Dân gian luôn lưu truyền những điều lạ lùng, kỳ thú mà nhiều khi, giữa thời buổi hiện đại ta nghĩ nó không còn tồn tại. Trong một chuyến đi về vùng đất thiêng Yên Thế (Bắc Giang), tôi đã gặp võ sư Trịnh Như Quân - chủ nhân của những cây sáo có một không hai ở Việt Nam.
Những cây sáo kỷ lục
Bước vào ngôi nhà của võ sư Quân, ập vào mắt chúng tôi là những cây gỗ lũa đủ hình dáng, những chiếc cọn nước to chạm mái nhà, cả những nắp cống, ống cống từ thời Pháp còn sót lại. Nhưng đáng chú ý nhất là một dàn cắm 4, 5 cây sáo dài ngắn khác nhau, có cây lại uốn khúc cong queo như đuôi rồng...
Võ sư Quân dáng người thấp, đậm, tóc dài lơ phơ cười bảo:
- Tất cả đều được làm từ sắt nguyên khối đấy.
Mà sắt dày tới 6 ly hẳn hoi, cầm mỗi cây sáo trên tay, cảm thấy nặng trịch, khác một trời một vực như khi ta cầm cây sáo tre, sáo trúc vốn thân quen trong tuổi thơ của nhiều thế hệ.
Ngắm kỹ từng cây sáo, lại thêm những chi tiết thú vị: nào tên tuổi được khắc bằng chữ Hán, rồi cả hình chim lạc, trống đồng. Theo võ sư Quân, ông đã phải nhờ đến Giám đốc bảo tàng Bắc Giang tư vấn, giúp đỡ. Còn phần đục lỗ cho thân sáo, thì do đích thân ông Nguyễn Quốc Vệ, người từng đục, khắc bia ở Văn Miếu đảm nhiệm.
Nhấc thử cây sáo nhỏ nhất, dài 60cm, đã thấy nặng tay. Đến khi cầm cây sáo thứ hai, võ sư Quân giới thiệu:
- Cây này tôi đặt tên là Giọt mưa thu đấy.
Tay tôi trĩu xuống, bởi cây sáo nặng tới 2,8 kg và dài 1 m. Tiếp đến cây thứ 3 tên Thiên thai, tôi đã phải dùng đến cả hai tay. Vì nó dài 1,3m và nặng đến 3,7kg. Võ sư Quân cười bảo:
- Thử tiếp cây Tiêu tương xem. Nó dài 1,6m, nặng 4,1kg đấy. Còn cây sáo “khủng” nữa, tên là Ô Thước kiều địch thì dài tới 2,1m, nặng 5,1kg.
Tôi nhấc được cây sáo từ trụ đúc bê tông xuống đã khó, cầm được cây sáo trên tay mà đứng vững lại càng khó hơn. Vậy mà võ sư Quân cứ múa vù vù. Đôi mắt ông lúc này linh hoạt, tinh anh như mắt chim đại bàng theo từng đường sáo. Tôi tỏ ra nghi ngờ:
- Sáo nặng như vậy, chắc gì đã thổi được? Mà thổi thì chắc gì đã chuẩn?
Võ sư Quân khẳng định chắc như đinh đóng cột:
- Chuẩn. Phải chuẩn chứ. Nhiều người khác cũng đã thắc mắc. Nhưng mà các giáo sư âm nhạc đã thẩm định và công nhận rồi.
Dứt lời, ông Quân nâng cây sáo Thiên thai lên. “Tiếng ai hát chiều nay vang lừng bên suối/ Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới đào nguyên”... Âm thanh réo rắt rõ ràng phát ra từ kim khí nhưng trầm bổng biến hóa đầy ảo diệu. Tuy vậy, không phải ai hễ có sức mạnh để nâng sáo và biết nhạc là thổi được sáo mà để sử dụng những cây sáo có một không hai này còn phải có nội công, khí lực thâm hậu của người học võ thì mới biến khúc sắt nặng nề ấy thành nhạc cụ thanh thoát được. Nhưng quan trọng hơn, thổi sáo không thôi chưa đủ, còn phải biết võ sáo thì mới phát huy được hết tinh hoa ẩn chứa trong thứ nhạc cụ - binh khí thần kỳ này.
Duyên với võ sáo
Võ sáo từ đâu mà có? Làm sao võ sư Quân ở xứ Bắc Giang lại có được môn võ lạ lùng này? Để trả lời những thắc mắc ấy, võ sư Quân đưa chúng tôi vào bản Rừng Phe (xã Tam Tiến, huyện Yên Thế), nơi ông được truyền môn võ bí truyền này.
Từng ngọn núi thấp lô nhô lớp cây tái sinh, mấy cánh chim sải cánh trên bầu trời rộng khiến chúng tôi có cảm giác như tìm về huyền sử.
Võ sư Quân rút cây sáo mang theo bên mình ra. “Về đây khi gió mùa thơm ngát ơi lũ chim giang hồ... Nhớ ai qua mấy đồi Yên Thế, kìa nước xa xa sông Gấm còn mịt mờ ngoài bến xuân”... Rồi võ sư Quân ngậm ngùi nhớ về những ngày bắt đầu lặn lội tìm đường đến với “quê hương thứ hai” của mình.
Ngày ấy, xe cộ đi lại từ thành phố xuống đây còn rất khó khăn, tuần chỉ có một chuyến. Đường vào bản hoang vu và lầy lội. Nhưng rất may vùng này không hề có bóng dáng thổ phỉ hoành hành. Cũng bởi danh tiếng của cụ Triệu Quốc Uý - một vị lão thành cách mạng có công trong cuộc kháng chiến chống Pháp của đất nước. Cụ còn là người duy nhất nắm giữ trong tay bài võ “Thiết địch Thần phong” mà người cậu ruột của cụ học được từ một nghĩa binh dưới quyền cụ Đề Nắm truyền lại. Tìm được nhà cụ Uý giữa mênh mông núi rừng Yên Thế đã khó, bởi dân cư ở đây đến bây giờ còn rất thưa thớt, mỗi nhà cách nhau mấy quả đồi chứ đừng nói cách đây mấy chục năm. Nhưng để cụ Uý mến chuộng mà trao hết cả tinh hoa võ học cho còn là điều khó khăn gấp bội. Bởi, đây là bài võ quý có một không hai. Binh khí sử dụng cũng có một không hai. Tính sát thương của nó rất cao, độ dũng mãnh vô song. Nếu để rơi vào tay kẻ ác thì hậu hoạ khôn lường. Vả lại, nếu võ sáo được sử dụng bởi người không biết thổi sáo thì cũng coi như ngọc quý rơi vào tay kẻ phàm phu.
Cho đến một đêm trăng, võ sư Quân đang trằn trọc trong căn nhà gỗ lưng chừng đồi, chợt nghe tiếng sáo trong vắt mà mạnh mẽ như cả một đoàn quân, nhẩn nha mà cuộn xoáy như bão táp, nhưng lại có độ thiết tha, tiêu dao nhàn tản của bậc chí nhân quân tử. Võ sư Quân lần ra đầu nhà tìm kiếm. Dưới ánh trăng mờ ảo, bên rừng tre xao xác, cụ Uý thoắt vừa thổi sáo lại chuyển sang những chiêu “Dạ xoa thám hải”, “Tống điểu thượng lâm”, “Mãng xà truy hổ” linh diệu vô cùng. Kể từ đó, Trịnh Như Quân được cụ Triệu Quốc Uý cho bái sư, được truyền cho bài võ “Thiết địch thần phong”, được gia đình cụ Uý coi như người trong nhà.
Cụ Uý đã đi xa nhiều năm, nhưng chốn này vẫn là nơi đi về quen thuộc của võ sư Quân. Vạt đồi nơi trước kia cụ Uý truyền võ cho ông Quân, gia đình ông Triệu Ngọc Quang (con trai cụ Úy) vẫn trồng tre, trồng vầu và những cây thuốc quý, nhưng nếu có khách, chốn ấy sẵn sàng là nơi để ông Quân biểu diễn những bài võ sáo độc đáo.
“Thiết địch thần phong” là nguyên bản bài võ sáo mà nghĩa binh Yên Thế xưa kia sử dụng. Còn bài “Bóng trăng Phồn Xương” là do ông sau một thời gian được truyền thụ, nghiên cứu và cải tiến. Bài võ “Thiết địch thần phong” có 51 chiêu thức và 12 tấn thế từ khi lập tấn “Thượng bộ hợp địch” cho đến chiêu cuối cùng “Hợp địch quy nguyên” đều được đúc kết từ tinh hoa của võ học cổ truyền. Ngoài bài “Bóng trăng Phồn Xương”, võ sư Quân còn nắm giữ bài võ “Đôi dòng trong đục” cũng của nghĩa quân Đề Thám. Bài này còn khó hơn bài “Bóng trăng Phồn Xương” vì nó đòi hỏi người võ sĩ phải tay sáo tay kiếm, vừa tao nhã lãng mạn, vừa dũng mãnh vô song, lại vừa phải thành thạo âm nhạc. Cả hai bài sáo này đều có nguy cơ thất truyền vì ngoài ông ra, không một ai còn biết rõ.
Nỗi lo truyền nhân
Nhiều năm nay, nỗi bận tâm lớn nhất của võ sư Quân đó là tìm được người để truyền dạy lại những bài võ sáo. đang có một nỗi bận tâm trong lòng: Sự thất truyền bài võ sáo!
Trong suốt mấy chục năm dạy võ cho bao nhiêu thế hệ học trò, ông cũng đã tìm được những đệ tử thân tín là Quý Toàn, Tô Hồng... Tuy nhiên, theo ông, vẫn chưa có ai lĩnh hội hết sự tinh diệu của bài võ này. “Ngoài tâm, tài, đức ra, người sử dụng võ sáo phải có phẩm chất của một nghệ sĩ, môn võ sáo phải được nâng tầm lên vừa là thể thao, vừa là nghệ thuật”, võ sư Quân cho biết.
Võ sư Trịnh Như Quân đang biểu diễn võ sáo
Bóng trăng đã lên cao. Trong ngôi nhà cổ giữa núi rừng Yên Thế vắng vẻ, chỉ có âm thanh của côn trùng, của rừng xa, suối xa, tôi thấy tiếng thở dài của võ sư Quân đã tràn đầy lồng ngực. Một mùa xuân nữa sắp qua, rồi bao nhiêu mùa xuân nữa, thời gian có đợi ai bao giờ. Rồi như có một sức bật phi thường, võ sư Quân đứng dậy múa bài “Bóng trăng Phồn Xương”. Dưới bóng trăng suông, tôi thấy điệu múa của ông, tiếng sáo réo rắt phát ra từ cây sáo Giọt mưa thu như có một ma lực, như thấp thoáng nụ cười hiền của tiền nhân. Chưa lúc nào tôi thấy điệu múa ấy, tiếng sáo ấy đẹp và hay như đêm trong trăng này…
Theo tiền nhân kể lại, võ sáo do nhân dân vùng Yên Thế sáng tạo ra, tuy vậy ông tổ thực sự là ai thì không rõ. Đến khi nghĩa quân của Đề Thám đóng quân tại vùng này, gây ra nhiều nỗi kinh hoàng cho giặc Pháp ngoài súng ống và gươm giáo là những vũ khí đắc lực thì nghĩa quân còn sử dụng rất nhiều vật dụng thường ngày để làm vật sát thương giặc như trâm cài đầu, đàn, dải lụa, bút... Trong đó, phải kể đến đôi đũa cả giắt lưng lo việc hậu cần của bà ba Cẩn cũng trở thành đôi song kiếm đả thương kẻ thù đầy ngoạn mục. Đặc biệt, những cây sáo sắt được kể như là huyền thoại. Tiếng sáo thổi lên vừa là ám hiệu bằng âm thanh báo độ nguy nan mà kẻ thù không thể ngờ tới. Cũng bởi thế, sáo có thể tạo nên sự bất ngờ khiến quân giặc không kịp trở tay. Người dùng võ sáo tài hoa, anh hùng ở chỗ, dùng sáo giết giặc xong lại có thể tiếp tục bản nhạc đang thổi dở của mình, báo tin chiến thắng cho bạn bè, đồng đội... |