vốn vay được giảm 2%/năm giúp DN có thêm nguồn lực tài chính đáng kể phục vụ hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, điều kiện để được hưởng cấp bù lãi suất sẽ là vấn đề khiến nhiều DN băn khoăn. Bởi như trong lĩnh vực du lịch, sau 2 năm chống chọi với Covid-19, nhiều DN gần như không có doanh thu, cơ cấu hoạt động của công ty có nhiều thay đổi, thậm chí phải sống nhờ bằng ngành nghề kinh doanh khác. Trong khi muốn được hỗ trợ lãi suất cần dựa vào hồ sơ vay vốn, kế hoạch kinh doanh của DN, ngân hàng không hạ chuẩn cho vay nên DN khó đáp ứng được các chuẩn mực, như không có dư nợ đang được cơ cấu, không có nợ xấu, có tài sản đảm bảo…
“Phao cứu sinh” của doanh nghiệp
Theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP (Nghị định 31), đối tượng được hỗ trợ lãi suất ưu đãi 2% là các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh có mục đích vay vốn thuộc 2 nhóm: Các ngành hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục - đào tạo; nông - lâm nghiệp - thuỷ sản; công nghiệp chế biến - chế tạo; xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin; bao gồm cả hoạt động xây dựng phục vụ trực tiếp cho các ngành kinh tế này, trừ hoạt động xây dựng cho mục đích kinh doanh bất động sản. Cùng đó là nhóm thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ (danh mục dự án do Bộ Xây dựng tổng hợp từ UBND tỉnh, thành phố và công bố bằng văn bản, trên cổng thông tin điện tử của bộ).
Các DN được hỗ trợ lãi suất, phải đáp ứng đầy đủ điều kiện vay vốn thông thường của các ngân hàng thương mại; được ký kết thỏa thuận cho vay và giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2022 đến ngày 31/12/2023, sử dụng vốn đúng mục đích và chưa được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo các chính sách khác.
Theo kỳ vọng của giới chuyên gia cũng như lãnh đạo DN, gói hỗ trợ lãi suất 2% giống như chiếc “phao” để giúp cho DN và người dân vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, ông Phạm Huy Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, quy định với khoản vay này khá chặt. Cụ thể, DN phải không có nợ xấu, phải có tài sản đảm bảo, có doanh thu mới được xét duyệt. Như vậy chỉ những DN khỏe mới đủ điều kiện vay vốn được hỗ trợ lãi suất. Trong khi đó, nhiều DN nhỏ và vừa trải qua 2 năm đại dịch, đang gặp khó khăn, bị nợ xấu, không có tài sản đảm bảo... nên không thể vay vốn.
Để chính sách thực sự đi vào cuộc sống, ông Hùng đề nghị, cần cân nhắc “nới” các điều kiện cho vay để có thêm DN được hưởng gói hỗ trợ này. Chẳng hạn như ngân hàng xét thấy DN có khả năng trả nợ được thì nên cho vay.
Cùng với đó, cần thống nhất giữa các ngân hàng để tránh trường hợp mỗi nơi hiểu một cách khác nhau, cùng một DN nhưng ngân hàng này không cho vay, trong khi ngân hàng khác lại cho vay. Điều quan trọng nữa là cần xét duyệt nhanh, để vốn đến DN đúng thời điểm, tránh như gói hỗ trợ thuê trọ, sau mấy tháng thực hiện mới chỉ giải ngân được 1%.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, để tránh rủi ro cho các tổ chức tín dụng khi thực hiện hỗ trợ lãi suất 2%, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có Thông tư hướng dẫn hạch toán về phần hỗ trợ lãi suất, thông thoáng hơn so với trước, tạo điều kiện cho ngân hàng triển khai được. Tuy nhiên, một trong những nguyên tắc của việc hỗ trợ lãi suất là không hạ chuẩn cho vay, chỉ khi nào DN đáp ứng ứng đủ điều kiện mới được tiếp cận nguồn vốn này.
Trong khi đó, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), để DN có thể hấp thụ tối đa được gói hỗ trợ 2%, các ngân hàng cần tích cực cho các DN có dự án sản xuất kinh doanh tốt và giải ngân dần dần theo tiến độ thực hiện dự án, từ đó giúp các DN vừa có nguồn vốn hồi phục và tăng trưởng. Về phía các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương tới địa phương khi tiếp nhận hồ sơ của các DN cần đẩy nhanh tốc độ duyệt xét; hồ sơ thiếu sót đến đâu yêu cầu bổ sung ngay tới đó, giúp DN tiếp cận nguồn hỗ trợ kịp thời, tránh lỡ nhịp kinh doanh, sản xuất.
Là người trong cuộc thực hiện triển khai gói ưu đãi lãi suất, ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chia sẻ, thực tế khi triển khai, toàn hệ thống Agribank cũng rất lo lắng, vì gói hỗ trợ trước đến giờ vẫn chưa giải quyết xong những tồn tại cũ. Trong khi triển khai chính sách có rất nhiều vấn đề thực tiễn xảy ra.
Tuy nhiên, Chủ tịch Agribank cũng cho rằng chính sách hỗ trợ lãi suất 2% của Chính phủ rất phù hợp trong hoàn cảnh hiện nay. Nhưng cái khó ở chỗ khách hàng của Agribank chủ yếu là hộ gia đình hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nhỏ lẻ, hầu như không có đăng ký kinh doanh, vì vậy hồ sơ thường không đủ giấy tờ để chứng minh.
Còn theo TS Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, chính sách hỗ trợ 2% lãi suất không hỗ trợ theo kiểu “đại trà” như trước đây, mà chỉ tập trung vào 13 lĩnh vực, ngành nghề cụ thể. Đồng thời, các DN muốn được hỗ trợ vẫn phải đáp ứng điều kiện cơ bản về tín dụng của tổ chức tín dụng, không có nợ xấu và phải là DN có khả năng phục hồi. Đây là một số lưu ý chính để các ngân hàng nhanh chóng thực hiện.
Ngoài ra hiệu lực của gói hỗ trợ lãi suất bắt đầu từ đầu năm 2022. Do đó, đối với một số khoản vay đã ký hợp đồng tín dụng từ đầu năm, DN có thể được truy soát lại. Nếu đúng đối tượng được hỗ trợ lãi suất, các DN có thể làm việc với ngân hàng để được tính hỗ trợ lãi suất ngay từ đầu năm nay.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú:
Công khai, xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ
Đây là chính sách hỗ trợ lãi suất đầu tiên sử dụng ngân sách nhà nước có quy mô lớn được triển khai qua hệ thống ngân hàng thương mại. Do đó, ngay từ trong quá trình dự thảo, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực, chủ động phối hợp, bàn bạc rất kỹ lưỡng với các bộ, ngành, các ngân hàng thương mại thông qua rất nhiều cuộc họp nhằm sớm đưa chính sách hỗ trợ vào thực tiễn, với mục tiêu giúp các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với lãi suất thấp hơn để vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, tạo nền tảng và động lực phát triển nền kinh tế; đồng thời đảm bảo nguyên tắc công bằng, công khai, xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ, hạn chế tối đa các sai phạm trong quá trình triển khai, quyết toán hỗ trợ lãi suất.
Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh:
Tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm
Chính phủ đã có phản ứng rất nhanh nhạy, kịp thời hỗ trợ DN thông qua các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa cùng với cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn, miễn giảm tiền thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời gian nộp tiền thuê đất, giảm tiền điện, giá điện... Vì vậy, với việc gói hỗ trợ lãi suất 2% được triển khai, DN sẽ có thêm cơ hội tiếp cận được dòng vốn rẻ, qua đó đẩy mạnh sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai cần phải thực hiện nghiêm túc từ trên xuống dưới, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, đồng lòng thực hiện, tránh hiện tượng cơ quan quản lý đốc thúc nhưng ngân hàng thương mại đủng đỉnh, cán bộ tín dụng từ từ…
T. Hằng(ghi)