Thời gian qua, những sai phạm trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã khiến niềm tin nhà đầu tư giảm sút. Điều này khiến khối lượng TPDN phát hành mới sụt giảm, khối lượng mua lại trước hạn tăng mạnh.
Thống kê từ Bộ Tài chính cho biết, tính đến ngày 25/11/2022 khối lượng phát hành TPDN có xu hướng giảm, đọng 331,8 nghìn tỷ, và giảm 31,6% so với cùng kỳ 2021, đặc biệt là giảm dần qua các quý. Trong khi đó có hiện tượng DN phát hành hoặc là nhà đầu tư đề nghị mua lại trái phiếu trước hạn. Đến ngày 25/11/2022, khối lượng mua lại trước hạn của các DN là 161 nghìn tỷ đồng và bằng 114% của khối lượng mua lại năm 2021.
Ông Nguyễn Đức Chi - Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng cho rằng, niềm tin của thị trường giảm sút ảnh hưởng rất lớn đến thị trường TPDN. Các DN phát hành đang gặp khó khăn về thanh khoản, về dòng tiền, về tín dụng. Thị trường bất động sản khó khăn do đó các DN bất động sản phát hành trái phiếu cũng khó khăn.
Số liệu từ Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho thấy, khối lượng đáo hạn TPDN tập trung nhiều vào năm 2023-2024 với số tiền ước tính lên tới 790.000 tỷ đồng, chiếm gần một nửa khối lượng trái phiếu đang lưu hành và tập trung nhiều ở nhóm DN bất động sản. Áp lực thanh toán sắp tới hạn, trong khi việc phát hành trái phiếu mới không thu hút được nhà đầu tư, có thể khiến cả hệ thống tài chính gặp rủi ro thanh khoản, tạo ra các hệ lụy tiêu cực cho hoạt động của DN mọi ngành và tổng thể nền kinh tế.
Luật sư Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến nhà đầu ra gặp nhiều rủi ro khi đầu tư trái phiếu là đầu tư theo tin đồn, đồng thời do thông tin thiếu minh bạch.
Trong khi đó, ông Mã Thanh Danh - Chủ tịch CTCP Tư vấn quốc tế (CIB) cho rằng, áp lực trái phiếu đáo hạn một phần có nguyên nhân từ các công ty chứng khoán và ngân hàng. Các tổ chức này, để bán được trái phiếu, họ hứa với nhà đầu tư sẽ mua lại trong 3-6 năm sau khi phát hành. Đến khi trái chủ yêu cầu mua lại thì họ không mua hoặc không đủ năng lực mua.
Để giúp DN giải tỏa áp lực trái phiếu đáo hạn, ông Danh cho rằng trước hết phải tính toán khả năng từ nội tại chính DN. Nếu không đủ tiền, DN có thể đi vay thêm hoặc thế chấp một phần trái phiếu với lãi suất cao hơn để vay tiền mua lại phần còn lại. Trong trường hợp kinh doanh ổn định, DN có thể thương lượng trực tiếp với trái chủ để họ chờ đến hạn.
Còn nếu trái chủ nhất quyết yêu cầu mua lại, DN có thể thương lượng để trái chủ chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu. Vẫn theo ông Danh, riêng với DN tài chính không đủ mạnh hoặc kinh doanh kém khả quan thì cần chuẩn bị một kế hoạch tái cấu trúc rõ ràng để thương lượng với trái chủ. Nếu không được, DN buộc phải bán các tài sản mình đang có để thanh toán với các trái chủ. Đó có thể là đất đai, thương hiệu, hệ thống phân phối…
Ngoài ra, DN cũng có thể tìm giải pháp từ bên ngoài thị trường. Thị trường chứng khoán đang phục hồi là cơ hội để DN có thể tính toán phương án huy động vốn qua thị trường này để thanh toán trái phiếu. Thậm chí họ có thể bán bớt cổ phiếu quỹ để thu tiền về.
Cuối cùng, ông Danh cho rằng, DN cần tính đến phương án tham gia thị trường mua bán nợ. Đồng thời, nếu có một thị trường trái phiếu thứ cấp hoạt động bài bản, thì các trái chủ khi cần bán lại sẽ giao dịch trực tiếp trên thị trường này, giảm bớt áp lực cho DN.
Khối lượng đáo hạn TPDN tập trung nhiều vào năm 2023-2024 với số tiền ước tính lên tới 790.000 tỷ đồng, chiếm gần một nửa khối lượng trái phiếu đang lưu hành và tập trung nhiều ở nhóm DN bất động sản.