Doanh nghiệp lữ hành, vận tải du lịch chật vật trong 'bão' Covid-19

Minh Lộc 02/06/2021 09:01

"Khó khăn chồng chất khi dịch bùng phát", đó là lời than chung của lãnh đạo các doanh nghiệp lữ hành, công ty vận tải hành khách, hướng dẫn viên du lịch.

Chán nản và bế tắc

Dịch Covid-19 khiến ngành du lịch bị thiệt hại nặng nề nhất. Nhiều hướng dẫn viên du lịch thất nghiệp hơn một năm nay phải xoay xở đủ nghề: từ bán hàng online, bán bất động sản cho đến quay sang làm nghề shipper (nhân viên giao hàng) để trang trải cuộc sống. Còn lãnh đạo các doanh nghiệp vận tải du lịch, doanh nghiệp lữ hành thì chơi vơi bên bờ vực phá sản.

Anh Đặng Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Cổ phần du lịch Tân Thế Giới (New World Travel) than: “Đợt Covid-19 lần thứ 4 này các Doanh nghiệp lữ hành chúng tôi không biết phải nói gì hơn ngoài hai từ chán nản.

Khó khăn chồng chất khi dịch bùng phát dù trong tâm trí luôn vẫn sẵn sàng chuẩn bị cho các kịch bản Covid, tuy nhiên khi nó đến thì cảm giác vẫn ko thể tốt hơn các lần trước được. Đặc biệt, đợt dịch lần này nhằm đúng những ngày bắt đầu vào dịp cao điểm hè nên các tour bị ảnh hưởng rất nhiều, càng làm cho sự chán nản lại tăng cao”…

Công ty Cổ phần du lịch Tân Thế Giới (New World Travel) dẫn tour du lịch khi dịch chưa bùng phát.

Theo anh Tùng, mỗi doanh nghiệp đều có mỗi hoàn cảnh khác nhau, nhưng cơ bản những khó khăn mà doanh nghiệp lữ hành nào cũng gặp phải hiện nay đó là 2 vấn đề về tài chính và nhân sự.

Covid lần 1, lần 2, lần 3 giờ là lần 4 làm kiệt quệ tài chính của các doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp nhỏ cho tới doanh nghiệp lớn). Và để tồn tại, Doanh nghiệp tất nhiên sẽ phải tính toán bài toán thu hẹp lại các chi phí, trong đó có nhân sự.

Khi tài chính cạn kiệt, nhân sự thu hẹp, thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ yếu dần đi… Và nếu cứ kéo dài mãi như thế này, thì cái gì đến cũng sẽ phải đến.

Anh Tùng chia sẻ, dịch hoành hành gần 2 năm nay, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống CBNV ngành du lịch. Doanh thu không có, Công ty chỉ có thể chi trả một phần chi phí nhỏ cho CBNV.

Công ty buộc phải cắt giảm nhân sự, văn phòng đóng cửa, CBNV làm việc online. Cơ bản vẫn là rà soát lại các công việc cũ, tiếp tục chăm sóc/ tương tác với khách hàng, sắp xếp lại kế hoạch cho công việc mới chờ khi Covid-19 được kiểm soát.

Tương tự, 20 năm bước chân vào nghề vận tải, nhưng chưa bao giờ, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty lữ hành Thiên Thảo Nguyên (chuyên cho thuê xe du lịch) và hãng xe Inter Bus Lines (chuyên đưa đón du lịch tuyến Hà Nội - Sa Pa) Nguyễn Thanh Tùng rơi vào sự bế tắc như đợt này.

Anh Tùng, với hàng trăm xe biểu tượng con báo đen đã từng chở hàng triệu du khách đến các điểm du lịch khắp dải đất hình chữ S, thậm chí còn sang nước bạn Lào.

Bãi xe rộng hàng ha công ty thuê lại ở Linh Đàm trước đây mùa du lịch hè này vắng bóng xe bởi liên tiếp các tour đặt hàng. Nhưng nay, ở đây hàng trăm con xe đắp chiếu, phơi mưa nắng.

“Giờ tiền bến bãi hàng ngày cũng là gánh nặng với doanh nghiệp, bởi 2 năm nay hết đợt dịch này đến đợt khác khiến ngành vận tải du lịch tê liệt hoàn toàn” - anh Tùng nói sau tiếng thở dài.

Anh Tùng cho biết, đợt bùng phát dịch mấy lần trước công ty còn có quỹ công đoàn và hỗ trợ rủi ro thiên tai dịch bệnh để hỗ trợ CBNV, nhưng đến lần thứ 4 này thì cạn kiệt.

“Thương anh em công ty đồng hành cùng mình hàng chục năm trời. Nhưng nay mình cũng hết lực nên phải cho nhiều người nghỉ việc không lương bởi hết lực rồi” - anh Tùng trải lòng.

Chật vật mưu sinh trong mùa dịch là hoàn cảnh của hướng dẫn viên Hoàng Thị Hoa (27 tuổi, Hà Nội), trước làm hướng dẫn viên du lịch cho một công ty lữ hành lớn ở Hà Nội. Công việc của Hoa trước được cho là sang chảnh khi thường xuyên dẫn tour inbound, outbound và cả khách nội địa. Kể từ thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, Hoa nghỉ việc không lương.

“Trước đây, cứ đến mùa hè thì khách nội còn đông hơn khách ngoại. Bản thân mình chạy tour suốt tháng, thu nhập mấy tháng hè có khi bằng các tháng còn lại của năm. Trước mình còn có tiền thuê chung cư cao cấp, giờ phải chuyển ra ngoài thuê phòng trọ thường để tiết kiệm chi phí” - Hoa than.

Theo Hoa, năm 2020, khi Covid-19 bùng phát đợt đầu tiên, dù lo lắng nhưng Hoa vẫn lạc quan. Nhưng đến lần thứ 4 này, Hoa không còn lạc quan để chờ đợi nữa nên đang tìm kiếm công việc khác để mưu sinh.

Chờ đợi phép màu

Theo anh Đặng Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Cổ phần du lịch Tân Thế Giới (New World Travel) hiện nay công ty vẫn chờ đợi các nguồn lực từ Chính phủ, vẫn rất mong muốn các cơ quan chức năng hỗ trợ nhất là chính sách về tài chính cho doanh nghiệp, có tiếng nói tốt hơn nữa với các Hãng hàng không, Khách sạn… để doanh nghiệp lữ hành bớt đi những thiệt hại đang phải gánh chịu.

“Chúng tôi vẫn hoàn toàn tin tưởng rằng sắp tới chỉ cần Covid-19 được kiểm soát, thì ngành du lịch sẽ được phục hồi nhanh chóng, vì nhu cầu du lịch của người dân là rất cao, đặc biệt vào các mùa hè cao điểm hàng năm. Các cơ sở hạ tầng, hàng không, vận chuyển… dù đã trải qua 4 lần Covid, nhưng tôi tin rằng lúc nào họ cũng vẫn luôn mong mỏi, sẵn sàng chào đón và phục vụ du khách” - anh Tùng nói.

Những chiếc xe du lịch 'xì tin' từ Hà Nội lên Sa Pa.

Còn theo Chủ tịch hội đồng quản trị của Công ty lữ hành Thiên Thảo Nguyên, thời gian để ngành du lịch có thể phục hồi phụ thuộc vào diễn biến tiếp theo của dịch bệnh. Việc có vaccine sẽ giúp cho mọi người có tâm lý an toàn, thoải mái hơn, dự báo việc cấm vận của các nước cũng sẽ được nới lỏng.

Tuy nhiên, để du lịch có thể phục hồi một cách mạnh mẽ, chắc chắn phải mất từ 1 - 2 năm. Trong khoảng thời gian này, ngành vận tải du lịch vẫn tiếp tục phải tìm cách để trụ vững để chờ cơ hội hồi sinh trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát.

Theo Tổng cục Du lịch (Bộ VHTT&DL), trong năm 2021, du lịch quốc tế chắc chắn chưa thể sớm trở lại, vì dịch vẫn chưa được kiểm soát trên toàn cầu. Dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới, khoảng cuối quý III, IV năm nay, du lịch mới có thể khởi sắc hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp lữ hành, vận tải du lịch chật vật trong 'bão' Covid-19

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO