Ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến thương mại TP Hồ Chí Minh (ITPC) cho rằng, những năm gần đây ngành chế biến lương thực - thực phẩm của thành phố từng bước chuyển sang phát triển theo chiều sâu. Nhiều sản phẩm có chất lượng, thương hiệu uy tín chiếm lĩnh thị trường trong nước thay thế hàng nhập khẩu và đã xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.
Đã ổn định sản xuất
Ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 khiến các ngành nói chung và ngành lương thực - thực phẩm khó khăn cả đầu ra lẫn đầu vào. Cụ thể chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nhiều đơn hàng bị hủy hoặc nhà sản xuất chuyển sang đặt hàng các quốc gia khác, nguyên liệu đầu vào tăng từ 20 - 25%. Thế nhưng, doanh nghiệp (DN) trong ngành thực phẩm nỗ lực vượt khó ngoạn mục.
Bà Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Công ty Sài Gòn Food cho hay, mặc dù ảnh hưởng khá lớn từ đại dịch nhưng DN đã cố gắng gồng tốt. Sản xuất đã đi vào ổn định hơn. Hiện đơn vị đang chuẩn bị mộ lượng lớn sản phẩm nhằm cung ứng cho thị trường cuối năm.
Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Kỹ nghệ súc sản Việt Nam (Vissan) cho rằng, dịch bệnh tạo nên những khó khăn chồng chất cho cộng đồng DN. Trong đó, tất cả chi phí đầu vào sản xuất đều tăng như: chi phí xăng dầu, chi phí vận chuyển, chi phí đứt gãy chuỗi cung ứng thế giới. Tuy nhiên, sản phẩm đầu ra không thể tăng tương ứng so với chi phí đầu vào. DN cố gắng chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Sau ngày 1/10, sản xuất của đơn vị đã phục hồi 100%, đồng thời tăng thêm 300 lao động để chuẩn bị chu đáo hàng hóa Tết cho thị trường.
Chia sẻ những cố gắng của DN trong ngành, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP HCM (FFA) nói: “Cộng đồng DN rất phấn khởi và tự tin bước vào khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh với quyết định “sống chung, thích ứng an toàn với Covid-19”.
Đánh giá về thực tế thích ứng của DN ngành lương thực, thực phẩm trên địa bàn TP HCM, theo bà Chi, hiện tất cả đã trở lại sản xuất an toàn, đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống dịch với 80 - 100% công suất. Thậm chí, thời điểm này các DN còn tăng công suất, tăng ca để tăng lượng hàng hóa, ổn định giá cả, đảm bảo cung cấp hàng hóa đầy đủ, nhất là chuẩn bị dự trữ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
“Hầu hết các DN đều được tạo điều kiện duy trì hoạt động sản xuất trong thời điểm giãn cách khắt khe nhất. Vì vậy, khi tái sản xuất trở lại, tình trạng thiếu hụt lao động trong các doanh nghiệp lương thực, thực phẩm không nghiêm trọng như các lĩnh vực khác” - bà Chi nói.
Tiếp tục khắc phục khó khăn
Đánh giá cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của ngành lương thực - thực phẩm TP HCM, ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc phụ trách ITPC nhận định, trong những năm gần đây ngành chế biến lương thực - thực phẩm của thành phố đã từng bước chuyển sang phát triển theo chiều sâu.
Sản phẩm đã được sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Nhiều sản phẩm có chất lượng, thương hiệu uy tín chiếm lĩnh thị trường trong nước thay thế hàng nhập khẩu và đã xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.
Dựa trên kết quả thực tế, đại diện ITPC cho rằng, ngành lương thực - thực phẩm là một trong bốn ngành trọng điểm của thành phố. Ngành này chiếm 13,78% giá trị sản xuất và đóng góp 13,69% giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp của thành phố. Hiện nay phần lớn DN sản xuất lương thực, thực phẩm có thương hiệu, uy tín của Việt Nam đều chủ yếu tập trung tại TP HCM. Đáng nói, số lượng DN kinh doanh trong lĩnh vực này cũng tăng trưởng khá nhanh, bình quân 13,7%/năm trong 5 năm qua.
Mặc dù nỗ lực “vượt bão” Covid-19, song Chủ tịch FFA nhận định, trong thời gian tới các DN, nhất là DN vừa và nhỏ vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là nguồn vốn sản xuất.
Bà Lý Kim Chi khẳng định, sau các đợt dịch Covid-19 vừa qua, hầu hết DN đều hụt nguồn vốn tái sản xuất, DN ngành lương thực, thực phẩm không ngoại lệ. Nguồn vốn dự trữ của các DN trước đó đã phải trưng dụng cho các chi phí phát sinh trong thời gian duy trì sản xuất, đảm bảo các mặt hàng thực phẩm thiết yếu cho TP HCM trong thời điểm giãn cách nên rất cần vay ngân hàng.
Theo bà Chi, hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 14, cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc, lãi của khoản nợ, miễn giảm lãi, phí. Tuy nhiên, thực tế tỷ lệ DN tiếp cận gói hỗ trợ về vốn, tín dụng còn thấp. Rào cản lớn nhất để DN tiếp cận vốn vay là không đủ điều kiện về tài sản thế chấp theo tiêu chuẩn tín dụng bình thường của ngân hàng để vay vốn trong thời điểm thị trường, sản xuất khó khăn hiện nay.
Dù ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của thành phố vẫn đạt được mức tăng trưởng dương. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đến tháng 10/2021 ước đạt 109,05 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2020 (92,5 tỷ USD). Kết quả này có những đóng góp không nhỏ của ngành lương thực, thực phẩm khi đóng góp gần 13,8% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp của thành phố.