Dân tộc Si La là một trong những dân tộc thiểu số rất ít người, cư trú chủ yếu ở miền núi phía Tây Bắc. Trong các nghi lễ truyền thống của người Si La, đám cưới là một trong những nghi lễ quan trọng nhất.
Bà con Si La sinh sống chủ yếu ở hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên. Tại Lai Châu, người Si La sống tập trung ở các bản Seo Hai, Sì Thâu Chải (huyện Mường Tè). Còn tại Điện Biên, người Si La sống tập trung tại bản Nậm Sin (huyện Mường Nhé). Đồng bào Si La đến nay vẫn bảo lưu, gìn giữ nhiều phong tục tập quán cổ truyền như thờ cúng tổ tiên, văn hóa mặc, hát dân ca, những quan niệm hạnh phúc, về hôn nhân và gia đình... Trong đó, lễ cưới được coi là sự hội tụ, kết tinh những nét văn hóa tiêu biểu của người Si La.
Theo những người cao tuổi tại bản Seo Hai, xã Can Hồ, huyện Mường Tè kể: Mùa cưới của người Si La thường được tổ chức vào tháng 11, 12 âm lịch. Đây là thời điểm nông nhàn, cũng là thời điểm sửa sang nhà cửa để chuẩn bị đón năm mới và dựng vợ, gả chồng cho con cái. Theo phong tục của người Si La, trai, gái từ 14 - 15 tuổi trở lên đã được coi là người lớn và bắt đầu quá trình tìm hiểu, xây dựng gia đình.
Trước đây, họ không có cơ hội để tìm bạn đời là người khác tộc và cũng không ai vượt qua được rào cản về mặt tâm lý để kết hôn với những thành viên thuộc dân tộc khác trên địa bàn lân cận. Do vậy, người Si La không tránh khỏi vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Ngày nay, đã có một số thanh niên nam nữ tìm hiểu và kết hôn với người khác dân tộc.
Theo phong tục, lễ cưới của người Si La gồm hai lần cưới. Lần thứ nhất, trước ngày cưới, gia đình nhà trai làm cơm mời ông (bà) mối là người già có uy tín trong bản về giúp đỡ gia đình. Trong lễ dạm hỏi, ông mối là người thay mặt cho gia đình nhà trai đến thưa chuyện, bàn bạc các công việc liên quan đến đám cưới với họ nhà gái như: Ngày đẹp để tổ chức lễ cưới, giờ đẹp để đón dâu, những lễ vật mà nhà gái yêu cầu nhà trai đáp ứng.
Sau lễ dạm ngõ một tuần là đến lễ ăn hỏi. Ông mối thay mặt nhà trai sang đặt vấn đề và xin cưới. Lúc đó, họ sẽ thống nhất ngày cưới cũng như số tiền dẫn cưới, sau đó ông mối về thông báo lại cho gia đình nhà trai biết để chuẩn bị cho lễ cưới.
Lễ cưới được diễn ra trong hai ngày, ngày thứ nhất như đã hẹn trước, chị hoặc em gái của chú rể sẽ đến nhà cô gái thật sớm ngỏ lời xin dâu. Ngày hôm sau, ngay từ sáng sớm, nhà chú rể đã nhộn nhịp người đến. Ông mối cũng có mặt giúp gia đình chú rể chuẩn bị lễ vật, thực hiện các nghi lễ theo phong tục truyền thống của dân tộc mình.
Đồ lễ chuẩn bị cho lễ cưới gồm 1 con gà, 2 bát gạo nếp, 2 quả trứng, 1 chai rượu, 1 bát nước, 1 cái cân tiểu li, 1 chiếc vòng cổ và 5 đồng bạc. Đến giờ đẹp đã định trước, từ sáng sớm (trước khi gà gáy), chị hoặc em gái của chú rể sẽ sang nhà gái xin dâu và được mẹ hoặc chị dâu của cô gái dắt tay cô gái ra cửa, trao cho các cô gái của gia đình nhà trai. Sau đó, em gái hoặc chị gái chú rể cùng bạn bè của cô dâu đến đưa cô dâu đi từ biệt xóm làng. Từ biệt xong, đoàn đưa cô dâu vào rừng để làm lễ nhập họ nhà trai.
Sáng tinh mơ, từ rừng trở về, mọi người đi thành hàng ngang, cô dâu đi giữa đến cửa nhà trai thì dừng lại. Lúc này, thầy cúng bảo chú rể và mẹ chú rể chuẩn bị lễ cúng gồm 1 con gà nướng, 1 quả trứng luộc, 1 gói xôi, 1 bát nước lã, 1 cái thìa để báo cáo với tổ tiên. Ông thầy cúng nói: “Hỡi tổ tiên, hôm nay ngày lành tháng tốt, gia đình ta chính thức nhận thêm một thành viên mới, từ nay sẽ là dâu của nhà mình, mong tổ tiên phù hộ và chứng giám”.
Khi về đến nhà trai, cô dâu và mọi người trong đoàn phải ngồi ngoài hiên chờ mẹ chồng lấy trang phục mới để cô dâu thay. Lúc này, trưởng tộc ngồi cạnh bếp thiêng ở trong nhà sẽ làm lễ báo tổ tiên, thông báo là gia đình có thêm thành viên mới. Sau đó, mẹ chú rể mang 1 vòng cổ, 1 vòng tay và 1 bộ váy áo mới ra cho cô dâu. Mẹ chú rể đeo vòng tay, vòng cổ cho cô dâu. Những người phụ nữ quây lại xung quanh cô dâu, che cho cô dâu mặc bộ áo mới, quấn tóc của phụ nữ có chồng và cuốn khăn lên đầu cho cô dâu ngay trước cửa nhà.
Sau khi cúng xong, trưởng tộc trao trứng gà luộc và xôi cho chú rể để thực hiện các thủ tục, nghi thức trước sự chứng kiến của tổ tiên và mọi người trong gia tộc. Chú rể từ trong nhà bước ra, tay cầm xôi, tay cầm trứng, tay phải chéo qua tay trái đưa ra chạm tay cô dâu. Cô dâu đứng ở ngoài cửa cũng bắt chéo hai tay trong lúc nhận. Lúc này, đôi vợ chồng trẻ phải cùng nhau ăn hết xôi và trứng ngay tại cửa trước sự chứng kiến của tổ tiên cùng mọi người trong họ. Theo người Si La, nghi thức này thể hiện sự chung thủy trong tình yêu của đôi vợ chồng trẻ trước sự chứng kiến của mọi người.
Trong nhà, mọi người tham dự lễ cưới ngồi xung quanh mâm. Thầy cúng làm lễ xác nhận cô gái đã chính thức làm dâu nhà chồng rồi thông báo với mọi người thủ tục đã xong, hai người đã chính thức thành vợ chồng. Thầy cúng vừa dứt lời, tất cả những người có mặt trong lễ cưới liền kéo tay cô dâu, chú rể ra khoảng sân rộng trước cửa nhà, cùng nhau hát và nhảy múa. Đối với người Si La, trong đám cưới không thể thiếu những bài hát chúc phúc và cả những điệu múa vui nhộn, điều này làm cho đám cưới không chỉ mang ý nghĩa mừng vui cho hai gia đình, cho đôi vợ chồng trẻ, mà còn thực sự là một nét sinh hoạt văn hóa mang tính chất cộng đồng.
Được biết, sau lễ cưới lần thứ nhất, họ phải chờ một năm sau mới làm lễ cưới lần thứ hai. Lễ cưới lần thứ hai diễn ra khi hai bên gia đình đã có đủ điều kiện tổ chức cho đôi vợ chồng trẻ. Lần này, đúng ngày hẹn, gia đình nhà trai nhờ ông mối đưa đồ dẫn cưới như đã thỏa thuận sang nhà gái và chính thức xin cho cô dâu về ở hẳn nhà trai.