Tại Hội nghị tổng kết công tác hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ vải thiều tỉnh Bắc Giang năm 2016, ngày 18/8, Giám đốc Sở Công thương Bắc Giang, Trần Quang Tấn, khẳng định: Năm 2016 giá trị sản xuất từ vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang đạt gần ba nghìn tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động dịch vụ phụ trợ đạt hơn hai nghìn tỷ đồng, nâng tổng doanh thu từ vải thiều và các hoạt động phụ trợ lên khoảng năm nghìn tỷ đồng.
Vải Bắc Giang nức tiếng thơm ngon.
Năm 2016 được đánh giá là năm vải thiều có giá bán cao nhất trong vòng 40 năm trở lại đây, sản lượng tuy giảm nhưng tiêu thụ thuận lợi, người trồng vải có doanh thu lớn. Với tổng diện tích là 30 nghìn ha, tổng sản lượng vải thiều đã thu hoạch, tiêu thụ trên 142 nghìn tấn, giá bán trung bình khoảng 21.000 đồng/kg (cao hơn 6.000 đồng/kg so năm 2015).
Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ vải năm nay cũng có sự thay đổi so với năm 2015, thị trường nội địa chiếm 50 % tổng sản lượng, chủ yếu là thị trường phía nam; thị trường xuất khẩu chiếm 50 %, chủ yếu là thị trường Trung Quốc. Đặc biệt, đối với các thị trường khó tính như: Mỹ, Australia, EU, Hàn Quốc… sản lượng xuất khẩu đã tăng lên đáng kể.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobaGAP còn thấp; phụ thuộc tính mùa vụ cao, thời gian thu hoạch ngắn; có sự chênh lệch lớn về chất lượng vải thiều giữa các huyện; chưa có giải pháp tối ưu trong bảo quản vải thiều sau thu hoạch trong thời gian dài; tình trạng ép giá, gian lận thương mại vẫn diễn ra;...
Để vải thiều phát triển ổn định và bền vững, thời gian tới, tỉnh Bắc Giang tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn người trồng vải trên địa bàn sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn hiện đại, an toàn, triển khai rộng rãi mô hình hợp tác xã sản xuất để nâng cao chất lượng giá trị thương hiệu.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Thành Nam đề nghị, năm 2017, tỉnh Bắc Giang cần quan tâm đẩy mạnh xuất khẩu vải thiều; đồng thời phải xây dựng mạng lưới, quy tụ doanh nghiệp, để doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ với người sản xuất; xây dựng chợ đầu mối nông sản để kéo doanh nghiệp về.