Dù trải qua hơn 350 năm, lại bị chiến tranh tàn phá nhưng ngôi đền làng Hiếu tại phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò (Nghệ An) vẫn giữ được nét cổ kính của mình. Thậm chí, tại ngôi đền này có một “nghĩa trang” chôn cất xương cốt cá voi (hay còn gọi Cá Ông). Đến nay, ngôi đền trở thành điểm đến linh thiêng không chỉ ngư dân nơi đây mà còn là nơi du khách thập phương đến thắp hương mỗi khi về với vùng đất Cửa Hội.
Lịch sử chép rằng, Cửa Hội là một trong những cửa lạch có nhiều thuyền trong và ngoài nước qua lại buôn bán, đánh bắt hải sản.
Theo thần tích kể lại, vào năm Nhâm Dần 1782, vùng đất Cửa Hội xuất hiện bệnh dịch tả hoành hành, các thầy lang trong vùng đều bó tay, bất lực trước bệnh dịch. Rất đông người dân vô tội đã chết, những người còn lại lập đàn kêu trời. Khi đó, bỗng có một vị thầy lang đi qua, cứu chữa cho nhân dân một cách thần kỳ.
Sau khi bệnh dịch được dập tắt, người này cũng biến mất không để lại danh tính. Tuy nhiên, nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của vị ân nhân này, nhân dân đã tôn ngài làm bản cảnh Thành Hoàng và dựng đền làng Hiếu để thờ phụng.
Ngoài ra, đền làng Hiếu còn bố trí để thờ các thần như Cao Sơn Cao Các, Đức Thánh Mẫu, Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn và Đức Phật. Đặc biệt, nơi đây có một "nghĩa trang" chôn cất gần 90 bộ xương cốt "thần ngư" (cá voi). Với văn hoá vùng sông nước Cửa Lò, truyền thuyết về đấng thần linh tối cao này luôn được các thế hệ con cháu tiếp nối truyền lại.
Đền làng Hiếu tại phường Nghi Hải, căn cứ vào sắc phong của vua Lê Hiến Tông, niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 44 (tức là năm 1784 dương lịch) thì đền làng Hiếu đã có cách đây hơn 350 năm, tức vào giữa thế kỷ thứ 17.
Ngoài sắc phong của vua Lê Hiến Tông nói trên, ngôi đền này còn có 5 sắc phong của nhiều vị vua khác. Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, đặc biệt ảnh hưởng nặng nề bởi 2 cuộc chiến tranh, các đền chùa, miếu mạo trên địa phận Nghi Hải không còn nữa.
Riêng đền làng Hiếu thì vẫn còn nhưng chỉ là nền đất cũ và 1 số hạng mục đã bị thời gian làm cho phai mờ, hư hỏng nhưng vẫn được cư dân nơi đây bảo quản, hương khói thờ phụng hàng năm.
Trong số nhiều ngôi mộ cá voi được chôn cất, lo hương khói tại đây, có một ngôi mộ đặc biệt hơn cả. Đây là phần mộ, lăng thờ thần cá. Tương truyền đây là “ông cá” đầu tiên được an táng tại đền từ thế kỷ 19. Trong lăng có đặt bệ thờ, chính giữa là bài vị thần ngư; phía sát mái có đề 3 chữ Hán “Lăng Thần Ngư”.
Được biết, lễ hội đền làng Hiếu được tổ chức 2 năm một lần vào 15/3 âm lịch. Đây cũng là một dịp để con cháu gần xa hướng về quê hương.
Lễ hội đền Làng Hiếu nhằm gìn giữ những giá trị lịch sử truyền thống dân tộc Việt và đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân địa phương, cũng như du khách gần xa, du xuân về miền sông nước Cửa Hội, Cửa Lò.
Tuy nhiên, 2 năm gần đây do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các lễ hội của người dân nơi đây phải tạm dừng.