Trong đại dịch Covid-19, rất nhiều doanh nghiệp ngành hàng nông sản thực phẩm rơi vào khủng hoảng. Nhưng thực tế cũng có không ít doanh nghiệp, hợp tác xã đã biến khó khăn thành cơ hội để phát triển bền vững.
Chưa linh hoạt với diễn biến thị trường
Ông Trần Văn Cử, Giám đốc Công ty Dịch vụ thủy sản Hải Tuấn (Phú Quốc, Kiên Giang) cho biết hoạt động của các doanh nghiệp (DN) nước mắm của công ty gặp nhiều khó khăn trong các đợt dịch Covid-19 vừa qua, nhất là khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy, hàng hóa sản xuất ra không giao được cho khách hàng. Trong khi đó, nguyên vật liệu, bao bì không về được nhà máy do việc “ngăn sông, cấm chợ”, giấy đi đường, giấy phép… hoặc do nhà cung cấp, đối tác bị phong tỏa, ngừng sản xuất.
Thống kê của Hiệp hội Nước mắm tỉnh Kiên Giang, từ đầu năm nay, doanh thu của các DN nước mắm truyền thống tại Phú Quốc đã sụt giảm từ 30 - 50%. Đặc biệt, khi dịch bùng mạnh từ đầu tháng 7/2021 và kéo dài cho đến nay, có những hộ sản xuất nước mắm truyền thống chỉ cung cấp nguyên liệu là chính, không có thành phẩm phân phối ra thị trường, không có doanh thu. Lý do là bởi các chợ truyền thống bị đóng cửa và nhiều siêu thị bị phong tỏa.
Với các DN cung cấp nguyên liệu cũng gặp khó vì khách hàng ngừng hoạt động do không đáp ứng được các quy định “3 tại chỗ” hoặc chính doanh số của khách hàng cũng bị giảm nên không nhập hàng. Đó cũng là khó khăn chung của các DN sản xuất nước mắm truyền thống trên cả nước. Vấn đề đặt ra là thời gian tới, liệu DN có đủ sức thích nghi với hoàn cảnh mới, biến chuyển trước nguy nan của đại dịch thành cơ hội để thâm nhập thị trường tốt hơn?
Nhiều ý kiến cho rằng, để biến “nguy” thành “cơ”, các DN trong lĩnh vực này nên linh động biện pháp ứng phó, cũng như đẩy mạnh áp dụng số hóa hoạt động đánh bắt, sản xuất, kinh doanh trong ngành nước mắm.
Theo bà Trần Thị Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam, các DN làm nước mắm truyền thống còn yếu và thiếu trong việc chuyển đổi số, nên thời gian tới rất cần cải thiện nhiều về việc này.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thái Sửu, Giám đốc Công ty Thủy sản Thái Sơn (Bình Thuận) cho biết, trong dịch Covid-19 công ty tìm cách thích ứng với cơ chế của các địa phương để đưa hàng hóa lưu thông. Tuy nhiên, việc ứng dụng số hóa của nước mắm Thái Sơn hiện đang chậm so với các DN khác, có làm nhưng rất khiêm tốn và vẫn làm thủ công nhiều.
Thích nghi với hoàn cảnh mới
Hợp tác xã (HTX) thanh long sạch Hòa Lệ ở huyên Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) mới đây đã tự tìm các phương thức tiêu thụ trái thanh long tươi trong bối cảnh việc xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, giá bán thấp. Theo đó, HTX vừa cho ra 2 dòng sản phẩm kem tươi thanh long trắng và kem tươi thanh long đỏ sau 5 tháng liên kết với chuyên gia làm kem tươi ở TP HCM.
Theo chia sẻ của ông Đỗ Thanh Hiệp - Giám đốc HTX thanh long sạch Hòa Lệ, có hơn 60% thịt trái thanh long ruột đỏ hoặc trắng được thu hái từ vùng trồng GlobalGAP của HTX được dùng làm nguyên liệu chế biến sản phẩm kem tươi mới này. Giá bán 2 dòng sản phẩm kem tươi thanh long trắng và đỏ cũng vừa túi tiền của người tiêu dùng.
Cách thích ứng của HTX rất đáng khích lệ khi quyết tâm đầu tư vào khâu chế biến. Tỉnh Bình Thuận hiện có hơn 30.000 ha đất trồng thanh long, cho ra khoảng 60.000 tấn trái mỗi năm. Để đầu ra được bền vững cần có thêm nhiều HTX, DN trong ngành hàng nông sản thực phẩm đầu tư vào chế biến sâu. Bởi thực tế ở tỉnh Bình Thuận, đa số các HTX, DN trong ngành hàng nông sản thực phẩm đều có quy mô nhỏ, công suất còn thấp, công nghệ chế biến chưa hiện đại nên hiệu quả kinh tế đem lại vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Cho nên, để cho nguy nan của trái thanh long trong thời điểm này biến chuyển thành cơ hội đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn nữa từ các DN, HTX.
Sức chống chịu khiêm tốn của các DN nước mắm truyền thống cũng tương tự các DN, hợp tác xã trong ngành hàng nông sản thực phẩm giữa dịch bệnh. Do vậy, việc biến “nguy” thành “cơ” đối với các DN, HTX là cả thách thức lớn khi đang chịu cảnh vô cùng khó khăn. Điều này càng đòi hỏi các DN, HTX trong ngành hàng nông sản thực phẩm linh hoạt hơn nữa trong các giải pháp, hoạt động sản xuất kinh doanh để thích nghi với hoàn cảnh mới, và cũng để giúp cho việc tiêu thụ nông sản được khơi thông tốt hơn.