Yêu bếp không chỉ là yêu những món ăn ngon, cùng nhau chia sẻ công thức nấu ăn, một số người còn “chế biến” ra những món ăn siêu nhỏ nhưng luôn giữ được độ tươi và trường tồn với thời gian.
Thế giới đồ ăn tí hon từ đất sét
Nếu theo dõi một số nhóm của những người yêu thích nấu ăn, ắt hẳn bạn sẽ biết đến những món ăn tí hon của chị Nguyễn Thị Như Quỳnh, 33 tuổi, hiện sống tại quận Long Biên, Hà Nội. Các món ăn được tạo ra chỉ từ một loại nguyên liệu vô cùng đặc biệt đó chính là đất sét.
Như Quỳnh có một tình yêu “to đùng” với căn bếp nhỏ và thế giới đồ ăn tí hon. Mô hình các món ăn siêu nhỏ như xôi xoài, cơm trộn, pizza hay các loại bánh được cô bắt tay vào làm từ khoảng 10 năm trước. Các mô hình lần lượt ra đời với một lý do đơn giản là vì Như Quỳnh rất đam mê những vật dụng được mô phỏng với kích thước tí hon. Cô đã được thổi nguồn cảm hứng mạnh mẽ qua những bài báo viết về kẹo mút tí hon được làm từ đất sét và bắt tay vào “chế biến” những món ăn đặc biệt của mình.
Theo chị Như Quỳnh, mô hình đồ ăn tí hon được phổ biến ở khá nhiều nước. Dù ở Việt Nam, ngành nghề này chưa được phổ biến như ở Thái hay Nhật nhưng hiện nay, cũng có khá nhiều bạn trẻ đang theo đuổi bộ môn này và phát triển theo những mô hình chuyên nghiệp. Từ làm nhà mô hình thu nhỏ 1/12, bên trong là những chi tiết khá tỉ mỉ cho tới những set đồ ăn tí hon bằng đất sét.
Không thua kém gì các nhà hàng nổi tiếng, thực đơn những món ăn bằng đất sét của Như Quỳnh khá đa dạng, từ những món Âu như mỳ hải sản, pizza, bánh nướng, các loại bánh ngọt… cho đến các món Á như xôi xoài hay cơm trộn, thậm chí cả những sản phẩm tượng búp bê bằng đất sét. “Mỗi sản phẩm đều mang lại một ý nghĩ riêng nên sản phẩm nào tôi cũng yêu thích cả”, Như Quỳnh chia sẻ.
Đối với chị Như Quỳnh, kỷ niệm đáng nhớ nhất có lẽ là khi làm búp bê em bé. Chị đã mất khá nhiều thời gian để nghiên cứu về tỉ lệ, gương mặt của trẻ sơ sinh. Dù đã làm hỏng khá nhiều sản phẩm cho đến khi hoàn thiện được tượng búp bê đầu tiên, chị Như Quỳnh vẫn rất tâm đắc bởi búp bê không hoàn hảo 100% nhưng nó đã mang lại cái hồn mà chị muốn thể hiện vào sản phẩm.
Quầy rau củ mini tự “trồng”
Bên cạnh các món ăn siêu nhỏ, chị Như Quỳnh còn tự tay “trồng” được các loại rau, củ, quả được bày biện đầy ắp ở quầy nhưng “không bán”. Mô hình sạp rau củ được lấy cảm hứng sau một lần về quê, Như Quỳnh ra chợ tham quan và bị hút mắt bởi những hàng rau, củ, quả đầy màu sắc khác nhau. Từ đó, cô nảy ra ý tưởng thực hiện sạp rau này với kích thước thu nhỏ.
Trung bình sẽ mất 4-5 tiếng để hoàn thiện sản phẩm, một vài sản phẩm sẽ mất mấy hôm để hoàn thiện, tuỳ vào độ phức tạp của nó. Chị Như Quỳnh ví von: “Do được trồng dưới một loại đất đặc biệt, dồi dào chất dinh dưỡng cùng bàn tay chăm sóc đầy kinh nghiệm trong nghề làm vườn mà củ nào củ ấy, quả nào quả ấy cứ gọi là... không lớn được”.
Dưa chuột, su hào, cà rốt, nải chuối, bắp cải… và vô số các loại rau củ khác đều chỉ bé bé xinh xinh nhưng “tươi ngon quanh năm”, trường tồn vĩnh cửu. Chủ nhân cam kết không dùng bất cứ loại “thuốc độc hại” nào. Một đặc điểm vượt trội hơn hẳn so với rau củ quả ngoài thị trường là chỉ để ngắm, “trồng” vì đam mê chứ không bán.
Theo chị Như Quỳnh, chi phí cho bộ môn này không hạn chế, kể cả khi bạn không có nhiều chi phí vẫn có thể bắt đầu với nó. Từ vài chục, vài trăm cho đến vài triệu, mỗi người sẽ có những lựa chọn riêng để sắm cho mình những nguyên liệu phục vụ cho sản phẩm mình cần làm, nguyên liệu làm đất sét cũng khá đa dạng.
Tuy nhiên, thời điểm chị Như Quỳnh bắt đầu làm đồ ăn bằng đất sét thì mô hình này chưa được phổ biến rộng rãi nên việc tìm mua nguyên liệu khá khó khăn. Chị Như Quỳnh cho biết: “Tôi phải đặt mua ở những trang mạng nước ngoài hoặc nhờ những bạn ở Việt Nam đặt hàng về giúp với giá khá cao. Đặc biệt những món đồ tôi làm thì nguyên liệu cũng khá là phong phú nên để tìm được đủ thì rất vất vả, mỗi lần chờ đồ về cũng mất 1-2 tuần mới có thể bắt đầu làm”.
Chị Như Quỳnh đã tự tìm hiểu các hướng dẫn sử dụng nguyên liệu trên mạng, đồng thời tham khảo những hình ảnh đồ ăn thực tiễn để có thể hoàn thiện những tác phẩm ban đầu. “Tôi vô cùng thích những thao tác nhào nặn và nhận ra, chỉ có đất sét mới đạt được độ hoàn hảo mình cần, có thể tạo ra những sản phẩm với chi tiết tỉ mỉ. Đó là lý do vì sao các sản phẩm của tôi đều được làm từ đất sét”, Như Quỳnh chia sẻ thêm.
Mô hình ẩm thực tí hon không chỉ thỏa mãn niềm đam mê với căn bếp nhỏ mà còn giúp chị Như Quỳnh lan tỏa nguồn năng lượng tích cực, những sản phẩm mang tính nghệ thuật và giải trí đến với mọi người. Biết đâu đó, những tác phẩm của chị Như Quỳnh lại khơi nguồn cảm hứng cho những bạn có cùng sở thích, cùng đam mê và giúp các bạn tiến bộ hơn.