Doanh nghiệp nhà nước: Đổi mới để hội nhập - Bài 1: Gỡ nút thắt

Việt Thắng 22/06/2017 09:00

LTS: Ban chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Nhấn mạnh DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng với DN thuộc các thành phần kinh tế khác theo quy định của pháp luật. Báo Đại Đoàn Kết khởi đăng loạt bài lấy ý kiến chuyên gia phân tích những vấn đề của DNNN trên đường hội nhập.

Ông Bùi Đức Thụ.

Đặt vấn đề làm sao để nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của khối DNNN; để khối này làm tốt vai trò dẫn dắt phát triển các DN thuộc thành phần kinh tế khác- ông Bùi Đức Thụ, Phó ban Công tác đại biểu của UBTV Quốc hội đã chỉ ra 2 nút thắt lớn cần tháo gỡ.

Hiệu quả thấp

Theo ông Bùi Đức Thụ, để DNNN thực sự phát triển trong thời gian tới, theo đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước về việc xây dựng, phát triển kinh tế nhà nước trở thành nhiệm vụ trọng yếu, định hướng sự phát triển của nền kinh tế. Một vấn đề quan trọng của kinh tế nhà nước là phải củng cố phát huy vai trò của DNNN.

Nhưng trên thực tế, trong những năm vừa qua hoạt động của DNNN còn hết sức hạn chế, biểu hiện ở sức cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp so với nhiều thành phần kinh tế khác, đặc biệt so với các thành phần kinh tế tư nhân, cổ phần có vốn đầu tư nước ngoài thì hiệu quả của DNNN còn thấp, biểu hiện ở tỷ suất lợi nhuận/vốn thấp. Hơn lúc nào hết vấn đề đặt ra là cần phải đổi mới sắp xếp lại DNNN, tái cơ cấu lại DNNN.

Trong việc tái cơ cấu sắp xếp lại DNNN có nhiều hình thức như cổ phần hóa, giao khoán cho thuê, kể cả sáp nhập giải thể đối với DN kém hiệu quả.

“Tôi cho rằng tiến trình sắp xếp đổi mới DN nói chung, DNNN nói riêng trong thời gian qua là chậm so với kế hoạch mà Nghị quyết Quốc hội khóa trước đã đặt ra. Để dẫn đến nhiều DN có vốn đầu tư lớn khó khăn về mặt tài chính thua lỗ nặng nề như vừa qua Quốc hội đã có ý kiến và Chính phủ đang chỉ đạo xử lý đối với 12 dự án trọng điểm lớn vốn hơn 10 ngàn tỷ nhưng việc bảo toàn vốn hiện cũng đang gặp khó khăn. Do vậy cần sớm có giải pháp xử lý, làm lành mạnh hóa môi trường kinh doanh, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư sản xuất kinh doanh”- ông Thụ nhìn nhận.

Đưa ra giải pháp, ông Thụ cho rằng: Việc sắp xếp, đổi mới DN là vấn đề bức thiết. Ngoài yếu tố về mặt tổ chức, lựa chọn mô hình DN phù hợp thì cần “lột xác” 2 việc. Việc thứ nhất lột xác cho được năng lực quản lý, quản trị điều hành của DN, thứ hai phải tạo thành đột phá về mặt công nghệ. Cho nên việc đổi mới quản lý điều hành DN, ứng dụng khoa học công nghệ là hai nhiệm vụ cấp bách sau khi tổ chức lại.

Cải cách hành chính, tạo lập môi trường lành mạnh

Đứng ở góc độ hiệu quả, hoạt động của DNNN hiện tại có nhiều chỉ số thấp, nhưng không chỉ DNNN mà nền kinh tế Việt Nam nói chung đang có sức cạnh tranh thấp. Biểu hiện ở việc năng suất lao động thấp chỉ bằng 3,8% so với Singapore, bằng 1/3 so với Malaysia, 40% so với Thái Lan, 53% Philippinnes.

Theo ông Thụ, trong điều kiện hội nhập mở cửa ngày càng nhiều, cuối năm 2016 chúng ta đã xuất khẩu đi 174-175 tỷ USD; nhập khẩu 173-174 tỷ USD. Kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều là hơn 360 tỷ USD bằng 1,6-1,7 lần GDP. Cho nên hội nhập sâu rộng có thể khai thác thế mạnh, lợi thế Việt Nam nhưng cũng phải đối đầu với những khó khăn trong việc quản lý điều hành kinh tế vĩ mô.

“Muốn làm được thì Nhà nước phải đổi mới các cơ quan chính quyền, phải đổi mới lột xác thực sự là Nhà nước của dân do dân vì dân, Nhà nước kiến tạo phục vụ, là “bà đỡ” cho các tổ chức kinh tế, trong đó có DNNN phát triển ổn định. Cho nên cải cách hành chính, tạo lập môi trường lành mạnh đang là vấn đề lớn để cho DN phát triển và thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư vào” - ông Thụ nhấn mạnh.

Hoạt động của các DN, kể cả DNNN đứng ở góc độ bộ phận là có kế hoạch nhưng ở nền kinh tế quy hoạch đó không phù hợp với cơ cấu của thị trường. Biểu hiện rõ nhất là dưa hấu, hay một loạt các nông sản phẩm, gần đây là thịt lợn “cung đã vượt cầu” và dẫn đến giá chìm xuống gây đổ vỡ, khó khăn cho người sản xuất.

Từ đó ông Thụ lưu ý: “Hoạt động kinh tế phải tuân thủ theo quy luật thị trường, là một DNNN sử dụng vốn Nhà nước; là “quả đấm thép” của nền kinh tế giữ vai trò rất quan trọng thì hơn lúc nào hết phải triệt để đổi mới. Để từ đó phân bổ các nguồn lực, đảm bảo cho cung tương đối ăn khớp với thị trường và tổ chức thị trường. Phân phối các nguồn lực kể cả hàng hóa giữa thị trường trong và ngoài nước để đảm bảo cho sản xuất, tiêu thụ một cách nhanh, và tái sản xuất diễn ra nhanh, hiệu quả được nâng lên”.

Bài 2: Chặn thất thoát trong cổ phần hóa

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp nhà nước: Đổi mới để hội nhập - Bài 1: Gỡ nút thắt