Kinh tế tư nhân thực chất là kinh tế của người dân. Dân giàu thì nước mạnh. Nhưng làm sao để kinh tế tư nhân phát triển? Rất cần những chính sách đột phá, trong đó doanh nghiệp hiện nay mong muốn, cần cải thiện hơn nữa môi trường thực tế, tạo điều kiện thông thoáng cho các DN hoạt động, không gây phiền nhiễu, đơn giản thủ tục hành chính thì họ mới có niềm tin và quyết tâm cao hơn.
Kinh tế tư nhân từ người dân mà ra là kinh tế của nhân dân. (Ảnh: TL).
PGS.TS Nguyễn Trọng Điều - Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam cho rằng, phát triển kinh tế tư nhân đã được Đảng quan tâm ngay từ Đại hội VI, năm 1986. Tiếp theo đó, ở tất cả các kỳ Đại hội, Đảng đều nhấn mạnh và từng bước làm rõ hơn nội hàm về phát triển kinh tế tư nhân. Điều này đã được khẳng định gần đây nhất tại Đại hội XII của Đảng: “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế”.
Năm 2017 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, chúng ta chứng kiến sự quyết tâm mạnh mẽ từ Đảng, Quốc hội và Chính phủ với những quyết sách đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững tập trung vào 4 mũi đột phá chiến lược như: phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế-xã hội; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất hiệu quả và sức cạnh tranh; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ.
“Quốc hội đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP với mức 6,7% đi liền với ổn định kinh tế vĩ mô bảo đảm an sinh xã hội. Chính phủ đang chuyển mạnh sang xây dựng Chính phủ kiến tạo. Giới doanh nhân tin tưởng chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân, phục vụ DN không chỉ dừng lại ở Chính phủ mà sẽ là chủ trương xuyên suốt, là kim chỉ nam hành động của các cơ quan ban ngành từ Trung ương đến địa phương”- ông Điều bày tỏ.
Nhấn mạnh đây là thời điểm hành động, nói đi đôi với làm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để DN, người dân tham gia kinh doanh hợp pháp, đóng góp cho sự phát triển của đất nước, vì một mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh, ông Điều cho rằng doanh nhân Việt Nam cần nhanh chóng học hỏi, nâng cao trình độ, tuân thủ mọi chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước, kinh doanh bền vững gắn trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, tuân thủ liêm chính để sẵn sàng hội nhập và vẻ vang sánh vai với giới doanh nhân ở các nước phát triển khắp năm châu trong thời gian tới”.
Ông Nguyễn Bá Nho- Giám đốc Công ty Dược Sóc Sơn cho rằng: Từ khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lên điều hành đã cho thấy quyết sách của người đứng đầu Chính phủ trong điều hành khi quyết định như không hình sự hóa các quan hệ dân sự, vụ án kinh tế. Đây là luồng gió mới làm cho kinh tế tư nhân phát triển thoải mái và tự do hơn, cởi trói và làm cho khối DN tư nhân tự tin nhiều, không còn lo sợ như trước đây, đã mạnh dạn kinh doanh mạnh dạn sản xuất và đầu tư hơn trước.
“Doanh nghiệp tư nhân như chúng tôi chịu tác động trực tiếp từ những cái nhỏ nhưng rất thiết thực như thuế, tài chính, công an và các cấp chính quyền địa phương nhiều khi đến “thăm hỏi” nhiều dẫn đến chi phí tốn kém, mất rất nhiều thời gian. Đó là những cái còn nặng nề ở địa phương.Còn trên Trung ương rất mừng khi rất thông thoáng, cởi mở nhưng ở dưới địa phương chuyển biến chưa nhiều. Cho nên cần cải thiện hơn nữa môi trường thực tế, những ngành cơ quan chức năng liên quan đến doanh nghiệp như thế, tài chính, công an, chính quyền cơ sở phải cố gắng giúp đỡ tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động tự do, không làm phiền nhiều”- ông Nho bày tỏ.
Theo ông Nho, hiện DN tư nhân có nhiều khó khăn chung như nhiều thông tin không minh bạch, rõ ràng đã làm làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của DN. Dẫn chứng việc trong sản xuất dược liệu chỉ có sai sót nhỏ của một vài cá nhân DN nhỏ trong sử dụng dược liệu để mốc, hay còn có diêm sinh trong dược liệu, nhưng lại đưa thông tin chung chung, không chỉ rõ DN nào như vậy đã làm ảnh hưởng đến DN tư nhân chân chính cho nên bị ảnh hưởng, ông Nho cho rằng, nếu như Đảng, Nhà nước khơi dậy được cởi trói tháo gỡ, khó khăn của kinh tế tư nhân thì nền kinh tế sẽ phát triển mạnh mẽ là khu vực thu hút nguồn nhân lực lớn, tạo được nhiều việc làm, cải thiện đời sống của người dân.
TS. Nguyễn Đức Thọ- Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc An Tín Group mong muốn khơi thông hơn nữa dòng chảy chính sách, tạo môi trường về vốn, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực để kinh tế tư nhân xứng đáng là một trong những động lực lớn của phát triển nền kinh tế đất nước. Qua đó chuyển dịch mạnh mẽ kinh tế hộ gia đình. Hiện nay chúng ta có hơn 2,5 triệu hộ kinh doanh cá thể nhưng chuyển dịch thành DN cổ phần, DN tư nhân từ đó sẽ có động lực gia tăng về thuế và phát triển nền kinh tế.
Ông Thọ cũng cho rằng, muốn kinh tế tư nhân phát triển lớn thì phải phát triển khởi nghiệp ở mọi nhà, đặc biệt khuyến khích hộ gia đình để họ chuyển đổi thành DN tư nhân qua đó các thể chế chính sách gần gũi hơn giúp cho DN tư nhân phát triển như chính sách vay vốn, đồng thời chính sách cho thuê đất cơ sở vật chất, hạ tầng để làm ăn yên tâm, đạt kết quả cao. Kinh tế tư nhân phải là nơi dẫn dắt sự phát triển vì kinh tế tư nhân từ người dân mà ra là kinh tế của nhân dân, khi họ phát triển sẽ tạo ra thêm việc làm và đóng góp cho sự phát triển cho đất nước đặc biệt khi sức ép hội nhập WTO rất lớn. “Chúng ta phải cùng nhau đoàn kết. Các DN trong nước, DN nhà nước, kinh doanh hộ cá thể phải liên minh với nhau thông qua các hiệp hội ngành nghề để có sức mạnh tổng thể”- ông Thọ bày tỏ.
Đề cập đến việc một số DN không muốn lớn, ông Thọ cho rằng trước hết là vì “thuyền to sóng lớn”, nhiều DN chưa đủ ý chí và niềm tin. Thứ hai là chính sách chưa tác động đến họ, chưa khơi thông tinh thần khởi nghiệp. Khi họ có tinh thần ý chí sẽ vượt qua sóng gió. “Đồng thời thủ tục hành chính cần cải thiện hơn, nộp thuế nhanh chóng hơn, chính sách tác động đến DN thông thoáng thì họ mới có niềm tin và quyết tâm cao hơn để lớn” - ông Thọ mong muốn.