Vốn - khó khăn lớn nhất luôn đeo bám doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cộng đồng DN băn khoăn, DN không biết hội nhập như thế nào, cạnh tranh ra sao khi bản thân DN vẫn quằn mình trong cơn “khát” vốn.
DN vừa và nhỏ mong muốn tiếp cận nguồn vốn ngân hàng thuận lợi
Theo Ngân hàng Nhà nước, 3 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng cả nước tăng 1,25%. Tại TP.HCM, dư nợ tín dụng của các ngân hàng thương mạo tăng 1,1%. Bên cạnh đó, NHNN không ngừng điều hành lãi suất có lợi cho hoạt động sản xuất và kinh doanh. Cụ thể, lãi suất trong thời điểm hiện nay thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn 2005-2006 và giai đoạn 2010-2012. Tính đến cuối tháng 3,lãi suất cho vay đối với VNĐ dành cho các lĩnh vực ưu tiên ở mức 7% đối với kỳ hạn ngắn, trung hạn dao động 9-10%; lãi suất cho vay sản xuất - kinh doanh thông thường ở mức 7 - 9%/năm, 9,5 - 11% với lãi suất trung hạn.
Tuy nhiên, mặc dù kinh tế đã ổn định, sản xuất chuyển biến tốt, lãi suất ở mức dễ chịu, ngân hàng chủ động tìm kiếm DN nhưng DN vẫn khát vốn. Ông Nguyễn Trí Kiên, Giám đốc Cty may túi xách Minh Tiến từng phàn nàn, DN chỉ có thể tiếp cận được nguồn vốn ngắn hạn. Còn vốn trung và dài hạn (chỉ dành cho đầu tư nhà xưởng và một số hạng mục khác) vừa khó vay, vừa lãi suất cao nên không tiếp cận nổi.
Còn ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Long Biên cho rằng vốn vẫn là bài toán nan giải của DN Việt Nam. Mặc dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ DN thông qua các gói tín dụng nhưng số DN tiếp cận được không nhiều. Khó trong vay vốn ngân hàng chủ yếu nằm ở khâu xét duyệt. Ngân hàng thường yêu cầu vài chỉ tiêu như: phương án kinh doanh loại tốt, DN không được vướng vào nợ xấu, không có hàng tồn… Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, đa phần DN đang bị nợ xấu. Chính vì thế mà vòng luẩn quẩn vẫn tái diễn. “Ngân hàng nên xem xét kỹ phương án sản xuất kinh doanh mới để cho vay, chứ không thể cứ vin vào nợ xấu mà “cửa đóng then cài” với DN. Nếu cứ áp dụng phương án xét duyệt cũ thì không thể thoát ra được vòng luẩn quẩn. Nghĩa là ngân hàng thừa tiền còn DN thì khát vốn- đại diện một DN phân trần.
Nhưng, nói như ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM thì DN cũng cần phải hiểu rõ, ngân hàng cũng chính là DN. Ngân hàng khắt khe với đồng tiền kinh doanh của họ nhằm bảo đảm hệ số an toàn. Điều cần làm ngay hiện nay, DN phải nỗ lực tạo nên một thương hiệu kinh doanh vững chắc, uy tín. Khi đó chắc chắn, DN và ngân hàng sẽ gặp nhau tại một điểm và vấn đề vốn.
Ông Nguyễn Mạnh Tuệ - Phó phòng Kế hoạch Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, thời gian qua, thành phố không ngững đẩy mạnh hỗ trợ vốn cho DN bằng nhiều phương án. Song phương án đạt hiệu quả tốt nhất chính là sự kết nối giữa ngân hàng và DN. Kết quả 3 năm thực hiện chương trình kết nối ngân hàng với DN có khoảng 120 ngàn tỷ được giải ngân. Riêng 6 tháng đầu năm 2015, tổng số vốn được giải ngân trên 50 ngàn tỷ đồng cho DN. Tuy nhiên, để nguồn vốn ngân hàng tới với DN tốt hơn, theo ông Tuệ cần thành lập quỹ hỗ trợ DN vừa và nhỏ.