Nếu như hồi đầu tháng 3 năm nay, giá cước tàu một container hàng hóa chỉ khoảng 2.900 USD, thì nay đã tăng gấp đôi, có hãng tăng hơn 7.000 USD. Giá cước vận tải biển có xu hướng tăng nhanh và liên tục, thậm chí có thể thay đổi ngay trong ngày đã ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp có hàng hóa xuất nhập khẩu.
Doanh nghiệp khó chồng khó
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Group, từ cuối tháng 5 đến nay giá cước tàu vận chuyển đường biển liên tục biến động, tăng gấp 2 lần so với hồi quý I/2024. Đơn cử, hiện nay cước hàng đi từ TPHCM đến Mỹ loại container 40 feet đã tăng lên 7.000 USD, trong khi hồi đầu năm, giá cước chỉ neo ở mức hơn 3.000 USD. Giá cước tàu tăng tác động mạnh đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp (DN).
Còn Tổng Giám đốc Tập đoàn Phúc Sinh Phan Minh Thông – một đơn vị chuyên xuất khẩu cà phê, hồ tiêu và nhiều loại gia vị khác có thị trường tiêu thụ ở nhiều quốc gia như châu Âu, Mỹ, Trung Đông... cho biết, cước phí vận chuyển tăng đè thêm gánh nặng chi phí trên vai DN. Cụ thể chỉ trong vòng hai tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2024, cước vận tải biển từ cảng ở TPHCM đi Mỹ, châu Âu đã tăng tới 300%, từ 2.950 USD lên 7.350 USD đối với mỗi container loại 40 feet. Phúc Sinh bán hàng theo hình thức CIF (bên bán chịu chi phí vận chuyển). Cứ mỗi container, DN phải bù thêm 5.000 USD, có tháng xuất đi 100 container đồng nghĩa phải bù thêm 500.000 USD (gần 13 tỷ đồng).
Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, thời gian qua, giá dịch vụ vận tải container trên thế giới tăng 12%, trong đó giá dịch vụ từ châu Á đến châu Âu tăng từ 11-14% và từ châu Mỹ về châu Á không đổi. Riêng với các tuyến nội Á ổn định hơn, tăng nhẹ khoảng 5-10%.
Báo cáo cập nhật từ các công ty môi giới tàu biển, các chuyên trang nghiên cứu hàng hải thế giới cho thấy, giá cước vận tải container tuyến hàng hải quốc tế đã tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng hơn 110% so với thời điểm trước đại dịch Covid-19. Nhiều DN cảng dự báo thời gian tới, cùng với nguy cơ thiếu container rỗng, giá cước vận tải biển có thể tăng chạm ngưỡng thời điểm dịch Covid-19.
Mức giá container tăng vọt do các nguyên nhân như nguồn cung container bị hạn chế do thị trường bước vào mùa cao điểm và tình trạng thiếu container rỗng gia tăng.
Ông Phạm Quốc Long - Chủ tịch Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ hàng hải Việt Nam (Visaba) cho biết trước đây các hãng tàu báo giá cước container cho thời gian từ 15-30 ngày, nhưng hiện chỉ báo giá theo tuần. Giá cước có xu hướng tăng liên tục, thậm chí có thể thay đổi ngay trong ngày. Với những biến động của giá cước hiện nay, các DN bị ảnh hưởng nhiều nhất chủ yếu là DN nhỏ, lẻ, ký hợp đồng thuê tàu ngắn hạn.
“Còn với các DN lớn có chân hàng ổn định, các hãng tàu thường ký hợp đồng dài hạn từ 6 tháng đến 1 năm nên sẽ không chịu nhiều tác động của biến đổi giá cước. Vấn đề của Việt Nam là đa số DN nhỏ, ít DN lớn để có những đơn hàng lớn và ổn định” - ông Long nhìn nhận.
Nhằm tránh bị hãng tàu ngoại tăng giá cước vận tải, Chủ tịch Visaba góp ý các chủ hàng Việt Nam cần có sự liên kết, có thể gom hàng lại để thỏa thuận với hãng tàu nước ngoài đồng thời nỗ lực đàm phán với khách hàng, tránh bị động.
Tìm cách gỡ vướng
Trước những biến động của thị trường vận tải biển, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam làm việc với các DN cảng, hiệp hội, hãng tàu để tìm hiểu vấn đề và tìm giải pháp gỡ vướng.
Cục Hàng hải Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo các cảng vụ hàng hải, các chi cục hàng hải tăng cường giám sát giá dịch vụ tại cảng biển và phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển.
“Các đơn vị của ngành hàng hải phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội, các DN cảng biển, các DN vận tải biển, DN xuất nhập khẩu, các cơ quan chức năng có liên quan trong việc giám sát chặt chẽ tình hình tắc nghẽn tại các bến cảng, tình hình cung cấp vỏ container phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu, báo cáo định kỳ Cục Hàng hải Việt Nam để đưa ra các giải pháp kịp thời” - lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam nhấn mạnh.
Ngoài ra, Cục Hàng hải Việt Nam cũng đã chỉ đạo các cảng vụ hàng hải, các DN cảng biển đẩy mạnh tốc độ giải phóng hàng hóa tại cảng, giảm thủ tục hành chính tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tàu, thuyền hàng hóa thông qua cảng biển.
Về dài hạn, Cục Hàng hải Việt Nam tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan (hải quan) đẩy nhanh tiến độ giải phóng hàng hóa tồn đọng lâu ngày tại cảng biển, cũng như bổ sung các quy định về phân bổ nguồn kinh phí nạo vét tuyến luồng để tăng cường trách nhiệm của các cơ quan liên quan.
Cục Hàng hải đề nghị các hiệp hội ngành hàng nâng cao vai trò, tập hợp các DN thành viên cùng xây dựng kế hoạch sản xuất, kế hoạch vận tải, làm cơ sở ký kết hợp đồng dài hạn với hãng tàu, giảm thiểu tối đa tác động của giá cước nhất là trong giai đoạn thị trường có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay.