Năm 2019, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ có hiệu lực. Trước những cơ hội và thách thức từ việc tham gia hiệp định, nhiều doanh nghiệp Quảng Ninh đã nỗ lực tạo dựng thương hiệu, vươn ra biển lớn.
Các hộ trồng cam ở Vạn Yên (Vân Đồn) đã liên kết, thành lập HTX Nông trang Vạn Yên để xây dựng thương hiệu Cam Vạn Yên.
Trong khi mặt hàng gặp thách thức nhiều nhất là nông sản thì các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này của Quảng Ninh vẫn còn nhiều hạn chế. Theo đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp ở Quảng Ninh còn nhỏ lẻ, ứng dụng kỹ thuật công nghệ trong sản xuất còn hạn chế, thiếu sự liên kết, chưa xây dựng được thương hiệu và hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. Các quy định về bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng là một khó khăn, thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp.
Để khắc phục những yếu kém nói trên, nhiều doanh nghiệp, HTX đã tổ chức lại hoạt động, liên kết và xây dựng thương hiệu mang tính cạnh tranh. Điển hình như HTX Nông trang Vạn Yên (Vân Đồn), anh Trần Văn Hậu, Giám đốc HTX cho biết: Trước đây Vạn Yên có nhiều hộ trồng cam riêng lẻ, hình thức này khiến chúng tôi không đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Vì thế, chúng tôi đã liên kết, thành lập HTX. Từ khoảng 10ha, đến nay HTX đã mở rộng diện tích trồng cam lên 50ha. Bản thân HTX cũng tích cực nâng cao năng lực và triển khai ứng dụng khoa học công nghệ để tạo ra sản phẩm có thể cạnh tranh được trên thị trường.
Mô hình trồng nấm của Công ty TNHH Long Hải.
Hay như Công ty TNHH Long Hải (TX Đông Triều) đã chú trọng xây dựng các sản phẩm nấm mang thương hiệu Nấm Việt. Các sản phẩm nấm ăn cao cấp của công ty đã đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, đăng ký mã số, mã vạch và đăng ký bản quyền tại Bộ KH&CN để khẳng định chất lượng sản phẩm, xuất xứ hàng hoá trên thị trường. Sản phẩm nấm kim châm của công ty đã được Bộ NN&PTNT trao Cúp vàng nông nghiệp tại hội chợ AgroViet. Các sản phẩm nấm ăn của công ty đã chiếm lĩnh thị trường lớn trên toàn quốc... Hiện công ty đang tiếp thu khoa học công nghệ tiên tiến của nước ngoài vào sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường để tiêu thụ sản phẩm trong thời kỳ hội nhập kinh tế hiện nay.
Ở lĩnh vực công nghiệp, nhiều doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn như trang thiết bị máy móc lạc hậu, trình độ quản trị còn yếu kém. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp đã khắc phục khó khăn, xây dựng được thương hiệu và phát triển sản phẩm. Công ty CP Gốm Đất Việt với nguồn đất sét nổi tiếng ở Quảng Ninh đã mạnh dạn xây dựng dây chuyền thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến của châu Âu. Nhờ đó, sản phẩm của Gốm Đất Việt đã hiện diện khắp 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và được xuất khẩu tới hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới...
Dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng đây cũng được xem là sự chuẩn bị để vươn ra biển lớn của những HTX, doanh nghiệp Quảng Ninh.
Công ty TNHH Đầu tư Hoàng Anh hỗ trợ người dân tư vấn xây dựng và quản trị thương hiệu.
Chị Lê Thị Thêm, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Hoàng Anh chia sẻ: Để tạo dựng uy tín cũng như thị trường ổn định trong khối các nước thành viên tham gia CPTPP, doanh nghiệp Quảng Ninh cần chủ động xây dựng hoàn thiện và đồng bộ thương hiệu mang tầm quốc gia và quốc tế, phát triển thương hiệu cho hàng hóa, sản phẩm, đặc biệt là nhóm các sản phẩm nông nghiệp mà Quảng Ninh có thế mạnh như nông, lâm, thủy sản. Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa nhằm giới thiệu và minh bạch thông tin sản xuất, khẳng định chất lượng sản phẩm với thị trường và người tiêu dùng.
Sản phẩm Gốm Đất Việt đã hiện diện khắp 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và được xuất khẩu tới hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. (Trong ảnh: Sản xuất gạch tại Công ty CP gốm Đất Việt).
Theo ý kiến của các chuyên gia, để hội nhập và phát triển, các doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy kinh doanh; đầu tư công nghệ, khoa học kỹ thuật, quy hoạch các vùng sản xuất quy mô lớn nhằm nâng cao chất lượng, đáp ứng đủ số lượng hàng hóa xuất khẩu. Đặc biệt, xây dựng chuỗi liên kết giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; tăng cường tham gia hội chợ trong nước cũng như trong khu vực để giao lưu, giới thiệu, quảng bá hình ảnh Quảng Ninh cũng như sản phẩm của tỉnh đến thị trường các nước thành viên CPTPP. Chủ động tìm hiểu thông tin về CPTPP để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác, đặc biệt là các thông tin về ưu đãi thuế quan theo hiệp định đối với những mặt hàng Việt Nam đang có thế mạnh, có tiềm năng xuất khẩu.