Doanh nghiệp thủy sản: Gặp khó vì thủ tục

Minh Phương 17/01/2020 05:40

Theo các DN ngành Thủy sản, dù nhà quản lý đã thực hiện cắt giảm giấy phép con, thủ tục hành chính, song, trên thực tế vẫn còn nhiều gánh nặng chi phí, thậm chí nhiều thủ tục không được gỡ bỏ mà còn gây thêm khó khăn cho DN. Trước những bất cập này, mới đây, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (Vasep) đã có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có những giải pháp tháo gỡ các vướng mắc…

Doanh nghiệp thủy sản: Gặp khó vì thủ tục

Vẫn còn nhiều gánh nặng chi phí gây khó khăn cho DN xuất khẩu thủy sản.

Quy định chưa có khái niệm rõ ràng

Ngày 7/1/2020 vừa qua, Vasep đã gửi công văn tới Bộ NNPTNT báo cáo về một số vướng mắc, bất cập liên quan đến cắt giảm chi phí cho DN thủy sản trong lĩnh vực thuộc quản lý của Bộ. Tại công văn này, Vasep đề nghị Bộ NNPTNT quan tâm, chỉ đạo để sớm xem xét, giải quyết các vướng mắc, bất cập, nhằm dỡ bỏ các gánh nặng về chi phí (thời gian, tiền bạc) cũng như ách tắc trong thủ tục hành chính cho cộng đồng DN thủy sản, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN xuất khẩu và vị thế của thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Liên quan đến quy định ưu đãi thuế Thu nhập doanh nghiệp đối với DN chế biến thủy sản, Vasep cho hay, theo phản ánh của các DN hội viên, thời gian qua, nhiều DN bị các Cơ quan thuế áp mức thuế suất cho hàng thủy sản là sơ chế với mức thuế 20% trong khi các mặt hàng đầu ra của các DN này đa số là các sản phẩm đã qua chế biến, được phép áp dụng mức thuế suất Thu nhập doanh nghiệp là 15% .

Mặc dù Tổng cục Thuế đã có những giải đáp, trả lời về chính sách thuế Thu nhập doanh nghiệp, song thực tế chưa có cơ sở vững chắc để khẳng định: thế nào là sơ chế, và thế nào là chế biến, chưa giải thích được sản phẩm như thế nào sẽ được coi là “sản phẩm khác với nguyên liệu đầu vào”. Trong khi đó, hiện nay hoạt động chế biến của DN thủy sản gồm 3 dạng: Chế biến từ sản phẩm tươi sống để xuất khẩu, chế biến từ sản phẩm tươi sống thành sản phẩm chín, chế biến từ nguyên liệu có pha trộn gia vị phụ liệu để ra hàng giá trị gia tăng. Nhưng khi thanh tra, kiểm tra các DN chế biến thủy sản, các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra thu nhập của DN thuộc hoạt động chế biến hay hoạt động sơ chế, và với cả 3 dạng chế biến trên, cơ quan thuế đều không công nhận là sản phẩm “chế biến” mà chỉ là ‘sơ chế”, từ đây khiến tỷ lệ phải nộp thuế của các DN thủy sản đều là 20% - Điều này không đúng với bản chất chế biến của ngành.

Thông tư bộc lộ nhiều lỗ hổng gây khó DN

Không chỉ gặp rào cản trong thuế Thu nhập doanh nghiệp, các DN thủy sản còn đang gặp phải vướng mắc trong thực hiện quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản. Theo phản ảnh của nhiều DN xuất khẩu thủy sản, họ đang bị phát sinh nhiều chi phí do bất cập trong quy định của Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT (TT26) và Thông tư 36/2018/TT-BNNPTNT. Cụ thể, Thông tư chưa có áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, phân luồng ưu tiên trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với thủy sản và sản phẩm thủy sản nhập khẩu. Trong khi đó, các Nghị quyết số 19 và Nghị quyết số 02 của Chính phủ đều yêu cầu việc kiểm tra chuyên ngành phải theo nguyên tắc quản lý rủi ro. Thêm nữa, Thông tư cũng không áp dụng nguyên tắc công nhận lẫn nhau giữa các quốc gia: các lô hàng nhập khẩu có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm của cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu cấp nhưng không được công nhận và vẫn phải chịu sự kiểm tra của Cơ quan thú y khi nhập hàng.

Ngoài ra cũng chưa có hướng dẫn về cách thức kiểm tra cảm quan hàng hóa: không qui định cách thực hiện việc kiểm tra điều kiện bảo quản, quy cách bao gói, ghi nhãn, ngoại quan, cảm quan của từng loại sản phẩm (đông lạnh, ướp lạnh, khô....) mà chỉ qui định một cách chung chung như “nghi ngờ” hoặc phát hiện hàng hóa “không đảm bảo” yêu cầu vệ sinh thú y để tiến hành lấy mẫu kiểm tra các chỉ tiêu vệ sinh thú y, không có tiêu chí cụ thể làm căn cứ để kết luận “Đạt” và “Không đạt” khi kiểm cảm quan. Điều này dễ dẫn đến kết luận của kiểm tra viên không chính xác, phát sinh tiêu cực và chi phí cho các DN…

Bên cạnh đó, các chi phí đi lại, tiếp kiểm tra viên cùng nhiều chi phí khác... cũng rất cao mà DN cũng phải trả và đưa vào chi phí cấu thành nên giá thành sản phẩm. Tất cả những bất cập nói trên đang trở thành rào cản gây khó khăn cho các DN xuất khẩu thủy sản. Chính bởi vậy, theo Vasep, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm tháo gỡ những rào cản này để tạo điều kiện cho các DN xuất khẩu “nhẹ gánh” chi phí, từ đó giúp hạ giá thành sản phẩm, nâng sức cạnh tranh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp thủy sản: Gặp khó vì thủ tục