Sau thời gian thực hiện mô hình “3 tại chỗ” vừa sản xuất, vừa chống dịch, hiện nhiều doanh nghiệp (DN) ở các tỉnh phía Nam đã “đuối sức”.
Từ đó, nhiều DN đã kiến nghị chính quyền địa phương thay đổi phương thức sản xuất, vẫn dựa trên yêu cầu an toàn chống dịch nhưng có biện pháp linh hoạt để giảm chi phí, phù hợp thực tế hoạt động của DN. Trong đó, các phương án “4 xanh” hay “2 tại chỗ-1 vùng xanh” là những mô hình nhận được sự đồng tình của DN.
Không thể “ăn, ngủ trên máy khâu” lâu dài được
Ông V.H., chủ một DN may xuất khẩu ở quận 12 (TP HCM) cho biết, hiện DN của ông có khoảng 90 công nhân, vẫn duy trì sản xuất và đáp ứng đơn hàng của nhiều đối tác nước ngoài. Sản phẩm của công ty chủ yếu xuất sang Nga, hiện đang là mùa cao điểm nên công ty của ông cố gắng duy trì sản xuất. Tuy nhiên, mô hình “3 tại chỗ” bộc lộ nhiều điểm bất cập.
“Nếu sản xuất theo mô hình này chừng 1-3 tuần thì không sao, chứ vài tháng thì vô cùng khó khăn, vì công nhân không thể ăn ngủ mãi cạnh chiếc máy khâu được” – ông V.H nói. Đặc biệt, hơn 70% công nhân ở trọ ngay gần công ty, đều thuộc “vùng xanh” nên họ rất muốn được về nhà vì còn lo cho gia đình, con cái...
Một số DN khác cũng cho biết, môi trường trong nhà máy thường chật hẹp, nhiều sản phẩm, nguyên liệu, thậm chí có cả hóa chất, nếu ăn, ngủ sinh hoạt tại nhà máy một thời gian dài sẽ khiến năng suất lao động giảm, người lao động bị bào mòn sức lực, thể trạng.
Trong khi đó, để công nhân chấp nhận ở nhà máy 24/24, các DN phải duy trì chế độ lương tăng thêm, cộng thêm chi phí tiền ăn uống, mua đồ dùng sinh hoạt... khiến chi phí tăng lên. Việc này kéo dài gây khó khăn cho cả lãnh đạo công ty và người lao động.
Từ kiến nghị của DN, một số tỉnh thành phía Nam đã bắt đầu thay đổi mô hình sản xuất “3 tại chỗ” để vừa chống dịch, vừa linh động áp dụng những biện pháp mới. Trong đó TP HCM chuẩn bị áp dụng với mô hình “4 xanh” gồm: Nơi ở xanh, cung đường xanh, nơi làm việc xanh và con người xanh.
Theo đó, nhiều địa bàn TP HCM hiện nay được coi là vùng xanh an toàn. Vì vậy, công nhân, người lao động ở các khu vực này hoàn toàn có thể tự di chuyển từ nơi ở tới công ty trong cung đường nhất định với yêu cầu không tiếp xúc với người thứ 3.
Thực tế, nếu áp dụng mô hình này, công nhân và công ty đều có lợi nhưng yêu cầu ý thức người lao động phải tuyệt đối chấp hành. Nhiều công ty đã yêu cầu công nhân cam kết không tự ý di chuyển ngoài cung đường từ nhà tới nơi làm việc, ngay cả việc mua thực phẩm cũng phải hạn chế, chủ yếu do công ty cung cấp.
Ngoài mô hình “4 xanh” thì mô hình “2 tại chỗ”, “3 tại chỗ nới lỏng” hay “2 tại chỗ-1 vùng xanh” cũng tương tự, cho phép người lao động di chuyển giữa 2 địa điểm “nhà và công ty” là những nơi nằm trong vùng xanh cho phép.
Yêu cầu “vùng xanh ý thức”
Ông Phạm Thanh Trực, Phó Ban quản lý Khu chế xuất-khu công nghiệp TP HCM cho biết, hiện rất nhiều DN ở TP HCM đã đăng ký hoạt động trở lại để giữ chân công nhân, giữ bạn hàng, vùng nguyên liệu.
Ông Trực cũng cho biết, nhiều DN đang hoạt động “3 tại chỗ” cũng muốn thay đổi sang mô hình mới. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể dù lãnh đạo TP HCM cùng Bộ Công Thương đã họp, thống nhất chủ trương trước đó.
Song song với công tác chống dịch, việc duy trì sản xuất cũng giảm áp lực đáng kể với công tác an sinh xã hội của nhiều địa phương. Hiện các tỉnh thành phía Nam đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ với yêu cầu “ai ở đâu, ở đó” khiến các mô hình sản xuất như trên gặp khó khi phải áp dụng “3 tại chỗ” kéo dài.
Vì vậy ngoài nỗ lực của DN, chính quyền địa phương, thì người lao động cần nâng cao “vùng xanh ý thức” để đảm bảo an toàn cho chính bản thân, gia đình và công ty họ làm việc.
Tương tự như TP HCM, các địa phương lân cận như Bình Dương, Long An, Tiền Giang... hiện cũng đang gặp khó khăn để duy trì “3 tại chỗ”. Thực tế dù kiểm soát chặt các DN bằng “3 tại chỗ” nhưng nhiều ổ dịch ở đây vẫn xuất hiện, với hàng trăm ca nhiễm.
Bởi việc người lao động ăn, ngủ trong môi trường chật hẹp rủi ro cũng tăng lên. Nếu cho phép các DN tự chủ, người lao động nâng cao ý thức để san sẻ áp lực chống dịch, đây sẽ là hướng đi mới giải quyết nhiều gánh nặng hiện nay.
Có thể nói, tình hình dịch Covid-19 ở các tỉnh phía Nam vẫn phức tạp nhưng áp lực đời sống an sinh, hoạt động của DN cũng vô cùng cần thiết. Bởi vậy, việc tạo mô hình sản xuất an toàn, đáp ứng được nhu cầu của DN, người lao động để giảm áp lực an sinh cũng là cách góp phần chống dịch hiện nay.