TS Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển DN cho rằng, vấn đề thị trường đầu ra với các DN là vô cùng quan trọng, nhưng hiện cả thị trường trong nước và xuất khẩu đều gặp khó do nguồn cầu giảm. Khó khăn nữa là về nguồn tài chính. Bên cạnh đó, một số thủ tục hành chính chưa thực sự thông thoáng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
PV: Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng DN hiện nay vừa “đói” vốn vừa “đói” cả đơn hàng. Dù ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất, tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn nhưng bản thân DN không mặn mà, bởi không biết sẽ sử dụng vốn vay vào đâu cho hiệu quả.Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Mạc Quốc Anh: Hiệp hội đã nhận được phản ánh của các DN. Họ cho biết gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất khẩu đều giảm sút. Bên cạnh đó, DN tiếp cận vốn tín dụng rất khó, lãi suất ngân hàng vay để phục vụ sản xuất còn cao và thủ tục vay phức tạp. Chúng tôi đã tiến hành khảo sát trên 10.000 hội viên DN nhỏ và vừa. Kết quả cho thấy, 40% khó khăn của DN là về tiếp cận vốn, 30% gặp khó về thị trường, 20% gặp khó khi thực hiện thủ tục hành chính, 10% còn lại là các khó khăn khác.
Vấn đề thị trường đầu ra với các DN là vô cùng quan trọng, nhưng hiện cả thị trường trong nước và xuất khẩu đều gặp khó do nguồn cầu giảm. Khó khăn nữa là về nguồn tài chính. Bên cạnh đó, một số thủ tục hành chính chưa thực sự thông thoáng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN như việc thực hiện những thủ tục hỗ trợ từ phía cơ quan nhà nước về ưu đãi lãi suất, thủ tục cấp giấy chứng nhận, thủ tục đầu tư… Đây là những tổng hòa khó khăn và đều ảnh hưởng đến sự phát triển của DN.
Thời gian gần đây nhiều chính sách hỗ trợ liên quan đến thuế phí, chỉ đạo hạ lãi suát đã được đưa ra. Ông đánh giá như thế nào về các hỗ trợ này?
- Đúng vậy, thời gian gần đây Chính phủ và Quốc hội cũng đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng để hỗ trợ người dân và DN phát triển bền vững, phát triển kinh tế xanh hài hòa, phù hợp với xu thế hội nhập. Tuy nhiên, theo tôi, khâu thực thi rất quan trọng, cần sự vào cuộc của các cấp, ngành. Đây là việc làm rất sát với đời sống DN. Hiện chúng ta đã ban hành nhiều quy chuẩn, áp dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa nền hành chính nhưng khâu kiểm tra, giám sát, đánh giá còn tương đối hạn chế, nên còn một số thủ tục còn gây khó khăn cho người dân, DN. Chúng ta cần thay đổi sang nền hành chính phục vụ và hỗ trợ DN.
Với những khó khăn từ thị trường xuất khẩu, ông khuyến nghị với các DN ứng phó ra sao?
- Theo dự báo, từ quý 3/2023 sẽ là thời điểm vô cùng quan trọng khi mà nhiều chính sách, cơ chế, các nghị định, thông tư của Chính phủ, Quốc hội, rồi các bộ, ban, ngành đã được ban hành sẽ đi vào thực thi, đặc biệt là vấn đề về tài chính, tài khóa, vấn đề về giảm các chi phí, giảm lãi vay của các hệ thống ngân hàng… Do đó, từ những hỗ trợ của cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp phải chủ động tiếp cận và thụ hưởng chính sách. Các DN phải hoàn thiện cơ cấu tổ chức để thích ứng với điều kiện hội nhập, tăng cường nâng cao trình độ chuyên môn nguồn nhân lực, nâng cao nhận thức về vai trò của chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Những vấn đề này đều quan trọng để DN giao thương trong nước và quốc tế. Nhưng với thị trường thế giới, các DN phải hết sức chủ động, cần hình thành, xây dựng bộ phận marketing có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm điều tra và dự báo thị trường, trên cơ sở đó giúp chủ DN hoạch định chiến lược kinh doanh một cách có hiệu quả. Ngoài ra, các hiệp hội ngành nghề cũng đóng vai trò rất quan trọng, giúp các DN xây dựng phương hướng liên kết, liên doanh và hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cũng như hỗ trợ đào tạo DN từ nguồn nhân lực, đến các kỹ năng trong marketing, xuất nhập khẩu…
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo dự báo, từ quý 3/2023 sẽ là thời điểm vô cùng quan trọng khi mà nhiều chính sách, cơ chế, các nghị định, thông tư của Chính phủ, Quốc hội, rồi các bộ, ban, ngành đã được ban hành sẽ đi vào thực thi, đặc biệt là vấn đề về tài chính, tài khóa, vấn đề về giảm các chi phí, giảm lãi vay của các hệ thống ngân hàng…