Ngày 1/2 (nhằm ngày 11 tháng Giêng, âm lịch), Lễ hội cầu ngư làng Thai Dương Hạ (xã Hải Dương, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) diễn ra đã thu hút đông đảo người dân và du khách khắp nơi về tham dự.
Đã thành thông lệ, cứ tam niên đáo lệ (tức 3 năm 1 lần), người dân làng Thai Dương Hạ long trọng tổ chức lễ hội cầu ngư với nhiều hoạt động như phát khăn đỏ, nghinh Thần hoàng quanh làng, hát bộ,... Đúng ngày lễ chính diễn trò cầu ngư được tái hiện trước sân đình (gồm các tiết mục như chèo thuyền ra khơi, câu cá, bủa lưới, mua bán tôm cá,...).
Lễ hội cầu ngư được tổ chức để dân làng tưởng nhớ vị thành hoàng của làng là ông Trương Quý Công (biệt danh của Trương Thiều), người gốc Thanh Hoá có công dạy cho dân nghèo đánh cá và buôn bán ghe mành.
Năm nay, lễ hội cầu ngư ở làng Thai Dương Hạ diễn ra trong không khí vui tươi, thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham dự.
Ngay từ sáng sớm, tại không gian rộng lớn nhìn ra mặt nước phá Tam Giang, lễ hội đã được diễn ra với hoạt cảnh tái hiện sinh động các hoạt động ngư nghiệp, thể hiện ước mong một mùa vụ mới tôm cá đầy thuyền, ra khơi đánh bắt bình an.
Lễ hội được chia làm 2 phần gồm phần lễ và hội. Đối với phần lễ gồm Lễ Cung nghinh ngài Thần hoàng và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ như múa lân, biểu diễn ca Huế; lễ Cầu an, tất cả các chủ thuyền mặc áo dài đen, quần trắng, đầu chít khăn đỏ chỉnh tề lần lượt vào làm lễ.
Trước lúc vào lễ chánh tế, các bô lão trong làng thắp hương cầu khấn đất trời phù hộ cho con em làng chài sức khỏe, ra khơi gặp sóng yên, bể lặng; Lễ Chánh Tế: Một bài văn tế dâng lên các vị thần linh và tiền bối của làng, cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, con em làng chài sức khỏe, đánh bắt được mùa, dân làng no ấm, mọi người hạnh phúc.
Về phần hội gồm nhiều trò diễn hài hước, phóng khoáng tái hiện toàn bộ của sống của người dân địa phương. Tại sân đình, người dân diễn trò bủa lưới, trò quệ, bủa lưới nậu lưới…
Lễ hội cầu ngư là dịp để nhớ đến công ơn những bậc tiền nhân khai canh của làng, cầu cho năm mới mưa thuận gió hòa, mọi người sức khỏe để chuẩn bị cho mùa vụ sắp đến. Đây còn là dịp để những người con xa quê được chiêm ngưỡng nét văn hóa truyền thống và nhớ về nguồn cội tổ tiên.