Thời gian vừa qua, việc ban hành các đạo luật quan trọng đã tạo đòn bẩy cho doanh nghiệp phát triển. Trong đó có thể kể đến Luật Doanh nghiệp năm 1999, Luật Đầu tư năm 2005. Tuy nhiên, vẫn còn những chồng chéo, bất cập trong các văn bản pháp luật. Điều đó như là rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp (DN).
Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, hệ thống pháp luật về kinh doanh còn nhiều thủ tục, điều kiện quy định tại một số văn bản pháp luật đang không thống nhất, gây cản trở cho DN.
Cùng đó, nhiều DN cũng cho rằng những nỗ lực gỡ khó cho DN đã có nhưng chưa đủ; “ma trận” thủ tục vẫn tiếp tục “hành” DN.
Theo bà Phạm Thị Bích Huệ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cảng quốc tế Long An thì Luật Đầu tư mặc dù chủ trương đổi mới sáng tạo đang được các cấp, các ngành đặc biệt chú trọng, nhưng Luật vẫn chưa đo lường được lĩnh vực này. Trong đó các tiêu chí, yêu cầu về kinh nghiệm áp dụng chung cho DN xây dựng và DN đổi mới sáng tạo lại chưa phù hợp. Bà Huệ cũng cho rằng, đối với Luật Đất đai, hiện nhiều địa phương đang có cách áp dụng không thống nhất trong việc đóng tiền thuê đất, dẫn đến khó khăn cho DN khi triển khai các dự án đầu tư. DN được lựa chọn đóng luôn một lần 50 năm, hoặc đóng hằng năm. Nhưng thực tế có địa phương yêu cầu đóng một lần 50 năm; có những địa phương yêu cầu phải đóng hàng năm.
Bà Huệ cho rằng, cách áp dụng khác nhau như vậy tại các địa phương đã tạo ra nhiều khó khăn cho DN khi đầu tư.
Lâu nay, nhiều người vẫn nói “đồng hành cùng DN”, có không ít địa phương còn “trải thảm đỏ” đón DN, nhưng trên thực tế vẫn còn không ít rào cản từ các cấp chính quyền, nhất là vấn đề thủ tục. Ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cho rằng, rất cần có sự bàn bạc thống nhất giữa DN và địa phương để không “đẻ” ra những yêu cầu khi DN đã đầu tư và trong cả quá trình hoạt động. Cùng đó, các cơ quan soạn thảo dự án luật cần lấy quan điểm hỗ trợ đồng hành với doanh nhân, DN là chính, các quy định pháp luật cần sử dụng các từ ngữ dễ hiểu, không nên để các bên lợi dụng, bóp méo làm nảy sinh giấy phép con.
Về vấn đề này, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, trong nhiều trường hợp một dự án đầu tư hay một DN hoạt động phải chịu sự điều chỉnh của “ma trận” hệ thống pháp luật khác nhau. Do đó, các dự án cứ “chạy vòng vòng” và DN phải mất rất nhiều công sức để làm thủ tục.
“Chỉ cần một trục trặc trong “ma trận” văn bản này, thì một dự án có thể bị bế tắc, dừng lại” - ông Tuấn nói và cho rằng cần có chương trình rà soát tổng thể, toàn diện quy định pháp luật liên quan đến thủ tục hành chính, phí mà DN phải nộp… Đồng thời, cần sửa đổi các quy định phù hợp với bối cảnh mới hiện nay.
Tại một cuộc làm việc với VCCI, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, Ủy ban vừa được giao nhiệm vụ xây dựng đề án luật, pháp lệnh năm 2021-2026 với 8 định hướng lớn trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh… Đối với một số kiến nghị của VCCI trong việc rà soát lại những quy định đang là rào cản gây cản trở kinh doanh, thì ngày 5/10 vừa qua, Quốc hội đã trình đề xuất 1 luật sửa 10 luật, trong đó có sửa đổi nhiều luật quan trọng như: Luật Điện lực, Luật Hải quan, Luật Nhà ở…
“Trong thời gian tới, VCCI nói riêng và cộng đồng DN, Hiệp hội DN nói chung phải tiếp tục tham gia đồng hành cùng với các cơ quan Chính phủ và Quốc hội, để có tiếng nói từ thực tiễn cuộc sống từ hoạt động của DN. Từ đó, đóng góp ý kiến của mình vào quá trình xây dựng, soạn thảo luật, cũng như thông qua Luật ở Quốc hội để Luật được ban hành sát với thực tiễn cuộc sống, đi vào cuộc sống giải quyết được những vấn đề khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ sự phát triển của cộng đồng DN” - ông Tùng khẳng định.
Để cắt giảm thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh, ngày 14/10, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 7417 gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý. Bên cạnh đó, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.