Doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội trong khó khăn

H.Hương-M.Sang 12/09/2023 06:31

Theo ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Vinatex, ngành dệt may vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt đơn hàng và chi phí đầu vào tăng cao. Các thị trường xuất khẩu chính vẫn chưa phục hồi trong khi đó cạnh tranh gay gắt vẫn diễn ra ở thị trường nội địa...

Doanh nghiệp thép nỗ lực tìm các đơn hàng mới.

Tuy tín hiệu tích cực của hoạt động sản xuất kinh doanh đã xuất hiện, nhưng cộng đồng doanh nghiệp (DN) vẫn đối diện với không ít khó khăn. Chịu ảnh hưởng nhiều nhất là các ngành xuất khẩu, như dệt may, da giày, chế biến gỗ, sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử...

Dẫu vậy, ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho rằng, không nên quá bi quan. Để lấy lại tăng trưởng xuất khẩu cho ngành hàng, trong đó có sản phẩm gỗ, cần sự hỗ trợ của Bộ Công thương, các thương vụ nhằm tiếp thị sản phẩm gỗ của Việt Nam tìm kiếm thị trường, truyền tải thông điệp Việt Nam thực hiện mạnh mẽ cam kết cung cấp sản phẩm gỗ hợp pháp; chuẩn bị thực hiện nghiêm chỉnh quy định của EU.

PGS.TS Nguyễn Văn Nam - Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng những khó khăn hiện nay hoàn toàn do bối cảnh khách quan từ tình hình kinh tế thế giới. Vì vậy, các DN Việt Nam cần nỗ lực tận dụng những cơ hội và ưu đãi về thuế quan, quy tắc xuất xứ… để gia tăng hàm lượng và giá trị xuất khẩu, đồng thời tăng cường liên kết, liên doanh.

Cũng theo ông Nam, các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại nhiều thuận lợi nhưng cần có những chương trình xúc tiến thương mại thì những ưu đãi, hỗ trợ mới đi vào thực tế và DN mới tìm kiếm được đối tác, bạn hàng. Với số lượng lên tới 98% DN quy mô nhỏ và vừa, việc tự thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại còn rất nhiều khó khăn, thậm chí là không đủ điều kiện và kinh phí để thực hiện. Vì thế, các cơ quan quản lý với vai trò chủ chốt là Bộ Công thương, các tham tán thương mại tại nước ngoài cần chủ trì, tổ chức các đoàn công tác, đưa các DN đi khảo sát thị trường, thực hiện hội chợ, giao lưu, kết nối thương mại… theo nhóm thị trường hoặc nhóm sản phẩm.

Ngoài ra, các chương trình hỗ trợ cần tập trung cho các DN nhỏ và vừa, DN xuất khẩu mặt hàng chủ lực… để đạt được hiệu quả và sát thực tế. Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền về FTA, cơ chế ưu đãi và hướng tận dụng FTA cũng rất quan trọng bởi vẫn còn không ít DN, hoặc các DN mới thành lập chưa hiểu rõ cơ chế trong FTA. Những hoạt động hỗ trợ này cần được thực hiện với trách nhiệm cao, tránh hình thức vì mục tiêu chung là sự phát triển của DN và gia tăng kim ngạch xuất khẩu quốc gia.

Những năm qua, DN Việt Nam có xu hướng mở rộng và đẩy mạnh tại thị trường ASEAN. Đây là một cơ hội rất tốt bởi thị trường này có nhiều ưu đãi, thuận tiện trong vận chuyển hàng hóa. Ngoài ra, một số quốc gia như Ấn Độ, Australia… cũng đang được chú ý.

Trong khi đó, theo khuyến nghị của các chuyên gia, Việt Nam đang phụ thuộc chủ yếu vào một số thị trường xuất khẩu lớn, nên khi các quốc gia này rơi vào giai đoạn khủng hoảng thì hoạt động xuất khẩu sẽ bị gián đoạn, bởi vậy cần mở rộng giao thương với các thị trường trong các FTA đã ký kết. Thay vì chỉ tập trung sâu một số thị trường lớn, các DN cần khai thác cơ hội từ các FTA để mở rộng thị trường tiêu thụ sang các nước thành viên khác.

Mặt khác, các nhà sản xuất Việt Nam đang gặp nhiều thách thức khi sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi năng lượng xanh - sạch từ thị trường nhập khẩu. Do đó, các chuyên gia đã nhấn mạnh yêu cầu, cần rà soát và ban hành tiêu chuẩn khung pháp lý về sản xuất xanh cho các DN Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, từ nay đến cuối năm dù đã có tín hiệu tích cực nhưng dự báo kinh tế thế giới còn nhiều diễn biến khó lường, khó đoán định, lạm phát vẫn ở mức cao khiến chuỗi cung ứng đứt gãy, giá cả nguyên liệu đầu vào vẫn ở mức cao. Vì thế, sẽ tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm chi phí cho DN xuất khẩu có động lực duy trì sản xuất, kinh doanh, có nguồn vốn sản xuất các đơn hàng mới. Cùng đó, tiếp tục phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, đưa ra những cảnh báo sớm về các biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là các thị trường có lượng hàng xuất khẩu lớn một cách kịp thời, rõ ràng.

Thông tin từ Bộ Công thương, xuất khẩu 8 tháng năm 2023 đã có đà tăng trở lại. Trong tháng 8, xuất khẩu tăng 7,7% so với tháng 7, nhập khẩu tăng 5,7%; xuất siêu gần 3,82 tỷ USD. Tính chung 8 tháng, xuất khẩu đạt 227,7 tỷ USD, nhập khẩu đạt 207,5 tỷ USD. Đáng chú ý, tháng 8 là tháng thứ 4 liên tiếp xuất khẩu tăng trưởng, tháng sau cao hơn tháng trước dù trải qua quý I/2023 tương đối ảm đạm. Nhờ đó, xuất siêu 8 tháng 2023 đạt gần 20,2 tỷ USD, giúp cân bằng cán cân thương mại và lành mạnh nguồn cung ngoại tệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội trong khó khăn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO